Thứ ba 05/11/2024 16:27

Xuất khẩu trái cây: “Mỏ vàng” chưa khai phá hết

Những năm qua, XK trái cây có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về kim ngạch lẫn thị trường khi có mặt tại nhiều miền đất “khó tính” bậc nhất thế giới như Mỹ, Nhật… song kết quả đó chưa hề tương xứng với tiềm năng. Nhu cầu lớn, thị trường thế giới vẫn thênh thang, muốn thực sự tạo ra đột phá trong XK, ngành trái cây còn rất nhiều việc phải làm.
Cán bộ công chức Hải quan Cốc Nam (Lạng Sơn) kiểm tra hoa quả XK

Kim ngạch tăng vọt

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): Hơn 10 năm trở lại đây, XK rau quả nói chung, đặc biệt là mặt hàng trái cây ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2005, rau quả Việt Nam mới được XK tới 36 nước và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch trên 235 triệu USD, thì đến năm 2015, số thị trường XK đã tăng lên hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch XK cũng không chịu thua kém khi chạm mức trên 1,8 tỷ USD, tăng 123% so với năm 2014 và tăng 782,13% so với năm 2005. Trong số đó, trái cây XK chiếm trên 70%. 2015 cũng là năm đánh dấu kim ngạch XK rau quả cao nhất từ trước đến nay. Vẫn trên đà đi lên, bước sang 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK rau quả cả nước đã đạt 1,385 tỷ USD, tăng 135,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài các thị trường XK truyền thống, dù khó khăn song Việt Nam đã tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, New Zealand... Tại ĐBSCL, sản xuất cây ăn trái theo qui trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được đặc biệt quan tâm, nhằm đáp ứng yêu cầu XK. Nhiều mô hình sản xuất theo VietGAP, Global GAP đã được thực hiện và chứng nhận trên chôm chôm, bưởi da xanh ở Bến Tre, bưởi 5 roi ở Vĩnh Long, vú sữa Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, khóm (dứa) ở Tiền Giang, xoài ở Đồng Tháp,...

Tuy nhiên, sòng phẳng nhìn nhận thì lượng trái cây XK hiện nay mới chiếm khoảng 10-15%. Trong số đó, XK chủ yếu trái cây tươi đối với các mặt hàng như thanh long, nhãn, chôm chôm, dứa, bưởi, chanh, chuối, xoài… XK dưới dạng chế biến đối với dứa, xoài ở dạng đông lạnh, nước quả… Có tới 85-90% trái cây còn lại chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa. Dễ thấy, nhu cầu tiêu thụ trái cây, nhất là trái cây đặc trưng vùng nhiệt đới như của Việt Nam trên thị trường thế giới còn khá lớn. Trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, đây thực sự là “mỏ vàng” nếu có thể nâng cao khả năng khai thác.

Vượt rào cản giá cả và chất lượng

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT): Trong hội nhập sâu, nhất là khi tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), lộ trình thuế suất giảm dần cũng đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật như điều kiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm sẽ tăng lên. Đây là một trong những khó khăn nổi cộm trong XK trái cây. Hồ sơ một loại trái cây để được một quốc gia chấp nhận nhanh thì mất 1 năm, còn trung bình khoảng 3-4 năm, thậm chí lâu hơn có thể mất tới cả 10 năm.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Đạt, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: Giá thành và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhóm quả tươi XK hiện nay là thách thức lớn trong XK. Riêng đối với TPP, trong số 12 nước tham gia TPP thì khá nhiều nước thuộc thị trường “khó tính” đối với việc nhập quả tươi, nổi bật là Mỹ, Nhật, Australia, New Zeland. Yêu cầu rau quả xuất đi nhóm thị trường này là phải sản xuất theo VietGAP, tuân thủ không sử dụng một số nhóm thuốc trừ dịch hại nhất định.

Về mặt giá thành, hiện tại mức giá thành phẩm của trái cây Việt Nam tại thị trường được đánh giá khó khăn đang ngang bằng với mức giá cạnh tranh. Điều đáng bàn là các DN XK thường phải ký hợp đồng xuất cho cả một năm, theo một mức giá không đổi, song giá nguyên liệu quả mua của nông dân lại thay đổi theo mùa, theo thời điểm trong năm. “Thông thường tại thời điểm chính vụ, giá bán ra thấp hơn so với các thời điểm khác trong năm, tuy nhiên tại các vườn sản xuất đúng quy cách cho chất lượng trái tốt, các DN vẫn mua cao hơn 2.000- 3.000đ/kg để XK. Tuy nhiên, thực trạng là vào giai đoạn chính vụ do giá quá rẻ nên nhiều nông dân giảm bớt qui trình tuân thủ về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này mang lại thiệt hại không chỉ cho DN mà còn cả nền XK quả tươi Việt Nam. Một lô hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, DN bị thiệt hại bằng 15 lô xuất thành công trước đó, chưa kể tiến độ xuất hàng sụt giảm và bị ảnh hưởng tiếp theo sau”, ông Đạt nói.

Xuất phát từ các yếu tố trên, ông Đạt đánh giá: Để ngành rau quả có thể phát triển bền vững hơn, đảm bảo sức cạnh tranh, người nông dân cần ý thức hợp tác, liên kết chặt chẽ với DN, luôn tập trung sản xuất tốt, đảm bảo đạt vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt và bỏ quên lợi ích quốc gia.

Theo một số chuyên gia, nếu xét từ góc độ DN, dễ thấy hiện nay năng lực cạnh tranh của các DN XK trái cây Việt Nam còn thấp, chưa thể tự triển khai các chiến dịch quảng bá mạnh để chiếm giữ thêm thị phần to lớn, đồng thời chưa có đủ năng lực mạnh để chiếm giữ được hệ thống phân phối quả nhiệt đới tại thị trường khó tính. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần thực sự chung tay, có sự hỗ trợ thiết thực để các DN để cải thiện tình trạng này. Ngoài ra, có chính sách hợp lý để thu hút các DN lớn, đủ năng lực, làm ăn bài bản nghiêm túc đầu tư vào lĩnh vực chế biến, XK trái cây cũng là giải pháp hiệu quả cần tính đến.

Ước tính toàn vùng ĐBSCL hiện có trên 288.000 ha cây ăn quả các loại, cho sản lượng mỗi năm trên 3,18 triệu tấn quả phục vụ tiêu dùng và XK.

Các loại trái cây chủ lực bao gồm: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, cam và quýt, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp và Hậu Giang.

Từ năm 2000 trở lại đây, tiềm năng kinh tế vườn của ĐBSCL được phát huy, theo đó việc canh tác cây ăn trái đã được người dân áp dụng tiến bộ khoa hoc, kỹ thuật. Nhờ vậy sản lượng, chất lượng trái cây có tăng lên, hình thành được một số vùng chuyên canh trái cây đặc sản hàng hóa tập trung gồm: Xoài cát Hòa Lộc ở Tiền Giang và TP. Cần Thơ, xoài Cát Chu ở Đồng Tháp, bưởi Năm roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng, bưởi da xanh ở Bến Tre, quít Hồng Lai Vung ở Đồng Tháp, thanh long ở Tiền Giang và Long An, vú sữa lò rèn ở Tiền Giang, dứa Queen ở Tiền Giang, Kiên Giang và Hậu Giang...

Theo Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ NN&PTNT)

Theo Báo Hải quan

Tin cùng chuyên mục

Điểm tên 5 khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang đối mặt

Phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ - Bài 1: Lúng túng trong triển khai

Xuất khẩu gừng, nghệ và gia vị khác giảm 28,3% về lượng, tăng 9,9% về kim ngạch

Ông Đặng Phúc Nguyên: Xuất khẩu rau quả có thể sớm đạt 10 tỷ USD

Nhập khẩu đậu tương từ Campuchia tăng gần 8 lần

Thuế xuất nhập khẩu phân bón, thuốc lá thay đổi ra sao từ 16/12/2024?

Brazil, Indonesia và Campuchia là 3 nguồn cung hồ tiêu chính của Việt Nam

Việt Nam giữ vững 'ngôi vương' xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines

Long An: 10 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 10,6 tỷ USD

Tháng 10, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trở lại mốc 1 tỷ USD

Bộ Công Thương sắp tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024

Xuất khẩu nông sản: Gạo, cà phê, rau quả đón kỷ lục mới

Ông Nguyễn Quang Hiếu thông tin về việc nho sữa Trung Quốc có dư lượng thuốc sâu vượt ngưỡng cho phép

Đầu tư vào công nghệ xanh để xuất khẩu: Không thể chậm trễ

Indonesia là thị trường nhập khẩu quế lớn nhất của Việt Nam

Xuất khẩu gỗ và lâm sản: Vì sao vẫn đối diện với bài toán thiếu bền vững?

Châu Á tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông - lâm - thủy sản Việt Nam

​​​​Ngành logistics Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ

Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Ả rập Xê út tăng trưởng 2 con số

Việt Nam chi hơn 1,54 tỷ USD nhập khẩu khí đốt hóa lỏng trong 9 tháng năm 2024