Xây dựng nông thôn mới, tỉnh Gia Lai đề xuất gì?
91/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Gia Lai, đến hết năm 2022, tỉnh có 91/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 50%; chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Thành phố Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa; có 125 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.
Người dân huyện Kbang (Gia Lai) làm đường giao thông nông thôn. |
Trong thời gian qua, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của tỉnh Gia Lai đã có sự thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện, đời sống người dân ngày một nâng cao.
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2021 - 2025, một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới có sự thay đổi theo hướng nâng cao so với bộ tiêu chí cũ. Vì vậy, các xã chưa đạt hoặc đã đạt chuẩn tiếp tục thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.
Đối với cấp huyện, để được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo 100% số xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (các xã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2011 - 2020 phải rà soát lại theo bộ tiêu chí mới); đặc biệt, phải có ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và tỷ lệ hài lòng của người dân với kết quả xây dựng nông thôn mới phải đạt 90% trở lên.
Còn thị xã và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phải có 100% xã được công nhận đạt chuẩn, phường đạt chuẩn đô thị văn minh, có ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đồng thời, diện tích đất cây xanh công cộng trong đô thị phải đạt tối thiểu 5 m2/người. Đây là những thách thức không nhỏ đối với các địa phương trong những năm tới.
Có một số tiêu chí, chỉ tiêu tỉnh Gia Lai rất khó thực hiện để được đạt chuẩn theo quy định. Cụ thể, trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, về Tiêu chí số 10 thu nhập, năm 2022 quy định các xã đạt từ 44 triệu đồng/người/năm, đến năm 2025 là từ 53 triệu đồng/người/năm. Quy định này rất cao so với khả năng đạt của các xã.
Đối với Tiêu chí số 11 nghèo đa chiều, trong giai đoạn 2016 - 2020, không tính tỷ lệ hộ cận nghèo; trong giai đoạn 2021 - 2025 nghèo đa chiều gồm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, do vậy tỷ lệ hộ nghèo tăng lên, các xã rất khó đạt mức 13% đối với xã vùng III, 8,5% đối với các xã còn lại. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 - 2025) là 10,09%; tỷ lệ nghèo khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 25,59%.
Trong Tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, về Chỉ tiêu 13.3 thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương.
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới, trên địa bàn nhiều xã chưa thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, chưa được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương.
Về chỉ tiêu 17.1, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn như sau: Có ít nhất từ 30%, trong đó có trên 10% từ hệ thống cấp nước tập trung. Việc xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung trên địa bàn xã còn khó khăn, do đó việc người dân trên địa xã sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung là khó thực hiện.
Đến nay, tổng số công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh là 281 công trình, giải quyết nhu cầu sử dụng nước cho 11,6% dân số nông thôn. Do vậy, để 1 xã đạt chuẩn Chỉ tiêu 17.1, có từ 10% số hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung là rất khó đạt.
Trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, Tiêu chí số 17 về Môi trường, trong chỉ tiêu 17.10 đưa ra quy định Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng đạt trên 5%. Việc thực hiện hình thức hỏa táng đối với vùng Tây Nguyên chưa phù hợp.
Nguyên nhân do, trên địa bàn các xã, huyện thuộc tỉnh đều chưa có sở sở hỏa táng. Măt khác, trong quy hoạch xã nông thôn mới, các địa phương đã quy hoạch quỹ đất để xây dựng nghĩa trang; bên cạnh đó, phần lớn người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa có thói quen và đủ điều kiện để sử dụng hình thức hoả táng.
Không nên đồng nhất quy định tiêu chí thu nhập, hộ nghèo ở các vùng miền
Theo Kế hoạch năm 2023, đối với 91 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021, tiếp tục tổ chức rà soát thực trạng theo quy định tại Quyết định số 710 của UBND tỉnh Gia Lai ban hành Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, áp dụng trên địa bàn tỉnh; duy trì, nâng cao chất lượng những chỉ tiêu/tiêu chí đã đạt chuẩn và phấn đấu đạt chuẩn những tiêu chí mới... Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai phấn đấu có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 41 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023.
Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2023 đạt kết quả cao, UBND tỉnh Gia Lai huy động các nguồn vốn để triển khai, dự kiến tổng nhu cầu vốn sử dụng năm 2023 là 7.217,22 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trước những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Gia Lai cũng kiến nghị, không nên đồng nhất quy định tiêu chí thu nhập, hộ nghèo ở các vùng miền; không nên bắt buộc phải có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; không quy định hình thức hỏa táng ở vùng sâu, vùng xa trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao.
Đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt các mô hình thí điểm của các Chương trình chuyên đề trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để các địa phương triển khai thực hiện các mô hình.