Giảm nỗi lo phụ thuộc
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2019 là một năm khó khăn đối với ngành rau, quả Việt Nam khi Trung Quốc - thị trường xuất khẩu (XK) chủ đạo với tỷ trọng chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch XK rau, quả của cả nước tăng cường các biện pháp kiểm nghiệm, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc theo hướng chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Kim ngạch XK rau, quả của Việt Nam sang thị trường này đã giảm 14,5% trong 10 tháng đầu năm 2019 với mức kim ngạch đạt 2,08 tỷ USD. Đây cũng chính là nguyên nhân chính làm giảm kim ngạch XK rau, quả chung của Việt Nam trong 10 tháng qua.
Tăng cường các biện pháp kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc |
Tuy nhiên, bù lại XK rau, quả Việt Nam sang các thị trường khác đều đạt mức tăng trưởng trên 10%. Cụ thể, ASEAN tăng 26,6% (đạt 146,4 triệu USD), Hoa Kỳ tăng 10,7% (đạt 124,6 triệu USD), EU tăng 32,2% (đạt 121,7 triệu USD), Hàn Quốc tăng 12,4% (đạt 107,4 triệu USD), Nhật Bản tăng 26,2% (đạt 100,7 triệu USD)… Cơ cấu thị trường XK rau chuyển dịch tích cực khi giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và tăng tỷ trọng XK sang các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Bà Nguyễn Thị Mai Linh - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu) - khẳng định, rau, quả vẫn là mặt hàng đầy tiềm năng của Việt Nam với khả năng tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường mới. Việc giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc có thể sẽ là cơ hội mới để đa dạng hóa thị trường và tập trung vào các thị trường khó tính hơn.
Sức cạnh tranh còn hạn chế
XK rau, quả Việt Nam đến các thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN,…) dự báo còn nhiều dư địa để tăng trưởng do quy mô thị trường và sức tiêu thụ lớn, thói quen tiêu dùng tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển, mức thuế nhập khẩu rau, quả từ Việt Nam hầu hết đều đã về 0% do thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khi các thị trường này vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ.
Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khai thác lợi ích của các FTA như: Nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp XK... Bên cạnh đó, chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại để củng cố và mở rộng thị trường XK.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Mai Linh, vấn đề đặt ra đối với ngành rau, quả Việt Nam hiện nay là yếu tố chất lượng và sức cạnh tranh. Do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, diện tích chuyên canh tập trung chỉ chiếm chưa tới 20% tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước; quy trình canh tác, quản lý dịch bệnh chưa được áp dụng đồng bộ, triệt để nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó kiểm soát được nguồn cung, vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc… dẫn đến khó khăn trong đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Do vậy, nhiều mặt hàng rau, quả của Việt Nam dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng vẫn chưa thâm nhập được nhiều thị trường.
Rau, quả là mặt hàng có mức tăng trưởng XK ấn tượng nhất của ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua với tốc độ bình quân giai đoạn 2011 - 2018 đạt 26,5%. |