Thứ tư 13/11/2024 13:45
Lỗ hổng thương mại điện tử xuyên biên giới và góc nhìn chủ quyền quốc gia:

Bài 1: “Nấm độc” và “tầm gửi” sinh sôi trên không gian mạng

Thương mại điện tử trở thành không gian phát triển nhanh nhất của nền kinh tế, nhưng ở góc độ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, có nhiều bất cập.

Mỗi giờ, mỗi ngày, câu chuyện hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra và trở thành một vấn nạn làm nhà quản lý đau đầu. Đáng quan ngại, trên môi trường thương mại điện tử, vấn nạn hàng giả, hàng nhái xuất hiện "nhanh như chớp".

Mức tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được các hãng dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới

Hàng giả, hàng nhái “tầm gửi” trên môi trường mạng- những con số báo động

Hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động lên nhiều ngành khác nhau.

Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 vừa công bố đã dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm trước...

Mức tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được các hãng dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore. Tổng doanh thu kinh tế Internet Việt Nam đến năm 2025 dự báo đạt mức 57 tỷ USD, chỉ đứng sau Indonesia. Việt Nam cũng có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore.

Với tiềm năng như vậy, thương mại điện tử đang là “mảnh đất màu mỡ” đem lại lợi nhuận khổng lồ để nhiều đối tượng lợi dụng bán các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, doanh nghiệp và sự lành mạnh của thị trường.

Điển hình là vụ việc “nổi cộm” vào tháng 7/2020, Tổng cục Quản lý thị trườngđã phối hợp với các lực lượng chức năng tấn công vào một kho hàng lậu, hàng giả tại TP. Lào Cai, đối tượng kinh doanh thương mại điện tử bán lẻ bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook, tổng số sản phẩm thu được là 158.014 đơn vị sản phẩm nằm trong 237 chủng loại hàng hóa giả mạo nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, châu Âu. Đây là vụ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua thương mại điện tử lớn nhất từ trước tới nay mà quản lý thị trường cùng các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý.

Tổng kho hàng lậu "khủng" tại Lào Cai có doanh thu gần 10 tỷ đồng/ngày, lực lượng chức năng phải sử dụng 34 container mới chứa hết số hàng lậu này.

Tổng cục Quản lý thị trường dự báo, trong khoảng hai đến ba năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.

Vào cuối tháng 4/2022, lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ gần 13.000 sản phẩm gồm giày dép, quần áo, chăn, ga, gối, đệm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, tại một cơ sở ở tỉnh Thanh Hóa. Số hàng trên được bán qua mạng xã hội, có ngày chốt hàng nghìn đơn hàng, doanh số hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Hay như thậm chí, chỉ cần vào Goolge, các trang mạng xã hội gõ từ khóa “mua bán tiền giả”, không khó để tìm được vô số trang mạng xã hội chào mời đổi tiền thật lấy tiền giả một cách công khai, với những lời quảng cáo hấp dẫn như: đổi 2 triệu đồng tiền thật lấy 25 triệu đồng tiền giả, có đủ mệnh giá cho mọi người lựa chọn…

Đây chỉ là một số vụ trong rất nhiều vụ việc vi phạm trên môi trường thương mại điện tử được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thời gian qua. Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền thông tin, năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm. Lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 3.000 vụ lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu

Mỗi năm, có khoảng 300 website và ứng dụng thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cung cấp tới các cơ quan chức năng để làm rõ và có biện pháp xử lý.

Một thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy, mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Trong đó, 50% số khiếu nại liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.

Các sàn thương mại điện tử “tiếp tay” cho hàng giả, hàng nhái như thế nào?

Hàng giả, hàng kém chất lượng đã, đang len lỏi vào các ngõ ngách của đời sống. Ai trong mỗi chúng ta cũng có thể là “nạn nhân” nếu không có kỹ năng lựa chọn, mua hàng trên môi trường mạng xã hội, hay thương mại điện tử.

Chỉ cần lướt trên nhiều sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee hay các trang cá nhân trên Facebook, người dùng dễ dàng tìm thấy những chai nước hoa hàng hiệu nổi tiếng thế giới như Chanel, Hermès, Gucci... hay giày Nike, Adidas có giá chưa đến 200.000 đồng trong khi giá hàng chính hãng cao hơn gấp 10 lần trở lên. Còn trong giới chuyên kinh doanh hàng hiệu fake (F1).

Nhiều chuyên gia về lĩnh lực thương mại điện tử bày tỏ, khi thử tìm cụm từ của các thương hiệu nổi tiếng như "Gucci", LV… thì ra loạt trang Gucci fake, Gucci fake xịn…được bày bán công khai trên mạng. Hành vi bán hàng giả trên thương mại điện tử đang làm méo mó thị trường, gây thất thu ngân sách, người tiêu dùng bị phương hại.

Shopee là một trang thương mại điện tử mua sắm, được thành lập năm 2015 tại Singapore. Đến 8/2016 Shopee chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam và nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng mua sắm được nhiều người sử dụng nhất.

Khi vào trang mua sắm của Shopee, người dùng có thể thấy hàng ngàn các sản phẩm với nhiều ngành hàng, thương hiệu. Không thể phủ nhận sàn thương mại điện tử này đã giúp cho quá trình mua sắm trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên chiếc điện thoại thông minh hoặc laptop, bạn đã có thể sở hữu sản phẩm mình muốn với chi phí tối ưu nhất và được vận chuyển tới tận nhà.

Tuy nhiên, rủi ro khi mua hàng trên Shopee cũng không hề nhỏ, nhiều người ví đây giống như một “chợ đầu mối online” với hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được đăng bán tràn lan. Quá trình kiểm duyệt của Shopee cũng chưa được chặt chẽ, thiếu minh bạch, hoàn toàn dựa trên sự công khai của người bán.

Mới đây, Cục Quản lý Dược yêu cầu Shopee tiến hành thu hồi 3 sản phẩm mỹ phẩm chứa hàm lượng thủy ngân vượt quá mức cho phép đã bán cho khách hàng. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Shopee bị “réo tên” về chất lượng sản phẩm được đăng bán. Trước đó vào năm 2018, “súng đồ chơi” từng được công khai đăng bán trên Shopee dù đây là mặt hàng bị cấm, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo quy định của Nhà nước.

Theo báo cáo của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), Shopee nằm trong số các sàn thương mại điện tử bị cáo buộc bán hàng giả với “mức độ rất cao”. Năm 2021, Shopee từng bị chính người bán “tố” khi duyệt hàng giả, hàng nhái nhưng lại khóa hàng thật. Với lý do hệ thống sẽ không thể kiểm soát được hết nếu như người bán cố tình vi phạm mà không qua kiểm duyệt của bộ phận kiểm duyệt.

Rõ ràng, với 4 sàn thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Lazada, Sendo) có lượng truy cập nhiều nhất Việt Nam, được mệnh danh là “tứ đại gia”, thì việc có bán hàng giả hay không vẫn là băn khoăn lớn của người tiêu dùng Việt nếu nhìn từ kết quả tìm kiếm trên Google.

Mức độ nghi ngờ gia tăng khi nhìn vào vụ việc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News chính thức khởi kiện Lazada (thuộc Công ty Recess - Tập đoàn Alibaba) vì cho rằng sàn thương mại điện tử này có hành vi tiếp tay tiêu thụ sách giả.

Như chia sẻ của đại diện First News, phía công ty đã nhiều lần cảnh báo sau hơn 2 năm phát hiện các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam trực tiếp, gián tiếp “tiếp tay” tiêu thụ sách giả số lượng lớn của các nhà xuất bản ở Việt Nam.

Cụ thể, rất nhiều sách giả để giá bìa cao hơn sách thật 30-50% để giảm giá bán bằng giá bìa sách thật. Và khi đặt ngẫu nhiên 86 đơn hàng các sách của First News cùng các nhà xuất bản khác đang giảm giá 50% trên Lazada thì lúc mở ra thấy rằng tất cả đều là sách giả, kém chất lượng và sai sót, chứng tỏ các gian hàng trên sàn thương mại điện tử và các tội phạm làm giả in lậu có một mối quan hệ mật thiết.

Chủ quyền kinh tế trên không gian mạng: Cần có nhận thức mới

Câu chuyện hàng giả hàng nhái trên thương mại điện tử không là vấn đề mới song chưa bao giờ là cũ, bởi từng ngày, từng giờ vẫn đang hiện diện, tác động trực tiếp đến xã hội. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã và đang thâm nhập vào tất cả các phân khúc của thị trường. Bao nhiêu doanh nghiệp chân chính đã sụp đổ vì vấn nạn hàng giả, hàng nhái? Bao nhiêu thương hiệu, tên tuổi từng “một thời vang bóng” đã phải gục ngã trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái?

Lực lượng quản lý thị trường tăng cường chống hàng lậu, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử

Câu hỏi đặt ra là, tại sao rất nhiều người tiêu dùng biết rõ họ đang sử dụng hàng nhái, hàng giả mà vẫn chấp nhận, thậm chí là thản nhiên một cách thờ ơ tiếp tay cho hành vi này? Câu trả lời đã được giới chuyên gia mổ xẻ rất nhiều lần, đó là tâm lý ham rẻ, hay nói đúng hơn là sự dễ dãi của người tiêu dùng. Và chính sự dễ dãi đó đã “thêm dầu” cho “ngọn lửa” hàng giả hàng nhái bùng cháy.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã từng khuyến cáo, thương mại điện tử phát triển nhanh và mạnh đây là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ nhưng cũng là thách thức lớn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

“Nếu không giải quyết được vấn đề này thì sẽ triệt tiêu khát vọng và mong mỏi sáng tạo của doanh nghiệp. Không ai mong muốn sáng tạo hay phát triển khi mà còn đầy rẫy hàng nhái, hàng giả. Do đó, ta phải không chỉ coi đây là vấn nạn mà phải coi là kẻ thù của sự phát triển trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển thịnh vượng. Đây thực sự là giặc xâm lăng đối với mỗi nền kinh tế, mỗi quốc gia”, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Từ góc độ vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang “lộng hành” trên không gian mạng có thể nhìn nhận thực trạng này qua khẳng định của Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành là thực trạng rất “báo động” “thực sự là giặc xâm lăng đối với mỗi nền kinh tế, mỗi quốc gia”.

Thống kê của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) cho thấy, tội phạm sử dụng công nghệ cao chỉ đứng sau tội phạm khủng bố về mức độ nguy hiểm. Cụ thể, 90% tội phạm truyền thống đã chuyển sang môi trường mạng hoặc có sử dụng các thiết bị công nghệ cao để tiến hành các hành vi vi phạm pháp luật. Một nghiên cứu gần đây do Công ty Quốc tế KPMG tiến hành cho thấy 18% giám đốc điều hành (CEO) trong tổng số 500 CEO cho biết rủi ro an ninh mạng sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển doanh nghiệp của họ trong 3 năm tới.

Mới đây, Công an TP. Hà Nội vừa phá được chuyên án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Theo đó đã phát hiện phương thức, thủ đoạn của các đối tượng nhằm chuyển gần 30 nghìn tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép. Nhận định về vấn đề này, một số chuyên gia về tài chính cho biết thêm, một trong những phương pháp “thời 4.0” hiện nay chính là sử dụng các game online chưa được cấp phép tại Việt Nam. Theo đó, các đối tượng bằng phương thức “nạp tiền" thông qua ví điện tử để mua những sản phẩm ảo trên các game “lậu”, và tiền sẽ được chuyển thẳng đến các đơn vị phát hành game mà Việt Nam không kiểm soát được.

Đơn cử như gần đây ví điện tử Momo đã cho phép người dùng thanh toán trên 3 kho ứng dụng lớn nhất thế giới hiện nay là: Huawei AppGallery, Google Play và App Store. Người dùng có thể thanh toán, mua bán cả với những game lậu. Đây là lỗ hồng lớn cần được, kiểm soát chặt nếu không sẽ tạo ra nguy cơ lớn với nền kinh tế.

Chủ quyền kinh tế trên không gian mạng: Cần có nhận thức mới

Theo Luật An ninh mạng, các doanh nghiệp nước ngoài bắt buộc phải đặt máy chủ dữ liệu tại Việt Nam và các game online phải đăng ký và được cấp phép mới được phát hành. Điều này nhằm quản lý nội dung các game online đúng các quy định, cũng như giúp Việt Nam không bị thất thu thuế.

Tuy nhiên nếu một đối tượng muốn chuyển tiền sang nước ngoài hiện nay vô cùng khó, vì cơ quan an ninh sẽ kiếm soát rất chặt. Nhưng nếu sử dụng thông qua ví điện tử sẽ như thế nào?

Tại cuộc thảo luận mở của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (UNSC) vào tháng 6/2021, lãnh đạo các chính phủ, bộ trưởng và quan chức cấp cao của 15 nước thuộc UNSC nhấn mạnh rằng, không gian mạng cũng chịu sự điều chỉnh của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và nguyên tắc chủ quyền quốc gia.

Ngày nay, theo quan niệm chung của thế giới, an ninh quốc gia bao gồm: An ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh quân sự, an ninh đối ngoại, an ninh tư tưởng – văn hóa, an ninh xã hội, an ninh thông tin, an ninh tài chính – tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh dân số, an ninh môi trường… Trong đó, an ninh kinh tế là nền tảng (trung tâm), an ninh chính trị là cốt lõi, xuyên suốt và cùng với an ninh tư tưởng – văn hóa, an ninh quân sự trở thành 4 trụ cột của Chiến lược An ninh quốc gia trong thế kỷ 21.

Chia sẻ về vấn đề này, Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương bày tỏ, “các quốc gia có quyền tối cao, tuyệt đối, an toàn và riêng biệt đối với phạm vi không gian mạng thuộc quyền kiểm soát của mình, tức là có chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; việc xác định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền kiểm soát, chi phối trên cơ sở chủ quyền, lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế.

Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành lưu ý, thực chất việc quốc gia xác lập chủ quyền không gian mạng là xác lập quyền quản lý, kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng và thông tin được tạo ra, lưu trữ, xử lý và truyền đưa trên đó, được thực hiện thông qua xác lập chủ quyền, quyền tài phán theo luật pháp quốc tế đối với cơ sở hạ tầng mạng thuộc sở hữu cả ở trong và ngoài lãnh thổ quốc gia; đồng thời mã hóa thông tin số truyền đưa trên không gian mạng toàn cầu”.

Tại Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung này tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 5/01/2022, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bảo đảm an ninh thông tin và an ninh mạng.

Thực tế, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của các thách thức an ninh mạng. Theo số liệu từ Kaspersky Security Network (Nga), liên tiếp trong 3 năm (2018-2020), Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất và là quốc gia có tỷ lệ gặp phải mã độc tống tiền cao nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019. Nghiêm trọng hơn, các thế lực thù địch còn sử dụng Internet và mạng xã hội để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định chính trị, xã hội tại Việt Nam.

Việt Nam cần rút ra những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn của các quốc gia khác trên thế giới (như Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ…) trong xây dựng chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là an ninh con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua.

Thiếu tướng, TS Phan Xuân Tuy, Hiệu trưởng trường Đại học An ninh Nhân dân nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ. Không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược. Việc nhận diện rõ thời cơ và thách thức từ không gian mạng, quản trị không gian mạng là yêu cầu lịch sử, bài toán chiến lược về chủ quyền, thời đại đặt ra cho toàn thể nhân loại.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, không gian mạng dường như đã trở thành môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong triển khai các chiến lược củng cố, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia, mang lại những lợi ích to lớn, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy và sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Theo đó cần nâng cao ý thức, trách nhiệm đồng hành cùng lực lượng chức năng trong việc bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, thì chắc chắn rằng chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian đặc thù này sẽ được bảo vệ vững chắc và góp phần xây dựng sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng trong thời gian không xa.

An ninh quốc gia bao gồm: An ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh quân sự, an ninh đối ngoại, an ninh tư tưởng – văn hóa, an ninh xã hội, an ninh thông tin, an ninh tài chính – tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh dân số, an ninh môi trường… Trong đó, an ninh kinh tế là nền tảng (trung tâm), an ninh chính trị là cốt lõi, xuyên suốt và cùng với an ninh tư tưởng – văn hóa, an ninh quân sự trở thành 4 trụ cột của Chiến lược An ninh quốc gia trong thế kỷ 21. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Thương mại điện tử là xu hướng không thể né tránh, mang lại những điều rất tích cực nhưng cũng có nhiều mặt trái. Nhìn ở tấm huân chương hai mặt này, chúng ta cần phải kết hợp nguyên tắc đầu tiên là chống đi đôi với xây. Xây ở đây là khía cạnh nâng cao kiến thức của nhà sản xuất, ý thức của người tiêu dùng, năng lực của nhà quản lý, nghĩa là cần có sự phối hợp của các bên liên quan.
Nhóm phóng viên
Bài viết cùng chủ đề: thương mại điện tử

Tin cùng chuyên mục

Thương mại điện tử là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số Việt Nam

Online Friday 2024: Kích hoạt hàng loạt khuyến mãi hấp dẫn, lan tỏa giá trị hàng Việt trên nền tảng số

Tổng cục Hải quan chỉ đạo quản lý hàng nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử

Thương mại điện tử thúc đẩy dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ doanh nghiệp

Thu gần 95 nghìn tỷ đồng tiền thuế, xem xét việc dùng AI kiểm soát doanh thu sàn thương mại điện tử

Xuất hiện tình trạng lừa đảo, mạo danh sàn thương mại điện tử Amazon

Thương mại điện tử không chỉ phát triển mạnh ở thành phố lớn mà đã vươn tới vùng sâu, vùng xa

Nền tảng hợp cộng thương mại truyền thống và thương mại điện tử: Giải pháp HKDO cho hộ kinh doanh Việt Nam

Ngày 21/11 diễn ra sự kiện ‘Thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương 2024’

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt ShopeePay 25 triệu đồng

Sơn La hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

Sẽ chặn sàn Temu bằng biện pháp kỹ thuật nếu không tuân thủ qui định của pháp luật Việt Nam

Bộ Công Thương: Tuyệt đối không giao dịch với các sàn thương mại điện tử chưa đăng ký

Nông sản Gia Lai bùng nổ, sau 2 ngày livestream thu về 12,7 nghìn đơn hàng

Thấy gì đằng sau mức giá 'rẻ bất ngờ' của sàn thương mại điện tử Temu?

Bị nghi ngờ chất lượng sản phẩm, Temu khó chiếm lĩnh thị trường dù hạ giá ‘sập sàn’

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Kiểm soát chặt nguồn gốc và chất lượng hàng hoá trên sàn thương mại điện tử Temu

Trước sức ép hàng giá rẻ từ Temu, doanh nghiệp Việt làm gì để giữ 'sân nhà'?

Luật sư Nguyễn Hoài Sơn:Xử lý sàn thương mại điện tử Temu sai phạm thế nào?

Nhiều quốc gia 'mạnh tay' với sàn thương mại điện tử Temu