Thứ sáu 03/01/2025 08:29

Xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn tăng cao

9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu của tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt 46.362,2 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Tạo điều kiện cho kinh tế cửa khẩu

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thông tin, thời gian qua, để phát triển kinh tế cửa khẩu trên địa bàn, các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế cửa khẩu được tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, các giải pháp được tích cực triển khai như: tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thiện các quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu; tăng cường trao đổi với phía Trung Quốc để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Qua đó, trong 9 tháng đầu năm 2024, đã 16 lần tăng thời gian thông quan thêm 2 giờ/ngày phục vụ xuất nhập khẩu.

Xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh sôi động (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn)

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện quản lý phương tiện vận tải giao nhận hàng hoá qua các lối thông quan, đường chuyên dụng thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị theo quy định tại Hiệp định, Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thiện các quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu cửa khẩu Bình Nghi… Bên cạnh đó, tích cực triển khai thực hiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng khu hợp tác thương mại, du lịch Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc).

Mặt khác, theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, ngay từ đầu năm, Chi cục đã xây dựng kế hoạch, rà soát danh sách doanh nghiệp xuất nhập khẩu những nhóm hàng như ô tô tải, máy xúc, máy phục vụ sản xuất..., từ đó gặp gỡ trao đổi, vận động các doanh nghiệp quay lại làm thủ tục xuất nhập khẩu qua địa bàn. Ngoài ra, Hải quan Hữu Nghị đã xây dựng nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó chủ đạo là phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu như Biên phòng, Kiểm dịch, Trung tâm quản lý cửa khẩu… để phân vùng ưu tiên hàng hóa. Nhờ đó, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng đều, hoạt động biên mậu diễn ra sôi động.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế cửa khẩu có bước phát triển tích cực, hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì ổn định tại 5 cửa khẩu và 2 đường chuyên dụng, lối thông quan với hiệu suất cao (trung bình đạt khoảng 1.300 lượt xe/ngày, cao điểm lên đến gần 1.500 lượt xe/ngày).

Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt 46.362,2 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng kim ngạch hàng hóa mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh đạt 4.005 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó xuất khẩu 1.874,1 triệu USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ; nhập khẩu 2.130,8 triệu USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ). Xuất khẩu hàng địa phương ước 122 triệu USD, đạt 72,2% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn

Thời gian tới, để tăng hiệu suất thông quan, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như: tăng cường hội đàm, trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương phía Trung Quốc nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh, thống nhất các giải pháp nâng cao năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra ùn tắc hàng hóa, đặc biệt là dịp cao điểm cuối năm giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Về phía Hải quan Lạng Sơn, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn. Cùng với đó, tiếp tục thành lập các tổ công tác gặp gỡ, mời gọi các doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu phương tiện vận tải, máy móc sản xuất, thép và nhôm thành phẩm, thiết bị điện tử… làm thủ tục hải quan qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.

Để giảm thiểu tối đa các chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, Cục Hải quan Lạng Sơn sẽ chủ động phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực thông quan, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn…

Để tăng cường xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn, ngày 19/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1009/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm tiếp tục xây dựng Khu kinh tế Đồng Đăng-Lạng Sơn giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại trên bộ quan trọng nhất của cả nước, là điểm trung chuyển trên bộ quan trọng trong kết nối Trung Quốc-Việt Nam-các nước Đông Nam Á; là động lực thúc đẩy phát triển đô thị Lạng Sơn trở thành thành phố biên giới xanh gắn với cửa khẩu thông minh có hệ thống hạ tầng hiện đại.

Phát triển Khu kinh tế Đồng Đăng-Lạng Sơn với những vị thế và xu hướng phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, nhằm khai thác có hiệu quả những tiềm năng của khu kinh tế, gắn với phát triển bền vững và đảm bảo môi trường sinh thái, từng bước phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới, khắc phục các vấn đề tồn tại về hợp tác quản lý biên giới, phát triển biên mậu Việt - Trung, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hoá - xã hội và đảm bảo vùng biên giới hoà bình, hữu nghị, cùng nhau phát triển...

Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Kinh tế cửa khẩu

Tin cùng chuyên mục

Trung tâm hành chính Cửa khẩu Ma Lù Thàng chính thức hoạt động

10 dấu ấn nổi bật năm 2024 - nhiều nội dung đậm nét ngành Công Thương

Loạt chỉ tiêu tăng trưởng 2 con số của ngành Công Thương

Thương mại Việt Nam – Thuỵ Điển tăng trưởng 11,8%

Lạng Sơn: Năm 2024, xuất nhập khẩu tăng trưởng 27,6%

Công bố 10 sự kiện logistics Việt Nam năm 2024

Số lượng C/O ưu đãi được cấp năm 2024 tăng 18%

Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo vaccine thú y

Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Công tác phát triển thị trường châu Á - châu Phi phải trọng tâm, trọng điểm

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024

Châu Á - châu Phi tiếp tục là thị trường chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu

Năm 2025, cần đưa ra mục tiêu, giải pháp trong cả hoạt động nhập khẩu

Xuất khẩu nông sản: Đừng để “vết ố” làm hỏng bức tranh sáng màu!

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng từ 10-12%

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ dự kiến vượt mức 15 tỷ USD