Xuất khẩu thủy sản vào Canada: Khai thác tốt cơ hội từ CPTPP
Số liệu thống kê của cơ quan hải quan gần đây cho thấy, XK của Việt Nam sang Canada có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt sau khi Hiệp định CPTPP đi vào thực thi. Trong số các ngành hàng XK, thủy sản được đánh giá đang khai thác tốt thị trường khi các chủng loại như: Tôm, cá basa, cá ngừ… đã chiếm thị phần rất cao tại Canada.
Bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết: Năm 2015, XK thủy sản sang Canada đạt 196 triệu USD thì sang năm 2019 đã đạt 229 triệu USD. Đặc biệt, năm 2020, bất chấp dịch Covid-19 hoành hành, XK thủy sản qua Canada trong 8 tháng đầu năm vẫn đạt trên 156 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, riêng mặt hàng tôm đạt trên 110 triệu USD, tăng gần 27%; cá ngừ đạt gần 16 triệu USD, tăng 3,1%... Dự kiến cả năm 2020, XK thủy sản sang Canada sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2019.
Tuy nhiên, nhiều DN cho biết vẫn gặp trở ngại trong khai thác thị trường này. Bởi Canada là thị trường có những đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng, trong đó tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm được đưa lên hàng đầu. Ngoài ra, nhiều DN Canada đòi hỏi phải xuất hàng xong mới thanh toán, như thế sẽ rất rủi ro cho DN Việt.
Trước thực trạng này, bà Đào Phương Thúy - Chủ tịch Câu lạc bộ Viet Nam - Canada Hub Solutions - khuyến cáo, để XK vào bất kỳ một thị trường nào DN Việt nên tìm hiểu kỹ về đối tác, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Ngoài ra, DN cũng cần thiết lập mối quan hệ đối tác với nhà nhập khẩu một cách lâu bền, để có thêm những thông tin, hiểu biết cụ thể về nhau.
"Canada được coi là cửa ngõ vào thị trường toàn cầu nhờ khả năng tiếp cận thị trường ưu tiên thông qua 14 hiệp định thương mại với 51 quốc gia và gần 1,5 tỷ người tiêu dùng, tổng GDP là 49,3 nghìn tỷ USD" - ông Nguyễn Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết.
Để gia tăng kim ngạch XK thủy sản vào Canada, các DN trong nước phải đáp ứng một số yêu cầu bắt buộc từ CPTPP như: Nguồn nhân lực, chuỗi sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm… nhằm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa tại thị trường này. |