Yên Bái: Giải ngân vốn đầu tư công tháng 4 tăng gần 8,6% Hiện thực hóa mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, toàn diện, bền vững |
Những năm vừa qua, sản xuất công nghiệp Yên Bái đã có bước tăng trưởng khá, từng bước vững chắc, thể hiện được vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Đa dạng giải pháp phát triển công nghiệp
Năm 2021, tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động, với những cơ hội phát triển và thách thức đan xen.
Tuy nhiên là một tỉnh miền núi, nằm sâu trong nội địa, hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng, nội vùng, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn hạn chế so với cả nước, chưa thực sự thuận lợi cho thu hút đầu tư. Nguồn lực nội tại còn nhỏ bé, các doanh nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, công nghệ, thiết bị chậm được đổi mới, năng lực tài chính, trình độ quản lý, tay nghề lao động, chất lượng sản phẩm còn thấp...
Sở Công Thương tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản |
Nhiều doanh nghiệp, HTX cho rằng hiện nay còn rất nhiều khó khăn về tiếp cận nguồn vốn |
Trong bối cảnh đó, tỉnh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo hoàn thành xây dựng Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có các chuyên đề, phương án phát triển ngành công nghiệp; phát triển các khu, cụm công nghiệp (KCN, CCN); phát triển hệ thống điện; quy hoạch, khai thác chế biến khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất, phát triển nông lâm nghiệp, phát triển giao thông vận tải, xây dựng... để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9/2023.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện thủ tục hành chính công mức độ 4, thực hiện chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội. Duy trì có hiệu quả các hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, cà phê doanh nhân, ngày thứ 7 cùng doanh nghiệp… Thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các dự án đầu tư.
Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành tăng cường phối hợp xây dựng mối liên kết trong sản xuất nhằm phát triển bền vững, nhất là xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giữa sản xuất nguyên liệu với nhà máy chế biến, gắn với xây dựng quảng bá sản phẩm liên kết với thị trường tiêu thụ; Quy hoạch và xây dựng các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, liên huyện, liên xã gắn với vùng nguyên liệu, KCN, CCN, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp phát triển.
Sở Công Thương tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản |
Cơ cấu chuyển dịch tích cực, ngành Công Thương Yên Bái phát triển đúng mục tiêu
Theo Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết, công nghiệp tiếp tục phát triển đúng định hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, gắn với phát triển các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh; công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.
Sản xuất công nghiệp Yên Bái có nhiều khởi sắc ( Ảnh: Trọng Bảo) |
Quý 1/2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái tiếp tục phát triển và có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước (tăng 9,18%). Trong 18 ngành công nghiệp cấp 2, toàn tỉnh có 12 ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ là: tinh bột sắn, quần áo, gỗ dán, xi măng, dịch vụ sản xuất cấu kiện bằng kim loại, dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy móc, điện thương phẩm…
Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP năm 2023 đạt 21,9% (tăng 1,68 % so với năm 2021). Thực hiện giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng (năm 2021 là 7,04%, năm 2023 đạt 6,3%); tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (năm 2021 là 79,47%, năm 2023 đạt 79,9%); tăng tỷ trọng ngành công nghiệp sản xuất, phân phối điện nước (năm 2021 là 12,89%, năm 2023 đạt 13,0%); giảm dần ngành công nghiệp hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải (năm 2023 đạt 0,8%, phân đấu giảm còn 0,6% vào năm 2025).
Tỉnh cũng đã Xây dựng Đề án phát triển KCN, phương án phát triển CCN tích hợp quy hoạch tỉnh Yên Bái, quy hoach 08 KCN với diện tích 2.079,89ha và 25 CCN với diện tích 1.288,21ha, phân bổ chủ yếu bên hữu ngạn sông Hồng và gần với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN, CCN như: KCN Âu Lâu, KCN phía Nam, CCN Yên Thế, Âu Lâu… Trong 3 năm qua, vốn ngân sách tỉnh đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng các khu, cụm công nghiệp là 195,551 tỷ đồng.
Tỉnh đã tập trung phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo đúng định hướng xã hội hóa đầu tư. Toàn tỉnh đã thu hút mời gọi được 01 tập đoàn đầu tư hạ tầng KCN Trấn Yên với tổng mức đầu tư 1.864,5 tỷ đồng; đã thành lập, mời gọi và lựa chọn được 03 chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN (CCN Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2 và Phú Thịnh 3) với tổng vốn đầu tư 1.931,519 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2023 đã thu hút được 33 dự án có quy mô khá, máy móc tiên tiến hiện đại vào các KCN, CCN với tổng vốn đầu tư 5.685,29 tỷ đồng; đến nay tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 85,79%, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt 34,13%.
Về xây dựng một số cụm liên kết ngành công nghiệp, bước đầu đã hình thành và phát triển liên kết chuỗi giữa một số doanh nghiệp chế biến nông lâm sản, chế biến khoáng sản (sản xuất gỗ, tơ tằm, măng tre Bát độ, chế biến quả Sơn Tra, chế biến đá trắng…) sản xuất chế biến sâu đến sản phẩm cuối cùng, giá trị gia tăng cao. Một số dự án chế biến gỗ công nghệ cao đã hình thành và đi vào hoạt động tại KCN phía Nam, Minh Quân, một số sản phẩm chất lượng cao, có thị trường xuất khẩu ổn định đang từng bước đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tỉnh đã thu hút được 01 nhà đầu tư quan tâm đăng ký khảo sát tiến tới đầu tư hạ tầng logistics tại khu vực xã Văn Phú (Dự án Cảng thủy nội địa và Trung tâm logistics Văn Phú, Yên Bái).
Tỉnh Yên Bái cũng tập trung triển khai các dự án lưới điện truyền tải, phân phối 500 kV, 220kV, 110kV đảm bảo khả năng truyền tải, giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tích cực triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia. Số hộ được sử dụng điện đến nay đạt 97,6 %, tiến tới năm 2025 đảm bảo 99% số hộ được dùng điện.
Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn tỉnh không có cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều tự đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường để xử lý chất thải, đặc biệt là xử lý nước thải trước khi thải ra ngoài môi trường cơ bản đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Như vậy, bằng tổng hoà các giải pháp, sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có bước tăng trưởng khá, từng bước vững chắc thực hiện được vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cơ bản theo đúng lộ trình, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu Nghị quyết đề ra.