Xuất khẩu sang Hoa Kỳ: Nhiều nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
“Nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại (PVTM) tại thị trường Hoa Kỳ có thể xảy ra đối với hàng hóa xuất khẩu của bất kỳ quốc gia nào”, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Hoa Kỳ là thị trường liên tục khởi xướng các vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Bà có chia sẻ nào về vấn đề này?
Mặc dù các vụ kiện PVTM được Hoa Kỳ khởi xướng với tần suất khác nhau, tùy thời điểm, nhưng có thể nói đây là thị trường đầy thách thức đối với tất cả các sản phẩm xuất khẩu có tăng trưởng cao vào thị trường này. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 1995 đến cuối năm 2021, Hoa Kỳ là nước đi kiện PVTM nhiều thứ hai thế giới. Trong đó, kiện chống trợ cấp nhiều nhất thế giới, kiện chống bản phá giá đứng thứ 2 thế giới, sau Ấn Độ.
Ngoài ra, chúng ta không thể bỏ qua các vấn đề liên quan đến địa chính trị, các khó khăn của nền kinh tế toàn cầu khiến cho ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ luôn nghĩ đến công cụ PVTM. Thậm chí Hoa Kỳ còn thay đổi pháp luật để gia tăng việc sử dụng các biện pháp có liên quan đến PVTM, như năm 2015, thông qua Luật mới Hoa Kỳ cho phép cơ quan hải quan nước này tiến hành điều tra PVTM và hiện ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ đã có nhiều con đường, công cụ hơn để siết chặt các ảnh hưởng từ hàng hóa nước ngoài, nhất là trong giai đoạn ngành sản xuất nội địa nước này gặp khó khăn.
Thực tế cho thấy, ở thị trường Hoa Kỳ, kiện PVTM luôn hiện hữu, đặc biệt đối với những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu tăng trưởng mạnh vào thị trường này. Đáng chú ý, Việt Nam thường bị vạ lây khi các nước ASEAN, Trung Quốc bị kiện nhiều. Đơn cử, như mặt hàng gỗ, mỗi khi sản phẩm tương tự từ Trung Quốc bị áp thuế thì Việt Nam lại đứng trước nguy cơ bị kiện (nguy cơ kiện quét, kiện chống lẩn tránh, kiện phạm vi sản phẩm).
Cho đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đã “va vấp” nhiều trong các vụ việc PVTM, vậy bà có đánh giá nào về năng lực ứng phó của doanh nghiệp trong việc này không?
So với trước đây, khi bị thị trường nước ngoài khởi kiện, không chỉ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng mà kể cả các cơ quan quản lý đều phải “dò dẫm” tìm hiểu từng bước rất khó khăn. Đến nay, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã nhận thức được thiệt hại từ các vụ kiện PVTM, nhất là khi bị các thị trường dày dặn kinh nghiệm kiện PVTM như Hoa Kỳ, nên đã chủ động tìm hiểu, thuê các đơn vị tư vấn hỗ trợ ngay từ khi vụ việc được khởi xướng điều tra.
Sự chuyển biến, trưởng thành này theo tôi, có sự đóng góp rất lớn từ các cơ quan chức năng, trong đó từ nỗ lực tuyên truyền về các nguy cơ kiện PVTM, các hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó của Bộ Công Thương, VCCI, các hiệp hội. Ngoài ra, bản thân mỗi doanh nghiệp đã chủ động nhìn sang ngành khác để nhận diện các thách thức, chuẩn bị phương án, giải pháp ứng phó kịp thời.
Nhiều vụ kiện PVTM do thị trường Hoa Kỳ khởi xướng với mặt hàng gỗ hay mật ong các doanh nghiệp đều coi đây không chỉ là câu chuyện riêng của doanh nghiệp xuất khẩu mật ong hay gỗ mà là vấn đề chung cho tất cả doanh nghiệp, các ngành hàng xuất khẩu. Đây là điều đáng mừng trong bối cảnh chúng ta chấp nhận và coi PVTM là hiện tượng, xu thế bình thường; chúng ta xác định không vì sợ bị kiện PVTM mà dừng lại các hoạt động thương mại hay cắt giảm năng lực cạnh tranh.
Gỗ dán là mặt hàng bị Hoa Kỳ điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại |
Thời gian tới, bà có những khuyến nghị gì trước các nguy cơ từ xu thế bảo hộ của hoạt động thương mại quốc tế đối với tình hình xuất khẩu hàng hóa, trong đó có sản phẩm gỗ của Việt Nam?
Theo quan sát của chúng tôi, các quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ ngày càng có xu hướng sử dụng biện pháp PVTM tinh vi hơn, quyết liệt hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu nên càng có nhiều động lực để gia tăng sức ép đối với hàng hóa nhập khẩu thông qua việc sử dụng công cụ PVTM. Ngoài ra, lộ trình cắt giảm, loại bỏ thuế quan theo FTA làm cho xuất khẩu của chúng ta tăng lên, nhưng cán cân nghiêng về rủi ro cao hơn khi ngành sản xuất của các thị trường nhập khẩu phải tính đến công cụ bảo vệ mình. Nhiều ngành xuất khẩu ngày càng có vị thế cạnh tranh nhất định nên đứng trước các nguy cơ lớn, nhất là khi tập trung xuất khẩu vào thị trường thường xuyên sử dụng biện pháp PVTM như Hoa Kỳ.
Trong xu thế nhiều quốc gia xem PVTM là “phanh” hãm hiệu quả đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài, do vậy doanh nghiệp Việt Nam phải phải sẵn sàng chuẩn bị các biện pháp bảo vệ mình khi ra thương trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan có thẩm quyền như Cục PVTM, Bộ Công Thương, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hay các hỗ trợ từ hiệp hội, VCCI… trong việc thông tin cảnh báo sớm về các nguy cơ để doanh nghiệp có sự chuẩn bị; tăng cường thông tin về pháp luật của nước nhập khẩu; hỗ trợ phối hợp hành động từng vụ việc; tăng cường đội ngũ có chuyên môn sâu nhất về PVTM để có thể đưa ra khuyến nghị, hướng dẫn doanh nghiệp kịp thời…
Xin cảm ơn bà!