“Xem thi trước kẻng” hay “lộ” điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông?
Chiều 15/7/2023, chuyện thí sinh ở một số địa phương bất ngờ tra được điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người bất ngờ.
Bất ngờ là bởi như Bộ Giáo dục và Đào tạocho biết thì phải đến 8h ngày 18/7/2023, “cổng” tra cứu kết mới mở để thí sinh có thể vào xem để biết kết quả.
Không thể trách việc các thí sinh đã vào mạng để xem được kết quả thi của mình bởi ai ở vào khung cảnh của các em cũng đều chung một tâm trạng “ngồi trên đống lửa” khi đếm từng ngày đợi mở “cổng” kết quả.
Câu chuyện “xem thi trước kẻng” này trước nay chưa từng xảy ra nay bỗng xuất hiện đặt lên nhiều câu hỏi về hệ thống bảo mật của cơ quan có trách nhiệm cao nhất kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ảnh minh hoạ |
Trong phản ứng đầu tiên của Bộ này trước việc một số thí sinh bất ngờ xem được điểm thi của mình, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) “phỏng đoán” điểm thi thí sinh tra cứu được có thể là “dữ liệu điểm thi của năm 2022”.
Không khó để nhận ra đây là phản ứng có phần thiếu chuyên nghiệp, càng làm cho câu chuyện lỗ hổng dữ liệu của Bộ chủ quản gây quan ngại cho dư luận.
Trong khi đó một lý giải được đưa ra là hiện vẫn đang trong quá trình trao đổi dữ liệu điểm giữa các địa phương với Bộ và trong quá trình đưa dữ liệu, hệ thống chưa khóa, thí sinh vô tình đăng nhập hệ thống nên đã biết được điểm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không phản bác hay khẳng định ý kiến này mà sau khi có thông tin trên mạng xã hội đã khoá lại hệ thống này nên nhiều thí sinh sau đó không còn tra cứu kết quả thi được nữa.
Công luận cần Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng chính thức về nghi vấn lộ kết quả chứ không thể bằng lòng với “phỏng đoán” trên của quan chức Bộ cũng như việc chỉ tiếp tục khẳng định thời điểm chính thức công bố kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay theo như nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là thành công. Tuy nhiên câu chuyện về những tư duy cũ trong cách ra đề, trục trặc đáp án môn Sử (về thời điểm lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Liên Xô) hoặc ở môn Anh văn và chuyện “hổng” hệ thống cập nhật dữ liệu điểm thi nói trên rõ ràng cho thấy việc thành công thực sự cần phải được đánh giá khách quan hơn.
Nhìn rộng hơn, câu chuyện tổ chức một kỳ thi, nhất là một kỳ thi mang tính quốc gia như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần phải được tổ chức, tính toán cho công bằng cũng như phù hợp với đòi hỏi của xã hội.