Xuất khẩu tuần 11-17/12: Xuất khẩu cao su mang về 2,51 tỷ USD,xuất khẩu sắn đạt 1,16 tỷ USD sau 11 tháng
Xuất khẩu cao su mang về 2,51 tỷ USD sau 11 tháng
11 tháng năm 2023, xuất khẩu cao su đạt trên 1,87 triệu tấn, trị giá 2,51 tỷ USD, tăng 0,01% về lượng, nhưng giảm 14,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 11/2023, lượng cao su xuất khẩu tăng so với tháng trước, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2023, Việt Nam xuất khẩu được 253,31 nghìn tấn cao su, trị giá 348,43 triệu USD, tăng 16,1% về lượng và tăng 18,6% về trị giá so với tháng 10/2023; so với tháng 11/2022 giảm 0,1% về lượng, nhưng tăng 1,3% về trị giá.
Xuất khẩu cao su mang về 2,51 tỷ USD sau 11 tháng |
Lũy kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cao su đạt trên 1,87 triệu tấn, trị giá 2,51 tỷ USD, tăng 0,01% về lượng, nhưng giảm 14,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 11/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 82,55% về lượng và chiếm 81,65% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 209,1 nghìn tấn, trị giá 284,5 triệu USD, tăng 16,3% về lượng và tăng 18,3% về trị giá so với tháng 10/2023; so với tháng 11/2022 tăng 0,03% về lượng và tăng 2,6% về trị giá.
Lũy kế 11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,48 triệu tấn cao su, trị giá 1,96 tỷ USD, tăng 7,9% về lượng, nhưng giảm 5,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,16 tỷ USD
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2023, Việt Nam xuất khẩu 268,91 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 134,77 triệu USD. Lũy kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt trên 2,66 triệu tấn, trị giá 1,16 tỷ USD, giảm 6,8% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,16 tỷ USD |
Trong tháng 11/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 92,09% về lượng và chiếm 92,59% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, đạt 247,64 nghìn tấn, trị giá 124,78 triệu USD, tăng 2,5% về lượng, nhưng giảm 0,1% về trị giá tháng 10/2023; So với tháng 11/2022 giảm 10,6% về lượng, nhưng tăng 6,8% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 503,9 USD/tấn, giảm 2,5% so với tháng 10/2023, nhưng tăng 19,5% so với tháng 11/2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,43 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 1,05 tỷ USD, giảm 6,7% về lượng và giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 10 tháng năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu gần 5,35 triệu tấn sắn lát, với trị giá 1,47 tỷ USD, giảm 17,1% về lượng và giảm 20,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Nigeria là 5 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc.
11 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu tăng về lượng
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 11/2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 20,2 nghìn tấn, tương đương 77,7 triệu USD, tăng 4,3% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với tháng trước, tăng 23,7% về lượng và tăng 28,4% về trị giá so với tháng 11/2022.
Tính chung 11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đạt xấp xỉ 245,7 nghìn tấn, trị giá 833,2 triệu USD, tăng 18% về lượng và giảm 7,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đạt xấp xỉ 245,7 nghìn tấn, trị giá 833,2 triệu USD |
Tháng 11/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam bật tăng lên 3.839 USD/tấn, cao nhất kể từ đầu năm. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.392 USD/tấn, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của hạt tiêu Việt Nam trong 11 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nhiều thị trường tiếp tục tăng từ 2 đến 3 con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra cả năm ước đạt 1,8 tỷ USD
Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, ước tính cả năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam chỉ đạt khoảng 1,8 tỷ USD, bằng 75% so với cùng năm 2022. Các thị trường chính nhập khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU… đều sụt giảm từ 17 - 53%.
Xuất khẩu cá tra cả năm ước đạt 1,8 tỷ USD |
Một điểm sáng là khâu nuôi không bị đứt gãy, đảm bảo sản lượng, chất lượng. Tuy nhiên, xuất khẩu gặp khó đã kéo giá thu mua nguyên liệu trong nước xuống dưới 28.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 3000 đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, giá thành sản xuất chiếm khoảng 26.000 đồng/kg.
Tăng cường liên kết chuỗi, bơm mạnh nguồn vốn vay và tích cực mở rộng thị trường.... là các giải pháp căn cơ nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng tỷ USD này.
Top 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11 ước đạt 60,88 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 31,08 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, giảm 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,59 tỷ USD, giảm 4,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 tăng 6,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 4,4%.
5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước lần lượt là TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương và Bắc Giang. |
Xét theo tỉnh, thành phố, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, tính riêng trong tháng 11/2023, 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh (3,62 tỷ USD), Bắc Ninh (3,4 tỷ USD), Hải Phòng (2,9 tỷ USD), Bình Dương (2,6 tỷ USD) và Bắc Giang (2,3 tỷ USD).
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước, với kim ngạch xuất khẩu đạt 38,5 tỷ USD. Đứng thứ hai là Bắc Ninh, với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 36,4 tỷ USD. Theo sau là Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 27,7 tỷ USD, 24 tỷ USD và 23,93 tỷ USD.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,6 tỷ USD, giảm 0,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,2 tỷ USD, tăng 1,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Mười Một tăng 5,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,6%.
Xét theo tỉnh, thành phố, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, tính riêng trong tháng 11/2023, 5 địa phương có kim ngạch nhập khẩu cao nhất cả nước lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh (4,9 tỷ USD), Hà Nội (3,36 tỷ USD), Bắc Ninh (3,12 tỷ USD), Hải Phòng (2,4 tỷ USD) và Bình Dương (1,98 tỷ USD).
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có kim ngạch nhập khẩu cao nhất cả nước, với kim ngạch nhập khẩu đạt 50,4 tỷ USD. Đứng thứ hai là Hà Nội, với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 33,9 tỷ USD. Theo sau là Bắc Ninh, Bình Dương và Bắc Giang, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 30,4 tỷ USD, 19,98 tỷ USD và 18,4 tỷ USD.
Xuất khẩu gạo 11 tháng thu về 4,4 tỷ USD
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, sản lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm của Việt Nam đã đạt 7,8 triệu tấn thu về kim ngạch 4,4 tỷ USD. Đây là những con số kỷ lục, cao nhất kể từ năm 1989 trở lại đây và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thị trường số một của gạo Việt Nam tiếp tục là Philippines, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu. Trong 11 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỷ USD. Xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam diễn biến tương đối phức tạp từ năm 2021. Cụ thể, đầu năm 2021, giá gạo đạt ngưỡng 550 USD/tấn, nhưng đến khoảng giữa năm 2022, con số này giảm xuống sát 460 USD/tấn, sau đó tăng cao đột biến trong năm 2023. Giá thời điểm cao nhất được ghi nhận vào tháng 10/2023, đạt 640 USD/tấn. Cá biệt, một số doanh nghiệp có thể đạt thỏa thuận sát ngưỡng 800 USD/tấn.