Như Báo Công Thương đã phân tích ở các kỳ trước, không thể phủ nhận, thương mại điện tử xuyên biên giới đã mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh, quá nóng, trong khi hệ thống pháp lý, công tác quản lý không theo kịp đã khiến Việt Nam thiệt thòi. Do đó, rất cần sớm có giải pháp đồng bộ, toàn diện, thống nhất cũng như trách nhiệm chung tay của các bộ/ngành và toàn xã hội để giảm thiểu những hệ luỵ không đáng có từ thương mại điện tử, nhất là các nền tảng xuyên biên giới.
Chủ trương, định hướng nhất quán
Phát triển kinh tế thương mại trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hoá và chủ trương “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”… đã được đề cập từ Đại hội X (năm 2006) cho đến nay.
Đặc biệt, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đưa ra định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước trong giai đoạn 10 năm tới, trong đó tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; bảo vệ vững chắc Tổ quốc; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế; nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn...
Như vậy, phát triển kinh tế, trong đó bao gồm thương mại luôn phải gắn với yếu tố độc lập, tự chủ, đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đang đặt ra nhiều thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước |
Hiện thực hoá các chủ trương của Đảng, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số: 411/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược), với nhiều nội dung quan trọng.
Đặc biệt về lĩnh vực thương mại, Quyết định 411/QĐ-TTg có nêu quan điểm là: Phát triển kinh tế số và xã hội số trong thương mại theo hướng tinh gọn và tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng, góp phần hiện đại hóa chu trình kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thủ tướng cũng giao các Bộ ngành triển khai các nhiệm vụ như: Tổ chức triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 đã được ban hành tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình thúc đẩy thương mại điện tử tại các vùng miền; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực; quản lý, giám sát hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử; chống hàng gian, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng với nhiều hình thức mới của thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý thu thuế. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 889/CĐ-TTg về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ.
Vấn đề thương mại điện tử gắn liền với thực hiện chiến lược kinh tế số cũng đã được Quốc hội bàn thảo trong nhiều cuộc họp, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề thể chế. Cụ thể, tại Phiên họp pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), trong đó có những nội dung quan trọng liên quan đến giao dịch điện tử trong lĩnh vực thương mại điện tử; giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; giao dịch điện tử xuyên biên giới.
Theo đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị cần chú trọng đến xây dựng nền tảng số dùng chung, có khả năng kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, hoạt động đồng bộ, tránh việc triển khai phân tán, rời rạc, sử dụng trùng lặp nhiều giải pháp chuyển đổi số khác nhau, bởi vì nền tảng số là vấn đề quan trọng, được xem là điểm mấu chốt để vừa phát triển kinh tế số, xã hội số, vừa bảo đảm chủ quyền số quốc gia.
Có thể nói, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng dù đã có chuyển biến tích cực, song trên thực tế triển khai, do tốc độ phát triển quá nhanh của thương mại điện tử trong khi các khuôn khổ pháp luật không thể theo kịp đã dẫn tới còn tồn tại nhiều lỗ hổng. Theo đó, để “chạy đua” với cuộc cách mạng công nghệ số hiện nay, theo các chuyên gia, Việt Nam cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn để bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh chính trị quốc gia.
Tăng trách nhiệm trong kiểm soát thông tin
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh của Cuộc cách mạng 4.0, thương mại điện tử xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Chỉ ra những cơ hội và thách thức trong hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay, tiến sĩ Chử Bá Quyết - Trưởng Bộ môn Thương mại Điện tử - Đại học Thương mại cho rằng, nền tảng thương mại điện tử nói chung và xuyên biên giới nói riêng đang mở rộng cánh cửa cho con đường tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7.385 tỷ USD vào năm 2025. Dự báo giai đoạn 2022-2025 thương mại điện tử Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. |
Cụ thể như tăng giá trị giao dịch thương mại qua việc mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí, thời gian; đáp ứng nhu cầu ngày càng tốt hơn của người dân/doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, biến xã hội số thành hiện thực với công dân số, doanh nghiệp và cộng đồng số. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam thêm cơ hội giao lưu, cọ xát thực tế để nâng cao năng lực kinh doanh trong môi trường rộng mở nhiều áp lực…
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là vẫn còn nhiều tác động tiêu cực như khó kiểm soát các vấn đề về thuế, hàng giả, tình trạng lừa đảo; Áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nguy cơ mất thị trường, bị kiện tụng, giải quyết các vướng mắc nếu sản phẩm hàng hoá không đáp ứng chất lượng rất khó khăn giữa sự "vênh" giữa pháp lý trong nước và quốc tế.
Thương mại điện tử xuyên biên giới giúp người tiêu dùng tham gia "mua sắm toàn cầu" nhanh chóng, tiện lợi |
Bên cạnh đó, khi công nghệ số phát triển mạnh mẽ sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ truyền bá những thông tin thù địch, những sản phẩm văn hoá đồi truỵ, bạo lực; lộ lọt, đánh cắp thông tin, lừa đảo khách hàng. Đặc biệt, việc thất thu thuế, chảy máu ngoại tệ cũng đang là những vấn đề nan giải khiến các cơ quan chức năng “đau đầu” trong vấn đề quản lý hiện nay.
Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời đại kỹ thuật số, mọi thông tin về kinh tế, thương mại đến chính trị, xã hội…đều có quan hệ mật thiết với nhau và được “phẳng hoá” trên không gian mạng, vì vậy, các Bộ, ngành cần phát huy hơn nữa vai trò và chức năng nhiệm vụ quản lý của mình. Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh về việc tăng cường trách nhiệm trong việc kiểm soát thông tin trên môi trường thương mại điện tử.
Trọng tâm cần lưu ý là những quy định, chế tài về cung cấp thông tin, quảng cáo, giao thương, nộp thuế; Đẩy mạnh hợp tác với các Tập đoàn công nghệ - thương mại điện tử xuyên biên giới để vừa xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp; vừa làm cơ sở để định hướng, giám sát việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp; đấu tranh, kiểm tra kiểm soát, phát hiện, xử lý các vi phạm về gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường điện tử...
Để nâng cao hiệu quả quản lý trong môi trường thương mại điện tử, thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông... đã có nhiều nỗ lực trong việc tham mưu, xây dựng văn bản pháp luật về thương mại điện tử.
Cụ thể, về hoạt động quản lý thuế, Bộ Tài chính đã phê duyệt và ban hành đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”. Theo đó, đối với lộ trình ngắn hạn từ nay đến hết năm 2023, ngành Thuế sẽ tập trung các giải pháp tăng cường công tác quản lý thông qua một số giải pháp quan trọng như: Hiện đại hoá công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong kết nối thông tin…; thanh tra, kiểm tra thông tin đối với hoạt động thương mại điện tử.
Ngoài ra, để quản lý và tránh thất thu thuế trong kinh doanh nền tảng số, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc thông tin, Bộ sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý thuế (thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, doanh nghiệp) đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Luật Quản lý thuế số 38/2014/QH14 và các luật thuế cùng các văn bản hướng dẫn theo hướng quy định các tổ chức trung gian thanh toán, tổ chức là đối tác của các nhà cung cấp nền tảng số nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chủ động xây dựng cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới và môi trường mạng xã hội. Doanh nghiệp ở nước ngoài khi bán hàng qua biên giới sẽ trực tiếp kê khai thuế tại cổng này, đồng thời thực hiện nộp thuế từ ngày 21/3. Còn ở trong nước cũng đã có kết nối cơ sở dữ liệu của thuế với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an để lấy mã định danh dân cư làm mã định danh thuế.
Các chuyên gia thảo luận tại sự kiện “Amazon Week 2022: Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới" vào tháng 6/2022 |
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ về công tác quản lý các nhà cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, từ năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập được một cơ chế phối hợp với các nền tảng xuyên biên giới như Facebokk, Google,... sau này là Tiktok để yêu cầu tuân thủ luật pháp Việt Nam. Cụ thể là Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet cũng như các quy định của Luật An ninh mạng.
“Trong quá trình làm việc, cũng như rà quét các nội dung trên môi trường mạng, chúng tôi cũng nhận thấy ngoài các thông tin vi phạm nói chung như thông tin xấu độc, tuyên truyền chống phá Nhà nước và các thông tin giả, bôi nhọ, nói xấu các tổ chức, cá nhân thì trên nền tảng thông tin xuyên biên giới còn rất nhiều thông tin vi phạm pháp luật khác như: Thông tin vi phạm về quảng cáo, thương mại điện tử, thuế… Sau khi nắm bắt thông tin, chúng tôi đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế để phối hợp rà soát các nội dung thông tin chuyên ngành hiện nay có những vấn đề vi phạm đang tồn tại trên các nền tảng xuyên biên giới để có biện pháp xử lý và phòng ngừa” - bà Huyền cho biết.
Ở góc độ quản lý ngành, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Một là, hoàn thiện khung pháp lý, trong đó tiếp tục bổ sung, sửa đổi Luật, văn bản dưới luật như Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử chữ ký số và chứng thực chữ ký số; Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã trình, ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết theo yêu cầu của nghị định; hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, Chương trình nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển lĩnh vực thương mại điện tử trên phạm vi toàn quốc; trong đó phải kể đến Nghị định số 85/2021/NĐ-CP (“Nghị định 85”) ngày 25/9/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013 để đáp ứng các yêu cầu mới về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Chính sách pháp luật cần “tăng tốc” trong cuộc đua công nghệ
Có thể khẳng định, thương mại điện tử, trong đó có các nền tảng xuyên biên giới đang là xu hướng của thời đại công nghệ số, và nền kinh tế hội nhập. Các chuyên gia cho rằng, để thương mại điện tử phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, sự cấp bách của việc hoàn thiện các khung khổ pháp lý có vai trò đặc biệt quan trọng. Đi kèm với đó là các chế tài xử lý; đầu tư hạ tầng công nghệ, logistics; đào tạo, nhân lực; sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt giữa các bộ ngành cũng như cần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị.
Doanh thu bán lẻ hàng hoá xuyên biên giới của Việt Nam dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2026. |
Amazon Global Selling Việt Nam công bố Báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử Việt Nam” - được thực hiện bởi AlphaBeta thông qua việc khảo sát 300+ doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chỉ ra, doanh thu bán lẻ hàng hoá xuyên biên giới của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 và dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2026. |
Theo tiến sĩ Chử Bá Quyết, để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và trong nền kinh tế số, trước hết cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung khổ hành lang pháp lý toàn diện như các Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin, và Luật An ninh mạng, Luật Thương mại…, theo hướng bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp trong nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia; trong đó cần có quy định cụ thể về quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài, bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới; bổ sung chế tài cụ thể trong từng lĩnh vực gắn với trách nhiệm của các chủ thể; đồng thời có chính sách bảo hộ số…
Nhấn mạnh thêm về sự cấp thiết của việc hoàn thiện “hàng rào” pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội cho hay: Hình thức kinh doanh thương mại điện tử đa dạng trên nhiều nền tảng, xuyên biên giới, phát triển nhanh đòi hỏi cơ chế chính sách, công tác quản lý phải “tăng tốc” theo kịp được sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử.
Đặc biệt, vấn đề thất thu thuế từ thương mại điện tử sẽ làm gia tăng mức độ phức tạp trong việc thu và quản lý thuế. Vì vậy, ngành thuế cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động này trên quy mô lớn.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng bộ phận thu thuế chuyên ngành có chuyên môn cao về nghiệp vụ cũng như công nghệ thông tin để hỗ trợ truy vết, phân tích, tổng hợp, ngăn chặn các lỗ hổng về thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đặc biệt hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin cũng như chia sẻ kinh nghiệm thu thuế thương mại điện tử được hiệu quả trong đó cần quan tâm đến vấn đề bắt buộc đăng ký thuế và khai thuế tại Việt Nam của nhà mạng xuyên biên giới không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Biên bản Ghi nhớ giữa Amazon Global Selling Việt Nam và Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số. Hai bên chia sẻ tầm nhìn và chiến lược nhằm hỗ trợ SMEs trong nước xuất khẩu thông qua thương mại điện tử |
Song song với việc nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý, đảm bảo an ninh kinh tế trên môi trường thương mại điện tử xuyên biên giới, hơn lúc nào hết, Việt Nam cũng cần xây dựng một môi trường không gian mạng lành mạnh.
Về vấn đề này, luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS cho rằng, chúng ta cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hành động của xã hội. Các loại hình báo chí chính thống giữ vai trò chủ đạo, định hướng dư luận để đủ "sức đề kháng" đối với các thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh phản bác, vô hiệu hoá các thông tin xấu, luận điệu phản tuyên truyền trên không gian mạng.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin quy mô, đủ mạnh không chỉ phục vụ cho phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, mà còn bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Xây dựng lực lượng chuyên trách đủ năng lực, chủ động đối phó với mọi nguy cơ xảy ra trên không gian mạng.
Ngoài ra, cần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước có trình độ phát triển cao về công nghệ thông tin để đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu khoa học, công nghệ mới, học hỏi kinh nghiệm quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia.
Cần nâng cao sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của Việt Nam đối với an toàn, an ninh mạng trong khu vực và thế giới. Bảo vệ chủ quyền số quốc gia cần lực lượng an toàn, an ninh mạng giỏi, chuyên sâu, có khả năng làm chủ công nghệ, hạn chế và tiến tới không phụ thuộc vào công nghệ và thiết bị của nước ngoài.
Và sau cùng, sự cần thiết phải có một "nhạc trưởng" để chỉ đạo các Bộ/ngành, địa phương trong việc trao đổi thông tin, phối hợp quản lý, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm của các nền tảng thương mại không chấp hành đúng quy định của pháp luật.