“Bến đỗ”của các dòng vốn đầu tư nước ngoài
Sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Nguyễn Anh Sơn cho rằng: Thái Nguyên là tỉnh tiếp giáp với Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và được xác định là một trong những trung tâm vùng của các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ (gồm 14 tỉnh).
Thái Nguyên có vị trí rất thuận lợi (cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 75 km và cảng Hải Phòng 20 km) và hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh, thành, cửa khẩu quốc tế… Do vậy, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 15,24 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ, qua đó giúp Thái Nguyên tiếp tục duy trì vị trí nằm trong tốp 4 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu (chiếm 5,4%, xếp sau TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh); nhập khẩu đạt 8,67 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ 2023 và xếp thứ 7 cả nước (chiếm 4,8% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước). Với kết quả này, Thái Nguyên là địa phương có mức xuất siêu cao nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm, đạt 6,57 tỷ USD.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn nêu một số giải pháp để hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát triển bứt phá |
Dù vậy, theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đến từ khu vực đầu tư nước ngoài (chiếm khoảng 97,7% tổng kim ngạch). Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhóm điện thoại thông minh, máy tính bảng, linh kiện điện tử và phụ tùng khác (chiếm khoảng 90,9%); tiếp theo là tấm tế bào quang điện, tấm mô-đun năng lượng mặt trời (chiếm khoảng 3,7%); kim loại màu và tinh quặng kim loại màu (chiếm khoảng 0,8%); dột may (chiếm khoảng 1,2%)
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh hiện nay là thị trường châu Á, chiếm khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu, trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm khoảng 9%, các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống Nhất chiếm khoảng 7,5%, Trung Quốc chiếm 4,5%. Tiếp đến là thị trường Châu Mỹ (chiếm khoảng 35% tổng giá trị xuất khẩu), trong đó, riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 33%.
Về nhập khẩu, giá trị nhập khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 8,5 tỷ USD (chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu). Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Nguyên liệu và linh kiện điện tử (chiếm khoảng 89,8%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (chiếm khoảng 0,9%)… Về cơ cấu mặt hàng nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là nguyên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu, cho thấy hiện trạng sản xuất của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh khá khả quan.
Xét về quy mô xuất nhập khẩu vùng, Thái Nguyên có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu vùng trung du miền núi Bắc Bộ, chiếm tới 40,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vùng, và có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 toàn vùng, chiếm tỷ trọng 30,1% (chỉ xếp sau Bắc Giang).
Như vậy, Cục trưởng Nguyễn Anh Sơn cho rằng, mặc dù không có cửa khẩu quốc tế, nhưng với số doanh nghiệp hoạt động và hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, Thái Nguyên lại là địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu đứng thứ 4 cả nước. Với vai trò "đầu tàu" trong khối các doanh nghiệp FDI trên địa bàn, Samsung có đóng góp rất quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, nhờ sự dẫn dắt, hiệu ứng thu hút đầu tư từ Samsung - tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới, nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ cho Samsung và các nhà đầu tư FDI khác đã lựa chọn Thái Nguyên là "bến đỗ" để xây dựng nhà máy.
“Với lợi thế sẵn có về số lượng, lẫn chất lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu như hiện nay, kết hợp với quan điểm chỉ đạo cởi mở, thân thiện; thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng đề thu hút đầu tư, tỉnh Thái Nguyên có nhiều cơ hội bứt phá về giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu trong thời gian tới” – lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Nỗ lực khơi thông, mở rộng thị trường xuất khẩu
Dù hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều khởi sắc, song thách thức, rào cản vẫn còn lớn. Tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, thực hiện cơ chế, chính sách để khai thác thị trường mà Việt Nam đang là thành viên FTA. Cùng với đó, tăng cường nắm bắt cơ chế, chính sách của các nước nhập khẩu; chú trọng nghiên cứu luật pháp quốc tế, luật pháp của nước sở tại để làm tốt chức năng phòng vệ thương mại trong vụ việc có tranh chấp giữa các doanh nghiệp với đối tác, nhất là đối tác nước ngoài tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu bền vững.
Liên quan đến kiến nghị này, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, những năm qua, để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu trên cả nước diễn ra thuận lợi, Bộ Công Thương luôn tích cực triển khai kịp thời nhiều giải pháp, trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác tăng cường hợp tác quốc tế về thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ và tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do. Nhiều ấn phẩm liên quan đến xuất nhập khẩu đã được ban hàng, công bố định kỳ hàng tuần, hàng tháng như: Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản; Sổ tay “Một số thông tin cần biết khi xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc”; Cẩm nang “Hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang Trung Quốc”…
Song song với đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng như các đơn vị liên quan thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước tổ chức các hoạt động phổ biến thông tin thị trường, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, trong đó củng cố hợp tác với các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ... đặc biệt là các thị trường Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, UKVFTA, CPTPP.
Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng Đoàn đã đến làm việc với Công ty TNG Thái Nguyên ngày 15/8 vừa qua |
Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu cũng thường xuyên chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước nhập khẩu kịp thời thông tin cho các Bộ, ngành, địa phương để đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý, đặc biệt đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao trong công tác đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt.
Liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại (PVTM), điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ.
Bên cạnh đó, xác định xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là xu thế tất yếu, mang lại lợi ích đường dài, Bộ Công Thương đã và đang khuyến cáo, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đối theo lộ trình rõ ràng. Theo đó, từ ngày 1/1/2028, tại tất cả các cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Đảm bảo người dân, các hợp tác xã, địa phương, doanh nghiệp có 5 năm - quãng thời gian vừa đủ để chuyển đổi toàn bộ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất lớn.
Tăng cường đối thoại giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp đề kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp |
Ngoài ra, trong thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới... Đề xuất nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Tăng cường đối thoại, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc
Trong thời gian tới, để hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên khởi sắc hơn nữa, Cục trưởng Nguyễn Anh Sơn đề nghị UBND và Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên tập trung bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cũng như Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược của tỉnh đã ban hành tại Quyết định số 133/QĐ-UBND ngày 7/7/2023 để khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao hiệu suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa.
Cùng với đó, tiếp tục cải cách hành chính, đảm bảo công khai và giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến cấp phép cho doanh nghiệp, nhà đầu tư... tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thống nhất vì sự phát triển chung.
Tăng cường đối thoại giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp đề kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; triển khai rà soát tình hình sản xuất của từng ngành, đặc biệt là các ngành như: May mặc, sản xuất kim loại, cơ khí, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Thái Nguyên cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Cuối cùng, đề nghị UBND, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương để tổ chức các lớp đào tạo, truyền thông, tập huấn về xuất xứ hàng hóa, qua đó nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp, cũng như cán bộ cơ quan quản lý nhà nước về chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cập nhật các quy định mới về xuất xứ hàng hóa cho hàng xuất khẩu của tỉnh.