Tra cứu thông tin thực phẩm bảo vệ sức khỏe ở đâu?
Dừng vận hành hệ thống nghidinh15.vfa.gov.vn
Thời gian qua, Báo Công Thương nhận được nhiều phản ánh từ bạn đọc liên quan đến việc gặp khó khăn trong tra cứu giấy phép quảng cáo, giấy xác nhận nội dung quảng cáo và bản công bố sản phẩm thực phẩm chức năng. Trước đây, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy cập website nghidinh15.vfa.gov.vn để xác minh sản phẩm. Tuy nhiên, kể từ khi website này ngừng hoạt động, việc kiểm tra thông tin trở nên phức tạp, gây ra nhiều bất tiện và tâm lý lo ngại.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thị trường thực phẩm chức năng phát triển nhanh chóng, việc thiếu một hệ thống tra cứu thuận tiện, minh bạch càng khiến người dân gặp khó trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Liên quan đến những thắc mắc này, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ngày 29/8/2024, đơn vị đã ban hành Thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm thông qua Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Y tế, tại địa chỉ https://dichvucong.moh.gov.vn.
Theo thông báo, toàn bộ thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, bao gồm xác nhận nội dung quảng cáo và tiếp nhận bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sẽ thực hiện trực tuyến qua hệ thống mới. Người dân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ, tra cứu tiến độ và kiểm tra thông tin sản phẩm mà không cần đến trực tiếp cơ quan chức năng.
Tra cứu thông tin sản phẩm ở đâu?
Thời gian qua, một số vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh sữa giả, thực phẩm chức năng giả bị phát hiện và xử lý đã gây xôn xao dư luận. Người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến việc làm thế nào để nhận diện và kiểm tra tính hợp pháp của sản phẩm mình sử dụng. Sự gia tăng của các sản phẩm kém chất lượng trên thị trường đã khiến nhu cầu tiếp cận thông tin chính thống, minh bạch về sản phẩm trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo khi mua và dùng thực phẩm chức năng. |
Trong bối cảnh đó, ngày 18/4/2025, Cục An toàn thực phẩm đăng tải hướng dẫn lưu ý trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó có hướng dẫn tra cứu thông tin sản phẩm trên các website của Bộ Y tế.
Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường.
Tất cả thông tin về các các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được công khai trên trang https://vfa.gov.vn/, https://dichvucong.moh.gov.vn/ và https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.
Do đó, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người dân có thể tra cứu trước khi quyết định chọn mua sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm lưu ý người dân cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ (đối với sản phẩm nhập khẩu) đảm bảo có đầy đủ các thông tin:
- Tên sản phẩm.
- Ngày sản xuất, hạn sử dụng.
- Thành phần, thành phần định lượng.
- Định lượng.
- Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản: Công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng.
- Khuyến cáo về nguy cơ (nếu có).
- Ghi cụm từ: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe".
- Ghi cụm từ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
- Số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có).
- Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và cơ sở sản xuất sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩmcũng hướng dẫn người tiêu dùng khi xem quảng cáo trên mạng xã hội cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo.
Ví dụ, uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh; hoặc có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm, không có dòng chữ "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" là những nội dung quảng cáo vi phạm.
Những lời quảng cáo như "giúp khỏi bệnh hoàn toàn", "tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày", "bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên"… đều là những dấu hiệu của quảng cáo thổi phồng.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung dinh dưỡng chứ không có khả năng chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng tâm lý muốn khỏi bệnh nhanh của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật, thậm chí dùng cả người nổi tiếng để tăng độ tin cậy. |