Xuất khẩu tăng nhanh nhưng chưa bền vững
Xuất khẩu tăng trưởng 15,2%
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 6 đạt 15,73 tỷ USD, giảm 10,4% (tương ứng giảm 1,83 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 5/2024
Thông quan xuất khẩu hàng hóa tại Cảng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Xuất khẩu kỳ 1 tháng 6 giảm (so với kỳ 2 tháng 5/202) ở một số nhóm hàng chủ yếu như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 18,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 12,7%; sắt thép các loại giảm 45,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 21,2%...
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/6/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 172,78 tỷ USD, tăng 15,2% (tương ứng tăng 22,78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,97 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 2,94 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,51 tỷ USD; máy ảnh máy quay phim và linh kiện tăng 1,35 tỷ USD...
Trước đó, Bộ Công Thương ước tính, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,3%).
Đáng lưu ý, xuất khẩu của nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt gần 160 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 với nhiều nhóm sản phẩm tăng cao trong 5 tháng đầu năm như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ.
Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thuỷ sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%. Riêng đầu vào sản xuất 904 triệu USD, giảm 1,8% và muối 2,3 triệu USD, giảm 1,7%.
Lý giải con số tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nhận định, nguyên nhân là do năm 2023 xuất khẩu có sự sụt giảm, bước sang năm 2024 chúng ta có sự phục hồi tốt hơn nên đã ghi nhận sự tăng trưởng.
Mặc dù chưa có con số chính thức xuất khẩu hàng hóa của 6 tháng đầu năm, tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cho rằng, kết quả xuất khẩu hết tháng 5 cũng phản ánh cơ cấu chung trong giai đoạn gần đây. Đó là sự gia tăng xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 85% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng nông thủy sản chiếm khoảng 10%.
“Mặc dù khối lượng xuất khẩu nông sản khá lớn, với các mặt hàng xuất khẩu như gạo, chè, cà phê, hạt điều,… nhưng giá trị của các mặt hàng nông sản cũng có những hạn chế. Một mặt, nông sản phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, mặt khác, giá trị xuất khẩu các mặt hàng này cũng thấp hơn”, ông Trần Thanh Hải lý giải.
Với nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản hiện đang chiếm tỷ trọng rất thấp. Nếu giai đoạn Việt Nam mới mở cửa thì đây là nhóm hàng chiếm tỷ trọng rất lớn, tuy nhiên, đến nay, đóng góp của nhóm mặt hàng này không còn đáng kể, chỉ khoảng 1%.
Trong những năm qua, Việt Nam đã vươn lên Top 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng đã cam kết theo những điều khoản cụ thể về bền vững, tiết kiệm năng lượng và cam kết về khí hậu khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - cho rằng, Việt Nam đang hội nhập ngày càng mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu với kinh tế khu vực và thế giới. Các chủ thể kinh tế của Việt Nam đang trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của rất nhiều nhóm ngành hàng một cách toàn diện, từng bước khẳng định được thương hiệu.
Vẫn tiềm ẩn những mảng màu chưa sáng
Tuy nhiên, theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phía người mua trên toàn cầu, nhằm giảm thải khí hiệu ứng nhà kính và dấu chân môi trường.
Mặt khác, có một thực tế đáng quan ngại là hầu hết sản phẩm Việt, nhất là nông sản chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm Việt chủ yếu là xuất khẩu thô, gia công nên giá trị gia tăng thấp, xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt trên thị trường, nhất là tại thị trường quốc tế.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, có đến 70 - 80% tổng sản lượng hàng hóa Việt Nam là xuất thô, giá trị gia tăng thấp. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng; còn nhóm hàng hóa nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu...
Ông Trần Thanh Hải cho hay, xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ là yếu tố quan trọng duy trì nền kinh tế phát triển ổn định trong thời gian qua cùng với đầu tư, sản xuất, thương mại nội địa, dịch vụ. Cùng đó, xuất nhập khẩu góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hoá, công nghiệp hoá và bền vững.
Theo ông Trần Thanh Hải, định hướng Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 là phát huy lợi thế so sánh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hoá và tập trung vào các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, chủ động điều chỉnh nhịp độ nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu.
Đặc biệt, Chiến lược tập trung vào đa dạng hoá thị trường, khai thác hiệu hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), mặt khác, đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng.
Ông Trần Thanh Hải cũng đưa ra các giải pháp thực hiện như phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Ngoài ra, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước; quản lý và kiểm soát nhập khẩu. Bên cạnh đó, phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; nâng cao vai trò các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp hạt nhân.