Ý nghĩa của phong tục lì xì ngày Tết
Phong tục lì xì ngày đầu năm là nét văn hóa đặc sắc trong Tết Nguyên đán của người Việt. Mặc dù Tết nay đã có nhiều thay đổi so với Tết xưa nhưng tục lệ này vẫn sẽ luôn được gìn giữ và trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt Nam.
Theo truyền thống, sáng mùng một Tết, cả gia đình sẽ sum họp đông đủ với nhau cùng thắp nén hương tổ tiên, cùng nhau vui đùa ăn uống chúc mừng năm mới.
Phong tục lì xì ngày đầu năm là nét văn hóa đặc sắc trong Tết Nguyên đán của người Việt. Ảnh minh họa |
Đây cũng là dịp mà con cháu trong nhà chúc Tết đến ông bà, cha mẹ và nhận lì xì mừng tuổi. Phong bao lì xì màu đỏ bên trong có số tiền nhỏ tượng trưng cho lời chúc may mắn, mạnh khỏe, gặp nhiều thành công trong công việc, học tập mà người lớn muốn gửi đến trẻ nhỏ.
Phong bao lì xì mang rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có.
Mừng tuổi (lì xì) bằng tiền mới là một tục lệ mang ý nghĩa tốt đẹp trong những ngày đầu năm mới. Dùng tiền mới để lì xì như lời chúc cho một sự khởi đầu tươi mới, tốt lành với người nhận.
Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc, ngoài ra màu đỏ cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn.
Ngày nay, việc mừng tuổi đã không còn giới hạn trong ngày mùng một hay ba ngày đầu năm nữa, mà chỉ cần còn không khí Tết thì vẫn có thể lì xì con cháu của mình. Ngoài ra, tục lì xì cũng không còn giới hạn chỉ người lớn lì xì cho trẻ nhỏ nữa.
Dù mệnh giá bao lì xì là bao nhiêu thì phong bao lì xì vẫn luôn giữ vững ý nghĩa vốn có của nó chính là mong muốn người nhận gặp thật nhiều may mắn và dồi dào sức khỏe trong năm mới.
Hiện nay bao lì xì cũng không chỉ còn là màu đỏ hay vàng truyền thống mà còn có thêm nhiều mẫu mã phù hợp với sở thích của mỗi người.
Những chiếc bao lì xì gắn kết mọi người với nhau hơn, là lúc được thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn.
Để phong tục mừng tuổi ngày Tết giữ mãi những nét đẹp vốn có của nó, không chỉ cần phải gìn giữ, lan tỏa văn hóa mừng tuổi từ trong gia đình, họ hàng đến bạn bè, đồng nghiệp ngoài xã hội mà hơn hết cần hướng trẻ em hiểu biết về phong tục đẹp này.
Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng phong tục mừng tuổi đầu năm đã lưu truyền từ năm này qua năm khác và cho đến tận bây giờ vẫn được gìn giữ. Lì xì ngày Tết vẫn là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.