Xuất khẩu nông - thủy sản sang thị trường Trung Quốc: Tính chuyện đường dài
Từ năm 2019 đến nay, tình hình xuất khẩu nông - thủy sảnvà thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại do xuất hiện nhiều rào cản từ Trung Quốc. Cụ thể, theo Lệnh 248, Lệnh 249 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu” và “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”, ngay từ đầu năm 2022, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài xuất thực phẩm sang thị trường Trung Quốc phải đăng ký với hải quan Trung Quốc. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với nông sản xuất khẩu |
Trung Quốc cũng ban hành tiêu chuẩn mới GB 2763-2021 quy định 10.092 mức giới hạn dung lượng tối đa với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. Ðể tăng cương giám sát các sản phẩm nông sản nhập khẩu, tiêu chuẩn này cũng thiết lập 1.742 giới hạn dung lượng cho 87 loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký sử dụng ở Trung Quốc. Ðối với các sản phẩm trồng trọt, Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, nhất là giao thương tiểu ngạch.
Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức Nghị định thư, yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu 18 nhóm mặt hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc hiện nay phải được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số. Tính đến đầu năm 2022, đã có khoảng 270 doanh nghiệp Việt Nam được đăng ký mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo TS. Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc cần có một hệ thống hoàn thiện, cả trong hồ sơ, quy trình sản xuất và giám sát các mối nguy. Nếu không giám sát được các mối nguy đó, doanh nghiệp luôn có nguy cơ mất mã số, không được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khi bị Tổng cục Hải quan nước này kiểm tra đột xuất.
Các chuyên gia nhận định, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính đối với nông sản, thực phẩm và thương mại biên giới trên bộ chỉ chiếm 20 - 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Chính sách về xuất nhập khẩu của Trung Quốc là nhất quán chứ không thất thường, gây khó dễ như nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan niệm. Do đó, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, thương hiệu cụ thể. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, giám sát chất lượng cũng như tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu.
Theo bà Bùi Hoàng Yến - Phó tổ trưởng Tổ Công tác miền Nam - Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cần tiếp tục thúc đẩy ký kết các Nghị định thư về kiểm dịch thực vật giữa hai bên đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc để giảm thời gian thông quan. Đặc biệt, chuyển mạnh xuất khẩu sang chính ngạch, có các hợp đồng thương mại mua bán giữa hai bên là vấn đề chưa bao giờ hết tính thời sự trong giai đoạn hiện nay...
Doanh nghiệp cần tập trung giải quyết hai vấn đề nổi cộm là chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng nông - thủy sản, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch. |