Xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ: Chặn gian lận từ gốc
Theo số liệu Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cung cấp cho Bộ Công Thương, năm 2018, lượng gỗ dán XK tới thị trường Mỹ đạt 320.000 m3, tăng gấp 5 lần so với năm 2017.
Trong khi đó, sản lượng gỗ dán của Việt Nam trong năm 2018 được Vifores cập nhật sơ bộ dựa trên tổng công suất 36 nhà máy đã báo cáo hiệp hội là khoảng hơn 1,4 triệu m3, tăng hơn 500.000 m3 so với năm 2017. Nguyên nhân gia tăng sản lượng do có 6 nhà máy mới được xây dựng và một số nhà máy mở rộng công suất thiết kế. Tuy nhiên, trên cơ sở những số liệu sản xuất, XK gỗ dán, Vifores cũng đặt ra nghi vấn lượng XK mặt hàng gỗ dán chênh lệch so với công suất thiết kế của ngành.
Sản lượng gỗ dán tăng nhanh thời gian gần đây |
Cũng theo Vifores, 5 tháng đầu năm 2019, đã có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ, bằng 73% tổng số dự án trong cả năm 2018. Tổng số dự án từ thị trường Trung Quốc chiếm 43%.
Trước đó, khi xảy ra tình trạng gỗ ván ép XK sang Mỹ tăng đột biến từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2019, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã tiến hành rà soát kim ngạch XK gỗ ván ép HS4412 từ Việt Nam sang thị trường Mỹ. Qua thống kê cho thấy, có 90 công ty thực hiện XK gỗ ván ép HS4412 từ Việt Nam sang thị trường này. Trong đó, hoạt động sản xuất, XK mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép của 6 công ty có dấu hiệu tăng đột biến. Qua xác minh, nhiều vấn đề đã nổi lên như có doanh nghiệp (DN) sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống; DN sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong một số bộ hồ sơ xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa là giả…
Từ đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu triển khai chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ mặt hàng gỗ dán. Cơ quan hải quan cũng đã đưa 4 DN vào danh sách luồng đỏ để tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ thủ tục XK, nhập khẩu gỗ.
Bộ Công Thương nhận định, trong bối cảnh mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp khiến thuế nhập khẩu nâng từ 10-25% đã và đang làm gia tăng nguy cơ gian lận về xuất xứ hàng hóa, có khả năng tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến gỗ dán của Việt Nam. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, bảo vệ DN làm ăn chân chính, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ xây dựng và ban hành thông tư quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam sau đó tái xuất sang Mỹ; xây dựng chương trình khai báo tự nguyện thông tin các DN, cơ sở sản xuất gỗ dán XK sang Mỹ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý của cơ quan chức năng; kiểm tra toàn diện, theo dõi, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm, gian lận thương mại về xuất xứ…
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, ngoài việc giả mạo xuất xứ còn có hiện tượng chuyển tải đơn hàng từ các nước sang Việt Nam để lẩn tránh thuế khi xuất khẩu. Điều này có thể tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến gỗ dán của Việt Nam.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính theo dõi, nắm bắt những diễn biến bất thường trong hoạt động xuất khẩu, từ đó đưa ra cảnh báo sớm về việc gia tăng xuất nhập khẩu ở những mặt hàng cụ thê |