50 năm ngày thành lập ASEAN (8/8/1967 – 8/8/2017)- Dấu ấn Việt Nam
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (thứ 5 từ trái sang) tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEANlần thứ 50 và Canada tại Manila, Philippines Ảnh: TTXVN |
Tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững
Trao đổi với báo chí mới đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, từ một tổ chức bao gồm các nước có nền kinh tế nghèo và lạc hậu, ASEAN đã trở thành một cộng đồng kinh tế phát triển năng động nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tạo ra thị trường rộng lớn 630 triệu dân với tổng sản phẩm quốc nội 3.000 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 4,7%/năm - mức cao trong khu vực cũng như trên thế giới. Đặc biệt, ASEAN hấp dẫn với tất cả các nước có quan hệ kinh tế với Hiệp hội bởi đã tạo liên kết về kinh tế thông qua hiệp định thương mại tự do. Đây là mối quan hệ kinh tế mà các tiểu khu vực khác khó có thể làm được như ASEAN.
Theo ông Lê Lương Minh - Tổng thư ký ASEAN - ASEAN đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.Năm 2016, ASEAN vượt Pháp trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, thứ 3 châu Á. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như trên, dự báo đến năm 2020, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã đánh dấu nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế Hiệp hội với mục tiêu xây dựng không gian kinh tế ASEAN gắn kết, cạnh tranh, năng động và sáng tạo. Sau hơn một năm thành lập, AEC đã phát huy vai trò kiến tạo môi trường kinh doanh, tăng cường cơ hội để các doanh nghiệp có thể tham gia sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN.
Việt Nam giữ vai trò quan trọng
Việt Nam đã tham gia tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN ngay từ những ngày đầu khi Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) chỉ manh nha. Trong suốt 22 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã từng bước gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế ASEAN. Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế ASEAN; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thành viên khác trong thương mại nội khối.
ASEAN nay đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai, với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua; thị trường lớn thứ ba và là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với ASEAN đạt 23,93 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN 10,35 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, ASEAN là nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 64 tỷ USD, đồng thời là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN. Các dự án của các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo.
Vượt qua thách thức
Tổng thư ký Lê Lương Minh cho rằng, thách thức lớn nhất là khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp về Cộng đồng kinh tế chung ASEAN chưa đồng nhất. Hơn thế, ASEAN tiếp tục chính sách khu vực mở, tức là ủng hộ toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, trong khi trên thế giới đang có xu hướng bảo hộ mậu dịch, đặc biệt tại một số nền kinh tế lớn.
Vì vậy, để hội nhập tốt hơn trong AEC, doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ những thách thức mà ASEAN đang đối mặt. Doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự đặt chân vào thị trường ASEAN.
Hiện nay, ASEAN đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với Hong Kong, đồng thời nghiên cứu các khả năng thiết lập quan hệ thương mại tương tự với Liên minh Kinh tế Á - Âu và Canada. ASEAN vẫn ủng hộ mạnh mẽ hệ thống thương mại đa biên, thừa nhận tầm quan trọng của hệ thống thương mại minh bạch, không phân biệt, dựa trên luật pháp nhằm tạo điều kiện.