Xuất khẩu cà phê đặt mục tiêu kim ngạch đạt 6 tỷ USD vào năm 2030
Năm 2021, xuất khẩu cà phê thu về xấp xỉ 3 tỷ USD
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động thông quan thuận lợi hơn, nhu cầu thế giới tăng là những yếu tố giúp xuất khẩu cà phê của Việt Nam phục hồi cuối năm 2021. Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 12/2021 đạt 130 nghìn tấn, trị giá 305 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng 26,2% về trị giá so với tháng 11/2021, so với tháng 12/2020 giảm 6,5% về lượng, nhưng tăng 20,3% về trị giá. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,52 triệu tấn, trị giá xấp xỉ 3 tỷ USD, giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 9,4% về trị giá so năm 2020.
Tháng 12/2021 giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.344 USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 6/2017 |
Theo ước tính, tháng 12/2021 giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.344 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 6/2017, tăng 4,3% so với tháng 11/2021 và tăng 28,7% so với tháng 12/2020. Tính chung cả năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 1.969 USD/tấn, tăng 12,4% so với năm 2020.
Năm 2021, chủng loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu là cà phê Robusta. Trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 1,218 triệu tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng, nhưng tăng 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lượng cà phê Robusta xuất khẩu sang nhiều thị trường chính giảm, như: Đức giảm 1,4%; Ý giảm 11,2%; Hoa Kỳ giảm 0,6%, Tây Ban Nha giảm 37,8%; Algeria giảm 12,2%. Ngược lại, lượng cà phê Robusta xuất khẩu sang Nga tăng 15,1%; Trung Quốc tăng 61,1%.
Hiện, thị trường cà phê trong nước bắt đầu sôi động, nhưng không được như những năm trước. Sản lượng thu mua ở mức thấp do thu hoạch chậm (đạt khoảng 80% sản lượng vụ mới).
Dự báo năm 2022, giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức cao. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến nguồn cung hạn chế từ các nước sản xuất lớn như Colombia và một số nước khu vực Nam Mỹ. Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng quốc tế được dự đoán có thể còn kéo dài. Hiện tại, do thiếu nguồn cung cà phê Arabica, một số nhà rang xay đang tìm đến phương án phối trộn cà phê Arabica và Robusta nhằm hạ giá bán. Điều này về lâu dài có thể giúp thay đổi khẩu vị người tiêu dùng và quen hơn với việc uống cà phê Robusta rang xay và sẽ giúp cho cà phê Robusta của Việt Nam xuất khẩu thuận lợi hơn.
Đẩy mạnh chế biến sâu
Mặc dù xuất khẩu cà phê năm nay đạt xấp xỉ 3 tỉ USD, nhưng cà phê chế biến sâu của Việt Nam trong năm 2021 chỉ xuất khẩu được 121 nghìn tấn, kim ngạch 433 triệu USD. Như vậy, mặc dù lượng chỉ chiếm 8% nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến chiếm 15% tổng kim ngạch của mặt hàng này.
Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam đặt mục tiêu trong 10 năm tới, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5 - 6 tỷ USD, tức gấp hơn 2 lần so với hiện tại. Hiện, giá cho một tấn cà phê chế biến trung bình đạt gần 3.600 USD trong khi giá cà phê nhân trên sàn khoảng 2.400 USD. Hiện nay cà phê Việt Nam đang rẻ nhất thế giới, thay vì Brazil trước đây do cơ chế trừ lùi. Cụ thể, giá của Việt Nam phải trừ lùi tới 450 - 500 USD/tấn.
Do vậy, để đạt con số xuất khẩu 6 tỷ USD, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng tỷ lệ cà phê chế biến từ dưới 10% như hiện nay lên khoảng 25% hoặc thậm chí phải hơn vậy. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, để nâng tỷ trọng cà phê chế biến là một thách thức lớn với doanh nghiệp do trình độ công nghệ, vận hành nhà máy phức tạp và nhận thức của người nông dân.
Hiện cả nước có 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn và 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan. Số lượng các cơ sở chế biến sâu còn ít và đa phần hoạt động dưới công suất thiết kế.
Mặt khác, muốn phát triển ngành hàng cà phê thì cần đi theo hướng chế biến. Hiện thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Trong khi đó, để làm thương hiệu phải mất nhiều tiền của, công sức.
Những ngày đầu năm 2022, Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) đã xuất khẩu 2 container cà phê nông sản thương hiệu Meet More đi thị trường EU. Đây là cà phê chế biến hòa tan pha trộn với các loại nông sản khác như cà phê trái nhàu, cà phê bạc hà, cà phê khoai môn, cà phê xoài, cà phê dừa, cà phê đậu xanh. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sang EU. Trước đó, cà phê đã xuất khẩu đi Hàn Quốc, Australia, Trung Đông. Nông sản chế biến ngay từ đầu vào đã đạt chất lượng rất tốt là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi vào thị trường này. Không chỉ EU, theo kế hoạch cà phê trái cây của doanh nghiệp chuẩn bị để xuất đi Mỹ và Nga vào cuối tháng 1/2022.
Cà phê là 1 trong 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD và là những mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu thuộc "tốp đầu" của ngành nông nghiệp. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam chiếm gần 7% tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp đất nước. Bên cạnh người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ, người dân châu Á cũng dần biết đến và ưa thích hạt cà phê Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, nếu các doanh nghiệp có chiến lược tiếp cận đúng đắn thì thị trường xuất khẩu khó tính như EU, Mỹ, Nga, Nhật Bản,… sẽ là “miền đất hứa” cho xuất khẩu cà phê Việt Nam.
Với phương châm "năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng", chiến lược của ngành cà phê trong thời gian tới là đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan,...) hơn là chú trọng vào số lượng cà phê nhân như hiện nay. Theo các chuyên gia, dù còn nhiều thách thức nhưng việc đẩy mạnh chế biến sâu sẽ là giải pháp cốt yếu không chỉ giúp gia tăng giá trị xuất khẩu mà còn giúp ngành hàng này phát triển bền vững.