Xuất khẩu giày dép sang Mỹ: Khó nhưng vẫn có cơ hội
Nhiều rào cản
Theo ông Matt Priest - Chủ tịch & CEO Hiệp hội Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Hoa Kỳ (FDRA), chỉ trong tháng 3/2020, chỉ tiêu tiêu dùng mặt hàng giày dép của người dân Mỹ đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2019. Đồng nghĩa, lượng giày dép nhập khẩu của Mỹ trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2017 tới nay, với mức trên 31%.
Ông Matt Priest cũng phân tích: Biểu đồ tăng trưởng xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào Mỹ từ đầu năm tới hết tháng 3/2020 không ổn định nhưng tháng 2 vẫn có mức tăng nhẹ. Bước sang tháng 4/2020, xuất khẩu đã giảm mạnh, tới gần 20% so với tháng trước.
Sự sụt giảm này là do dịch Covid-19 khiến tình hình thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm khiến người dân Mỹ e dè hơn trong mua sắm hàng hóa, trong đó có mặt hàng giày dép. "Nhu cầu giày dép tại thị trường Mỹ từ tháng đầu tiên của năm 2020 đã giảm và đây là xu hướng chung những tháng còn lại của năm, gây khó khăn hơn cho các nhà xuất khẩu, trong đó có Việt Nam", ông Matt Priest thông tin.
Nhu cầu tiêu dùng giảm, buộc các nhà nhập khẩu của Mỹ phải thay đổi để thích nghi, kéo theo mức độ khó đáp ứng với các nhà sản xuất là rất lớn. Theo ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, thời điểm hiện tại khó khăn nhất của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là thị trường bị bó hẹp.
Xuất khẩu giày dép sang Mỹ dù khó nhưng vẫn còn cơ hội cho doanh nghiệp Việt |
Cùng đó, đặc thù thị trường Mỹ từ trước tới nay rất khó tiếp cận, nhà nhập khẩu Mỹ không mua hàng gia công, cũng không chỉ định nguyên liệu và chủ động thiết kế mẫu mà chủ yếu mua hàng ODM. Có nghĩa, doanh nghiệp sản xuất phải tự chủ động nguyên liệu, cung ứng thiết kế theo 2 dạng mẫu sản phẩm hoàn chỉnh hoặc thiết kế 3D cho nhà nhập khẩu lựa chọn, đặt hàng. Yêu cầu này là quá sức với hầu hết doanh nghiệp sản xuất da giày trong nước, bởi trong khoảng 100 doanh nghiệp, chỉ có 20% doanh nghiệp phát triển được thiết kế và cũng chỉ vài doanh nghiệp làm được mẫu mã phù hợp với thị trường. Mặt khác, việc chủ động khâu thiết kế mẫu mã cũng đòi hỏi nhà sản xuất phải “trường vốn”, đây cũng là một trở ngại lớn với doanh nghiệp da giày Việt Nam, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Thị trường Mỹ tuy rất lớn nhưng yêu cầu cao về trách nhiệm xã hội với các tiêu chuẩn về môi trường, nhiều loại hoá chất bị cấm trong sản xuất giày dép. Doanh nghiệp không vượt qua được các yêu cầu này sẽ không thể tiếp cận được thị trường Mỹ”, ông Diệp Thành Kiệt cho biết thêm.
Vẫn có cơ hội
Gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ thời điểm hiện tại là bài toán khó với doanh nghiệp sản xuất giày dép trong nước. Không chỉ bởi tự thân thị trường này đang gặp khó khăn mà còn bởi những rào cản phi thuế quan rất chặt chẽ. Tuy vậy, ông Matt Priest khẳng định, vẫn có cơ hội cho da giày Việt Nam.
Nhìn về lịch sử, từ năm 2003-2020, trong khi kim ngạch nhập khẩu giày dép của Mỹ từ các nước trên thế giới biến đổi bất ổn với chiều hướng giảm thì giày dép của Việt Nam vào Mỹ vẫn liên tục tăng. Tính riêng quý I/2020, dù khó khăn do dịch bệnh, xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào Mỹ vẫn tăng tới 10% so với cùng kỳ năm 2019, đạt kim ngạch 1,56 tỷ USD.
Một dấu hiệu khả quan nữa, do xung đột về chính trị, mức thuế Mỹ áp vào mặt hàng giày dép xuất khẩu của Trung Quốc thời gian gần đây đã tăng lên. Hậu dịch Covid-19, thế giới sẽ thiết lập lại chuỗi cung ứng, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ cũng sẽ có thay đổi. Thực tế, 12 năm trước, giày dép Trung Quốc chiếm 90% thị phần tại Mỹ, hiện còn 77% và nhà nhập khẩu Mỹ rất quan tâm, có xu hướng tìm nguồn cung ứng từ thị trường Việt Nam.
Chính phủ Mỹ đã cho phép một số bang nghiên cứu phương án mở cửa sau dịch bệnh, đồng nghĩa với việc hàng hoá sẽ được thông thương trở lại, cũng là một tín hiệu tốt cho các nhà cung ứng của Việt Nam.
Với những phân tích trên, ông Matt Priest dự báo: “Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng kim ngạch nhập khẩu giày dép của Mỹ từ Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020 dự kiến sẽ đi ngang chứ không tăng hoặc giảm”.
Tuy vậy, Chủ tịch FDRA cũng khuyến nghị: Việc mở cửa một số bang có làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Mỹ hiện nay hay không. Lượng hàng hoá tồn kho có thể biến động bất thường do sản phẩm dành cho mùa xuân tồn kho nhiều, dẫn tới đơn hàng cho mùa thu thay đổi không như thông thường… Do vậy, việc liên hệ trao đổi với các nhà nhập khẩu, nhà cung ứng về thị trường, nguyên phụ liệu thường xuyên qua phương thức online là rất quan trọng. Doanh nghiệp có thể số hoá nguyên phụ liệu, đăng tải dữ liệu để chia sẻ tới các nhà sản xuất trên thế giới để tìm nguồn cung phù hợp. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký trở thành thành viên của FDRA để được hỗ trợ cung cấp thông tin về chuỗi cung ứng, nhu cầu thị trường, các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật khi xuất khẩu hàng hoá vào Mỹ.