Chủ nhật 22/12/2024 09:33

Xôn xao hình ảnh Hải Sapa TV ăn kỳ tôm nằm trong Sách đỏ, bị dân mạng cảnh báo

Hình ảnh Vũ Hoàng Hải, chủ kênh Sapa TV ăn kỳ tôm đã gây xôn xao dư luận bởi đây là một loài động vật nằm trong Sách đỏ của Việt Nam.

Hải Sapa TV ăn thịt kỳ tôm, cộng đồng mạng ra sức cảnh báo

Sapa TV là một hệ sinh thái mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok) do Hải Sapa TV (tên thật là Vũ Hoàng Hải, sống tại Lào Cai) làm chủ. Thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội, Vũ Hoàng Hải thường xuyên chia sẻ những video quảng bá hình ảnh, ẩm thực, con người của núi rừng Tây Bắc đến với khách du lịch. Những video của Hải Sapa TV thu hút rất đông người xem. Riêng kênh Youtube Sapa TV cũng đã có 1,7 triệu người đăng ký.

Mặc dù nhận được sự yêu thích của đông đảo cư dân mạng, tuy nhiên, kênh Sapa TV cũng từng nhận mưa “gạch đá” khi đăng tải video có nội dung man rợ, không phù hợp với văn hoá Việt Nam.

Đơn cử như vào năm 2020, kênh Youtube Sapa TV đăng tải video mô tả cảnh ăn cá sống rùng rợn “gắn mác” là của đồng bào người Thái. Ngay sau khi video được đăng tải, một làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng mạng, đặc biệt là người đồng bào dân tộc Thái đã nổi lên. Bên dưới video do Sapa TV đăng tải, đa phần là những ý kiến chỉ trích hành vi xuyên tạc và có tính man rợ này đã xúc phạm tới văn hóa - ẩm thực truyền thống của người Thái. Nhiều người thậm chí còn tuyên bố sẽ bỏ theo dõi kênh Sapa TV.

Chưa rút được kinh nghiệm sau sự cố này, mới đây, kênh Tiktok Sapa TV tiếp tục khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” khi chia sẻ video Hải Sapa TV ăn kỳ tôm (hay còn gọi với tên khác là rồng đất), một loài động vật có trong Sách đỏ của Việt Nam. Hiện video này đang có hơn 600 nghìn lượt xem.

Hải Sapa TV đăng tải video ăn thịt kỳ tôm gây xôn xao mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Trong video, Hải Sapa TV cùng một số người bạn vô tư ăn uống và có những lời bình phẩm “có cánh” về món thịt kỳ tôm. Theo như nội dung video thì những con kỳ tôm này được một hộ nuôi và bán cho nhà hàng.

Dưới phần bình luận, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ với hành vi của Hải Sapa TV. Kèm theo đó là những lời cảnh báo về hậu quả mà Youtuber, Tiktoker Vũ Hoàng Hải có thể gặp phải khi đăng tải video này.

Những hệ luỵ khôn lường

Kỳ tôm là loài bò sát được xếp vào bậc V (nhóm sẽ nguy cấp) trong Sách đỏ Việt Nam nên rất cần được bảo vệ. Tại Việt Nam, việc gây nuôi, khai thác kỳ tôm trên khía cạnh kinh tế được khuyến khích. Tuy nhiên, người dân cần phải đăng ký xin giấy phép nếu nuôi số lượng nhiều.

Theo tìm hiểu của phóng viên, pháp luật hiện hành có nhiều quy định về xử lý đối với hành vi săn bắt, giết mổ động vật quý hiếm như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng (nay là Luật Lâm nghiệp), Luật Đa dạng sinh học, Bộ luật Hình sự và nhiều văn bản hướng dẫn có liên quan… Đáng chú ý là Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp có quy định cụ thể mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép động vật quý, hiếm.

Tuy nhiên, thị trường mua bán thịt động vật hoang dã vẫn có phần nhộn nhịp xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận trong xã hội. Tâm lý thích ăn thịt động vật hoang dã còn phổ biến, thậm chí còn được tung hô như một món ăn của nhà giàu, thể hiện đẳng cấp của người sử dụng.

Bên cạnh đó, việc chưa có chế tài để quản lý việc ăn thịt động vật quý hiếm đang là rào cản trong tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ thói quen gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái này.

Có ý kiến chuyên gia đề xuất, để hạn chế tình trạng săn bắt, giết mổ động vật quý hiếm cần phải có những giải pháp cấp bách nhằm chấm dứt tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép những loài động vật này. Đã đến lúc cần có quy định rõ hơn để xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự đối với đối tượng tiêu thụ cuối cùng (người ăn) thì các sản phẩm thịt động vật quý hiếm sẽ không còn “đầu ra” và có tính răn đe mạnh hơn.

Kênh Sapa TV từng nhận "mưa gạch đá" vì đăng video ăn cá sống. Ảnh chụp màn hình

Trở lại với câu chuyện Hải Sapa TV ăn thịt kỳ tôm, có thể thấy, hiện chưa có chế tài để xử phạt hành vi này. Tuy nhiên, đứng ở góc độ truyền thông đại chúng, việc Hải Sapa TV công khai quảng bá việc ăn thịt kỳ tôm có thể sẽ tạo ra những hiệu ứng tiêu cực đối với cộng đồng.

Bởi trên thực tế, kênh Sapa TV có một lượng người xem lớn, những nội dung mà kênh này đăng tải chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ tới hành vi của người dùng mạng xã hội. Câu hỏi đặt ra là, việc Hải Sapa TV đăng tải video ăn thị kỳ tôm liệu có khiến cộng đồng mạng học theo, cổ xuý cho trào lưu ăn thịt động vật quý hiếm?

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chị Hà Thị T. (Hà Nội) bày tỏ sự bức xúc: "Tôi không đồng tình với việc Hải Sapa TV đăng video ăn thịt kỳ tôm. Dù sao đây cũng là một loại động vật trong Sách đỏ mà Việt Nam đang muốn bảo tồn. Chỉ sợ video này sẽ trở thành trào lưu khiến nhiều người săn lùng loài vật này".

Cùng quan điểm với chị T, chị Vũ Quỳnh (Phú Thọ) cho rằng, càng là người nổi tiếng, việc chia sẻ các video mang tính nhạy cảm cần phải được cân nhắc. "Sapa TV là kênh có nhiều lượt xem, tôi nghĩ rằng chủ kênh nên cân nhắc nội dung nào nên đăng, nội dung nào không nên đăng. Như việc ăn thịt kỳ tôm lần này rất có thể sẽ gây hiệu ứng tiêu cực trong cộng đồng mạng. Đã là động vật quý hiếm thì nên bảo vệ, không nên giết, mổ, ăn một cách tràn lan", chị Quỳnh nói.

Có thể thấy, việc Hải Sapa TV đăng tải video ăn thịt kỳ tôm đã gây xôn xao cộng đồng mạng, để lại nhiều ý kiến trái chiều, tạo nên sự bức xúc trong dư luận. Thiết nghĩ, sau vụ việc này, Hải Sapa TV cũng cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, đầy đủ và có những hành động thiết thực để những nội dung được đăng tải trên Sapa TV không trở thành những xu hướng độc hại, gây ảnh hưởng tới hoạt động bảo vệ các loài động vật quý hiếm tại Việt Nam.

Đăng video săn bắt kỳ tôm, Sang Vlog từng bị cơ quan chức năng mời lên làm việc

Tháng 4/2020, trong đoạn clip với tựa đề "Thử thách 24 giờ bên bờ hồ", Sang Vlog đã quay lại cảnh bắt con kỳ tôm để chế biến thức ăn. Tuy nhiên, loài vật này thuộc loài quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Sang Vlog sau đó bị triệu tập và làm việc với cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc. Youtuber này cũng nhanh chóng gỡ bỏ những clip liên quan dù các video đều đang có lượt view cao.

Phong Lâm
Bài viết cùng chủ đề: Tiktoker bị phạt

Tin cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024

Tinh gọn bộ máy là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực

Chợ truyền thống Hà Nội: Nơi tấp nập - chốn vắng khách

Bộ Nội vụ thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương năm 2024

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Cải tiến quá trình sản xuất - yếu tố ''sống còn'' với cộng đồng doanh nghiệp

Dự báo thời tiết biển hôm nay 21/12/2024: Xuất hiện một vùng áp thấp ở phía nam biển Đông

Nhân sự 20/12: Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 trao quyết định về công tác cán bộ

Dự báo thời tiết hôm nay 21/12/2024: Tây Nguyên và Nam Bộ ngày nắng ấm

Trao giải Cuộc thi viết “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ 2

“Nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất”- hành động đẹp cần được lan tỏa

Hà Nội: Làm rõ vụ 2 người tử vong, 14 người nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Hơn 10 tỷ đồng đến với người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi trong tháng 12

Cục Cảnh sát giao thông hướng dẫn trình tự 8 bước đăng ký xe nhập khẩu qua VneID

Bộ Y tế thông tin mới nhất về 'số phận' Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2

Trao Giải báo chí về xây dựng Đảng, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Giảm hơn 16.000 biên chế công chức, viên chức tính đến hết tháng 10/2024

Công nhận 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Bệnh Zona: Tác nhân làm tăng biến cố tim mạch và đột quỵ

Từ ngày 20/12, mở Chợ Tết Công đoàn online, cách nào để nhận được phiếu mua hàng miễn phí?