Xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập - ''bài toán'' khó giải tại Thanh Hóa
Nhiều tài sản công dôi dư sau sáp nhập
Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập 143 xã để thành lập 67 xã (giảm 76 xã), qua đó toàn tỉnh Thanh Hóa đã giảm số đơn vị hành chính cấp xã từ 635 xuống còn 559 xã, phường, thị trấn. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đã góp phần tinh gọn bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng. Nhiều đơn vị sau khi sáp nhập đã phát huy tối đa cơ sở vật chất hiện có cũng như nguồn lực về con người. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, tăng nguồn lực đầu tư để phát triển...
Tuy nhiên, sau sáp nhập đã xảy ra tình trạng dư thừa hàng trăm công trình, công sở, nhà văn hoá, đơn vị sự nghiệp công lập, gây lãng phí tài nguyên đất đai và ngân sách nhà nước.
Nhiều công sở bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng sau sáp nhập. (Ảnh internet) |
Tại phường An Hưng, TP. Thanh Hóa (phường An Hoạch và xã Đông Hưng sáp nhập thành phường An Hưng từ cuối năm 2019), công sở của phường An Hoạch cũ đã bị bỏ không, xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, trên địa bàn phường An Hưng còn có 8 công trình công sở, trường học, nhà văn hoá, trụ sở công an bị bỏ không. Người dân và chính quyền địa phương đã kiến nghị rất nhiều lần, nhưng đến nay các tài sản công này vẫn chưa được sắp xếp.
Nhiều hạng mục tại tòa nhà công sở đang xây dựng dang dở xã Quảng Phúc (huyện Quảng Xương) xuống cấp sau thời gian dài bị bỏ hoang. (Ảnh internet) |
Theo tổng hợp từ Sở Tài chính Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 537 cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn và sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của tất cả các cơ quan, đơn vị, huyện, thị xã, thành phố. Số cơ sở dôi dư sau sáp nhập đã được phê duyệt phương án là 455/537 cơ sở.
Trong đó, sẽ điều chuyển 83 cơ sở, thu hồi 17 cơ sở, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 193 cơ sở; tạm giữ 20 cơ sở và chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý 142 cơ sở. Tuy nhiên, kết quả triển khai phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất dôi dư tại hầu hết các địa phương, đơn vị còn rất chậm.
"Bài toán" nan giải
Theo ông Hoàng Huy Tự, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch, huyện Hà Trung cho biết: “Khó khăn sắp xếp tài sản công dôi dư chủ yếu là sau khi chuyển đổi công năng sang hình thức khác thì phải cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất phù hợp. Và việc cập nhật quy hoạch này cũng mất khá nhiều thời gian”.
Xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập, bài toán khó giải. (Ảnh: Minh Hải) |
Còn ông Trương Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: “Khó khăn, vướng mắc chung là cơ chế chính sách, có những quy trình phải chờ ban hành hướng dẫn của Trung ương thì địa phương mới thực hiện được”.
Bên cạnh những nguyên nhân do bất cập từ các chính sách, quy định dẫn đến trình tự, thủ tục thực hiện để xử lý tài sản là nhà, đất sau sáp nhập phức tạp, kéo dài thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số địa phương thiếu chủ động, chậm trễ trong triển khai các công việc, nhiệm vụ được giao.
Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hoá Trương Trọng Tuấn cũng đề nghị: “Cấp uỷ chính quyền địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ viên chức, lấy nhiệm vụ sắp xếp tài sản công dôi dư là nhiệm vụ đánh giá mức độ hoàn thành của cán bộ, quan tâm đến phê duyệt quy hoạch chung của xã để dễ dàng cho việc sắp xếp tài sản dôi dư sau sáp nhập, cử người trông coi, tránh tình trạng xuống cấp, gây lãng phí. Sở Tài chính sẽ ban hành kế hoạch đi kiểm tra các đơn vị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị”.