Thứ năm 21/11/2024 17:34

Xuất khẩu cà rốt: Nhiều tín hiệu tích cực

Tiềm năng xuất khẩu cà rốt là rất lớn khi nhiều thị trường nước ngoài có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm từ nông sản hữu cơ, nông sản sạch.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Kết nối tiêu thụ cà rốt và nông sản của tỉnh Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài diễn ra chiều ngày 26/10, tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Sự kiện do Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và UBND huyện Cẩm Giàng dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu tại nước ngoài như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan…

70% sản lượng cà rốt Hải Dương được xuất khẩu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay, tỉnh Hải Dương có 8 nhóm nông sản chủ lực, trong đó có vải thiều, cà rốt và 234 sản phẩm OCOP chất lượng cao.

Ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội nghị

Hầu hết các sản phẩm đã được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm OCOP, truy xuất nguồn gốc, hình thành mô hình chuỗi liên kết. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn, được mở rộng tới nhiều nước, trong đó có các thị trường cao cấp như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… và đem lại giá trị kinh tế cao.

Riêng đối với cây cà rốt, đây là một trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hải Dương. Được sản xuất tập trung, với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, cùng với chất đất, khí hậu đã tạo lên chất lượng và thương hiệu riêng biệt cho cà rốt Hải Dương với độ giòn và vị ngọt đặc trưng.

Hiện, toàn tỉnh Hải Dương duy trì khoảng 1.400ha trồng cà rốt cho sản lượng trên 70.000 tấn, trong đó 100% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Năm 2008 cà rốt của Cẩm Giàng được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể; qua đó góp phần khẳng định giá trị và thương hiệu sản phẩm cà rốt của tỉnh Hải Dương trên thị trường trong nước và quốc tế.

Sản phẩm cà rốt của tỉnh đã được xuất khẩu sang thị trường các khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Malaysia, Singapore, Thái Lan… 30% còn lại tiêu thụ tại thị trường trong nước dạng củ tươi, nước ép, mứt và cà rốt sấy khô cung cấp làm gia vị cho nhà máy chế biến thực phẩm ăn liền.

Cũng theo ông Trần Văn Quân, kết quả có được chính là nhờ hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, trong đó có vai trò rất quan trọng của Cục Xúc tiến thương mại, vai trò của các Thương vụ Việt Nam.

Để nâng cao giá trị thương hiệu nông sản của Hải Dương nói chung, cà rốt nói riêng trên thị trường, thúc đẩy tiêu thụ và mở rộng thị trường, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ cà rốt và nông sản của tỉnh Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, thông qua đó các doanh nghiệp có thể nắm bắt nhanh các chủ trương, chính sách, thuế suất, các hàng rào về kỹ thuật thương mại ở các nước.

Đồng thời, các Tham tán thương mại cũng là người truyền tải thông tin các sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh, có thể xuất khẩu, qua đó làm “nhịp cầu” để bên mua và bên bán gặp nhau.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng đã trình bày các yêu cầu, điều kiện, khả năng xuất khẩu nông sản nói chung, cà rốt nói riêng vào thị trường các nước. Về phía các doanh nghiệp cũng đã chia sẻ về quy mô, tiềm năng, lợi thế, cũng như khả năng cung cấp nông sản và cà rốt sang các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cũng chia sẻ những khó khăn, hạn chế trong việc thúc đẩy, mở rộng thị trường cho nông sản Hải Dương nói chung, cà rốt Hải Dương nói riêng.

Theo bà Vũ Thị Kim Phượng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chuyên thu mua cà rốt sơ chế và xuất khẩu; mỗi đơn vị có thể chế biến, đóng gói khoảng 100 tấn cà rốt tươi/ngày.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Theo đó, sản lượng nông sản của tỉnh lớn, thời gian thu hoạch tập trung, trong khi hệ thống kho lạnh bảo quản còn ít; công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn và xuất khẩu nên giá trị gia tăng của sản phẩm sau thu hoạch còn thấp, chưa ổn định.

Việc sản xuất nông sản theo hướng kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa phù hợp với thị trường vẫn còn một số bất cập. Liên kết trong chuỗi giá trị, nhất là liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng chưa nhiều.

Vùng trồng cà rốt xuất khẩu tại tỉnh Hải Dương

Số lượng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn trong nước, trong tỉnh tham gia vào quá trình sản xuất, xuất khẩu nông sản nói chung, cà rốt nói riêng còn ít, năng lực về thị trường xuất khẩu hạn chế.

“Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chuyên thu mua cà rốt sơ chế và xuất khẩu; mỗi đơn vị có thể chế biến, đóng gói khoảng 100 tấn cà rốt tươi/ngày”, bà Vũ Thị Kim Phượng chia sẻ và cho biết, doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường, nhất là thông tin về tình hình xuất nhập khẩu để có thể ký kết được những hợp đồng xuất khẩu lớn, ổn định, tránh bị ép giá hay gặp rủi ro trong các thủ tục thanh toán quốc tế…

Tiềm năng thị trường rất rộng mở

Về phía Bộ Công Thương, ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ, đối với mặt hàng cà rốt, thị trường nước ngoài thời gian qua có nhiều tín hiệu khả quan khi nhiều thị trường đã mở cửa cho cà rốt Việt Nam, đồng thời, chất lượng cà rốt Việt Nam tiếp tục được khẳng định.

Hàn Quốc là một trong những thị trường chính của cà rốt Việt Nam. Ngoài Hàn Quốc, các thị trường trọng điểm của cà rốt Việt Nam là Nhật Bản, Thái Lan, Trung Đông, EU…

Cũng theo ông Lê Hoàng Tài, tiềm năng phát triển xuất khẩu của cà rốt Việt Nam nói chung và cà rốt Hải Dương nói riêng còn rất lớn khi nhiều thị trường nước ngoài có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản hữu cơ, nông sản sạch như nước ép rau củ, rau củ sấy, mứt kẹo rau củ…

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị

Xác định cà rốt thuộc nhóm cây trồng chính của tỉnh Hải Dương, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân và doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Tài cũng khuyến nghị ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương cần đẩy mạnh nghiên cứu, tái cấu trúc vùng trồng, tiếp tục mở rộng vùng trồng cà rốt theo hướng xanh, hữu cơ, kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đối tượng dịch hại, đặc biệt là tuyến trùng, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc tại vùng trồng, nhằm đẩy mạnh tính cạnh tranh và tăng uy tín quốc tế, tăng mức độ thu hút cho sản phẩm cà rốt tỉnh Hải Dương tại các thị trường lớn.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, kêu gọi đầu tư để hình thành, phát triển chuỗi giá trị gia tăng nhằm giúp sản phẩm cà rốt Hải Dương có cơ hội tiếp cận đa dạng thị trường xuất khẩu, tiếp cận tệp khách hàng lớn hơn và gia tăng giá trị sản phẩm từ cà rốt xuất khẩu.

Về phía các doanh nghiệp, hợp tác xã trồng và sản xuất cà rốt cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển sản phẩm, hình thành chuỗi mô hình liên kết,… để tăng năng lực xuất khẩu.

Về phía Cục Xúc tiến thương mại, sẽ đồng hành với tỉnh Hải Dương trong việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cà rốt nói riêng, nông sản nói chung tại thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Hải Dương

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng tận dụng cơ hội từ chuyển đổi xanh

Cà Mau đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP nông, thủy sản

Doanh nghiệp Việt chuyển mình 'xanh hoá' từ tư duy đến hành động

Gian hàng Việt Nam được quan tâm tại Hội chợ ẩm thực và đồ uống châu Á tại Sơn Đông, Trung Quốc

Giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định EVFTA

Doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại Hoa Kỳ

Sơn La tham gia Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2024

Doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

CLEANFACT và RHVAC VIETNAM 2024: Điểm đến của nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Tuyên Quang: Đẩy mạnh kết nối cung- cầu hàng hóa nông sản với các địa phương

Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP Quảng Ninh

Ấn Độ tham dự Vietnam FoodExpo 2024 và hoạt động xúc tiến thương mại tại Long An

Ninh Thuận ‘bắt tay’ cùng TP Hồ Chí Minh thu hút đầu tư

ITTC Hoà Bình: Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch

Ninh Thuận: Đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ

Khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tại Cà Mau

Nhiều nhà nhập khẩu quốc tế đến Cà Mau tìm kiếm đối tác

Hà Nội: Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thạch Thất

Ngành dệt may Việt Nam đang trên đà bứt phá