Biểu giá bán lẻ điện mới sẽ bảo đảm hài hòa lợi ích các bên |
Ba phương án đều không tăng giá điện
Dự thảo Đề án: “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”, trong đó đưa ra 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt năm 2016- 2017 là: Giữ nguyên 6 bậc hiện hành; quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá); rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 xuống 3 hoặc 4 bậc.
Theo ông Hoàng Văn Tùy, - Phó trưởng ban Tài chính kế toán (EVN) - hiện nay, việc tính giá cho khách hàng sử dụng điện phải theo quy định của Chính phủ. “Giá 1.622 đồng/kWh là giá bình quân chung cho mọi lĩnh vực. Trong đó, mỗi nhóm đều có giá điện bình quân riêng. Trong nhóm sinh hoạt hiện nay, giá bình quân của 6 bậc thang là 1.747 đồng/kWh”.
Về việc giữ nguyên 6 bậc hiện hành, GS-TS. Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - cho rằng, việc lựa chọn phương án tính giá điện cần phải cân nhắc đến lợi ích của các hộ nghèo, hộ khó khăn, nhưng vẫn phải bảo đảm điều tiết sử dụng điện. Số bậc thang càng nhiều thì việc điều tiết càng tốt hơn. “Cần tính toán lượng điện năng sử dụng là bao nhiêu để đưa ra bậc thang tính giá điện. Mức 6 bậc hay 5 bậc không có gì khác biệt nhưng bước nhảy thì phải cố định, hoặc theo tỷ lệ tăng dần” - ông Long nói.
Về phía EVN, ông Hoàng Văn Tùy cho rằng, việc vẫn đưa phương án với 6 bậc thang giá điện như hiện nay nhằm làm cơ sở so sánh với các phương án cải tiến sau đó. Còn phương án giảm biểu giá điện từ 6 bậc xuống 3-4 bậc là nhằm hạn chế mức tăng hóa đơn điện vào mùa nắng nóng. “Dù chọn kịch bản nào cũng phải theo nguyên tắc không tăng giá, đúng bằng 1.747 đồng/kWh. Dù tính giá nào cũng không làm tăng doanh thu của ngành điện, không làm tăng giá bán.Không phương án nào có thể bảo đảm tất cả các nhóm người tiêu dùng cùng được hưởng lợi, tuy nhiên, phương án được lựa chọn sẽ chú trọng ưu tiên người tiêu dùng” - ông Thùy chia sẻ.
Chi phí ngoài ngành của EVN không tính vào giá điện
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, cơ sở để xây dựng giá điện được dựa trên báo cáo do kiểm toán độc lập kiểm tra ở các yếu tố cấu thành giá điện mà không được tính các chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh ngoài ngành của EVN. Cũng không có việc tăng giá điện để bù lỗ tỷ giá. Trên thực tế, cả 3 tập đoàn: EVN, Công nghiệp than - khoáng sản (TKV) và Dầu khí (PVN) đều có văn bản đề xuất tăng giá điện để bù lỗ tỷ giá nhưng Bộ Công Thương không đồng ý. “Các chi phí phát điện bao gồm 4 yếu tố: nhiên liệu (giá dầu, giá khí hoặc giá than); tỷ giá; truyền tải; phân phối và khâu phụ trợ. Khi xem xét tăng giá điện, Bộ Công Thương phải cân đối tổng hòa cả 4 yếu tố. Hiện nay, chi phí cơ cấu nguồn phát đang thay đổi theo hướng giảm dần về giá dầu, giá than. Do vậy, thay đổi giá điện vì tỷ giá là không phù hợp” - ông Tuấn lý giải.
Cục Điều tiết điện lực cho biết, trong quá trình tính toán giá điện năm 2015 cũng đã nghiên cứu ảnh hưởng của giá điện đến tốc độ phát triển kinh tế, đời sống nhân dân thông qua tốc độ tăng trưởng GDP, CPI. Với quy trình này, Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện đúng theo cơ chế giá thị trường… |