Thứ hai 23/12/2024 19:50

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2017: Kho dữ liệu hữu ích cho doanh nghiệp

Sáng ngày 22/3, Bộ Công Thương chính thức công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2017, đánh giá tổng quan có hệ thống về những vấn đề cơ bản của hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam trong năm 2017. 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu khai mạc

Bức tranh toàn cảnh XNK 2017

Đây là ấn phẩm thường niên do Bộ Công Thương phát hành, nhằm cung cấp tới các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) bức tranh tổng thể về tình hình xuất nhập khẩu (XNK) trong một năm.

Chủ trì và phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá cao sự nỗ lực, phối kết hợp của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, nòng cốt là Cục Xuất nhập khẩu và Báo Công Thương, đã phối hợp với một số cơ quan, ban, ngành trong việc chuẩn bị, phát hành ấn phẩm nhanh chóng, hiệu quả, nội dung hợp lý, khoa học, trình bày logic.

Thứ trưởng nhấn mạnh, 2017 là một năm thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu cả nước đã đạt 214,02 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương. Tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng “lan tỏa” thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.

Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến cho rằng, Báo cáo cần cập nhật thêm để định hướng cho các DN XNK, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh với phóng viên Báo Công Thương: "Cần xác định, Báo cáo XNK không phải là nơi đưa ra các giải pháp, các bình luận về XNK mà chỉ có thể làm nhiệm vụ quan trọng là đem lại bức tranh tổng thể về công tác XNK của Việt Nam, về các mặt hàng, các thị trường, các chính sách XNK".

This browser does not support the video element.

Bên cạnh tốc độ tăng trưởng khả quan, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu năm 2017 tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, đảm bảo định hướng đề ra tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu là nhóm hàng công nghiệp chế biến với tỷ trọng trên 81%, tiếp đến là nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm trên 12% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chiếm khoảng 2%.

Cán cân thương mại năm 2017 đạt thặng dư 2,92 tỷ USD là mức thặng dư cao nhất từ trước đến nay, đồng thời tốc độ tăng của nhập khẩu thấp hơn tốc độ tăng của xuất khẩu. Trong đó, Việt Nam xuất siêu chủ yếu với các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU, châu Đại Dương. Như vậy trong 6 năm qua, cán cân thương mại Việt Nam đã nghiêng về xuất siêu. Có được kết quả trên là do nhu cầu hàng hóa trên thế giới tăng, nhiều thị trường lớn, nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng giá. Đồng thời, năng lực sản xuất và kinh doanh của DN tăng trưởng, công tác hội nhập tận dụng các hiệp định thương mại tự do cũng như việc tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương - trình bày tóm tắt Báo cáo

Trình bày tóm lược về Báo cáo Xuất nhập khẩu 2017, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương - nhấn mạnh đến những nội dung quan trọng của báo cáo năm nay. Bao gồm: Tổng quan về XNK 2017; Hạ tầng chính sách XNK và Tình hình đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó đáng chú ý là việc Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý ngoại thương với các nghị định chi tiết về hoạt động XNK rõ ràng, minh bạch hơn.

Các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu cũng được đề cập tương đối chi tiết trong báo cáo như: Bãi bỏ 49 thủ tục hành chính, đơn giản 143 thủ tục, nâng cao năng lực logistic các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và Chương trình Thương hiệu quốc gia vẫn đang được tiếp tục, hiện đang đàm phán và ký kết 17 hiệp định, trong đó đã ký 11 hiệp định FTA... Đặc biệt, thủ tục cấp C/O đã được cải tiến trong năm 2017 qua hình thức trực tuyến nhiều hơn. Báo cáo còn có các biểu mẫu tóm tắt các mẫu C/O để giúp DN tận dụng các ưu đãi của từng thị trường.

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là báo cáo thường niên do Bộ Công Thương phát hành lần đầu tiên vào năm 2016. Năm nay là năm thứ 2 báo cáo được công bố với nhiều cải tiến trong khâu biên soạn, thu thập thông tin, bố cục. Mục tiêu của Báo cáo nhằm cung cấp thông tin toàn cảnh, chính xác bức tranh XNK để giúp các địa phương hoạch định chính sách xuất khẩu, các doanh nghiệp đưa ra chiến lược kinh doanh, các trường có tài liệu tham khảo chính thống phục vụ cho giảng dạy.

Kho dữ liệu hữu ích

Theo đánh giá của các DN, nhìn chung báo cáo XNK 2017 đã cung cấp thông tin toàn cảnh khách quan, giúp DN có thông tin định hướng, các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý có nguồn thông tin chính thống.

Đông đảo doanh nghiệp quan tâm tham dự Lễ công bố

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- ghi nhận nỗ lực của việc phát hành Báo cáo XNK, giúp DN định hướng thị trường, mang lại thông tin hữu ích. "Theo chúng tôi, báo cáo 2018 cần đưa vào vấn đề bảo hộ thương mại trong xuất khẩu, áp dụng các biện pháp thuế chống bán phá giá... và cần có những hướng dẫn giúp đỡ trong việc bảo hộ mậu dịch" - ông Trương Đình Hoè đề xuất.

Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh - nhận xét: Báo cáo được biên tập khoa học, cung cấp đầy đủ thông tin, logic và rất bổ ích cho DN. Trong báo cáo là những con số biết nói, qua đó DN có thể nhìn nhận vị trí đang ở đâu cũng như tự hào về những sản phẩm xuất khẩu đặc sắc của Việt Nam như gạo, hồ tiêu, cá da trơn, tôm... Dù vậy, ông Trần Việt Anh cũng kiến nghị, báo cáo cần có thống kê xuất khẩu của các tỉnh, tỉnh nào có thế mạnh xuất khẩu mặt hàng nào. Báo cáo năm tới nên có thông tin cụ thể thêm từ phía các tỉnh/thành, nêu thế mạnh mặt hàng xuất khẩu của mỗi tỉnh. Thêm vào đó, báo cáo cần thể hiện các thông tin, phổ biến đầy đủ các FTA cho DN hiểu, tạo điều kiện DN bước vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các FTA...

Xem toàn văn Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2017 tại đây

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Khơi thông thị trường ngoài nước: Chống lãng phí nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu

Thêm cơ hội cho hàng Việt ra nước ngoài qua ‘cánh cửa’ xuất khẩu online

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ

Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD

Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Hàng loạt đề xuất giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thế và lực đưa đất nước vươn mình

Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục

Năm 2024, các thị trường đã đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm

Trung Đông nằm Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất

Dự kiến năm 2025, trái chanh leo Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Tiêu chuẩn xanh của thị trường EU: Động lực hay áp lực với hàng Việt?

Điểm danh những nhóm sản phẩm xuất khẩu chịu tác động của Thoả thuận Xanh châu Âu

Bức tranh sáng cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025

Tổng cục Hải quan tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Xuất khẩu cà phê chế biến sâu: ‘Chìa khoá’ xây dựng bền vững thương hiệu

Năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản bứt phá ngoạn mục

Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương trong 11 tháng năm 2024

Dự báo nào cho xuất khẩu rau, quả năm 2025?

Xuất khẩu bền vững sang EU: Nâng cao giá trị sản phẩm để 'thoát kiếp' gia công