Doanh nghiệp sẵn sàng nguồn cung hàng hoá phục vụ cuối năm và Tết Ất Tỵ Chỉ thị của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về đảm bảo bảo cung cầu, bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ |
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Kiều Oanh – Phó giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội về hoạt động cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang đến rất gần, công tác chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân được chuẩn bị như thế nào, thưa bà?
Thông thường, cứ vào thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa trong nhân dân lại tăng, thị trường hàng hóa cũng sôi động hơn để chuẩn bị phục vụ nhân dân trong dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán.
Công tác chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Tết Nguyên đán Ất Tỵ đã sẵn sàng. (Ảnh: M.H) |
Để chuẩn bị tốt nhất cho thị trường Tết 2025, Sở Công Thương thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024 (thời gian thực hiện từ tháng 7/2024 đến hết tháng 6/2025), để chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết 2024. Hiện đã có 22 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện dự trữ và cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 10.600 điểm bán trên toàn TP. Hà Nội.
Từ tháng 10/2024, Sở đã chủ động theo dõi sát thông tin tình hình thị trường và xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, trong đó, đã xác định nhóm hàng, dự báo khả năng cung ứng, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân 3 tháng trước, trong và sau Tết.
Cụ thể, mặt hàng và lượng hàng hóa các đơn vị cần chuẩn bị phục vụ gồm: 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo.
Từ đó, Sở đã hướng dẫn, đề nghị các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch trữ hàng hóa, tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hiện nay, các doanh nghiệp đang triển khai kế hoạch khai thác hàng hóa để sẵn sàng phục vụ Tết.
Ngoài ra, Sở cũng đã chủ động và tích cực triển khai các hoạt động kết nối cung cầu giữa TP. Hà Nội với các tỉnh để hỗ trợ các đơn vị phân phối trên địa bàn tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, chất lượng từ các tỉnh, thành phố phục vụ nhân dân.
Đồng thời, phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo dõi, nắm bắt sát diễn biến cung cầu hàng hóa để kịp thời phát hiện biến động thị trường, từ đó triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa, góp phần ổn định thị trường.
Để đưa lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, việc tổ chức hoạt động phân phối, bán lẻ sẽ được tổ chức như thế nào thưa bà?
Để đưa hàng hoá phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn trong dịp Tết, hoạt động phân phối hàng hóa được tổ chức đồng bộ với nhiều hình thức. Cụ thể, qua các kênh bán hàng truyền thống (hệ thống 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn); tổ chức trên các kênh bán hàng đa phương tiện với 268 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.
Bà Nguyễn Kiều Oanh – Phó giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội. (Ảnh: Quốc Chuyền) |
Đồng thời, triển khai các chương trình, hoạt động kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ đơn vị đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng kịp thời, đầy đủ trong dịp Tết 2025 như tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các chợ hoa xuân phục vụ Tết, các sự kiện, hội chợ do các Sở, ngành, đơn vị thực hiện.
Khuyến khích các doanh nghiệp phân phối tổ chức các chương trình khuyến mại, tham gia các hội chợ Tết phù hợp phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân.
Hằng năm, TP. Hà Nội thường tổ chức các sự kiện khuyến mại, các chương trình bán hàng… nhằm kích cầu tiêu dùng. Năm nay, hoạt động này được triển khai cụ thể thế nào, thưa bà?
Để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân như kêu gọi các doanh nghiệp hưởng ứng chương trình khuyến mại tập trung quốc gia.
Cụ thể, các chuỗi hệ thống siêu thị như GO! Thăng Long, Mega Market Việt Nam đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi lớn áp dụng mức giảm từ 10-70% kéo dài xuyên suốt cuối năm đến lễ tết và các chương trình bốc thăm trúng thưởng cơ hội rút thăm trúng hơn 300 giải thưởng, với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng nhằm kích cầu mua sắm, góp phần phục hồi thị trường sau những biến động kinh tế năm 2024.
Bên cạnh hình thức mua bán trực tiếp, hệ thống siêu thị BRGMart, Hapromart, Haprofood còn tập trung đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến qua App BRG Shopping, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết BRG Elite… nhằm góp phần tăng kích cầu tiêu dùng trên địa bàn dịp Tết 2025.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các chợ hoa Xuân phục vụ Tết. Theo kế hoạch, sẽ có hơn 30 hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm,… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành phố để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết Ất Tỵ. Dự kiến mỗi sự kiện sẽ thu hút trên 100 gian hàng, với đa dạng sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường Tết từ các đơn vị tham gia.
Cuối năm cũng là cao điểm của vấn đề hàng lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,… Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội sẽ có những giải pháp ngăn chặn hiện tượng này như thế nào thưa bà?
Trong dịp trước, trong và sau Tết, tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại diễn ra phức tạp, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu tết của nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết, TP. Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn đều tăng cường phối hợp, triển khai các biện pháp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm.
Về phía ngành Công Thương Hà Nội, Sở đã chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo chất lượng hàng hóa gắn với công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết 2025.
Chủ động xây dựng Kế hoạch và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chuẩn bị nguồn hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ phục vụ nhân dân, Tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định đối với các hoạt động khuyến mại, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm lĩnh vực Công Thương.
Chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2025 trên địa bàn 7 quận, huyện. Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nội dung đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn khi có yêu cầu phối hợp.
Xin cám ơn bà!