Xây dựng giải pháp ưu đãi mới trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Từ cuối năm 2021, trong Tuyên bố về giải pháp hai trụ cột để giải quyết những thách thức về thuế phát sinh từ nền kinh tế số, các nước G20 thông qua Quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu và Việt Nam là một trong các quốc gia đã tham gia Quy tắc này.
Ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD theo Quyết định số 55/QĐ-TTg, trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng Tổ công tác. Tổ phó Tổ công tác gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng các giải pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu |
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt Tổ công tác đặc biệt tập trung nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng các giải pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời nghiên cứu chính sách ưu đãi đầu tư mới để áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp trong bối cảnh mới và trước mắt là phù hợp, tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu.
Nhằm xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp với đại diện lãnh đạo các công ty luật và đại diện các bộ, ngành liên quan về nội dung này. Tại đây, đại diện các doanh nghiệp đã đề xuất một số kiến nghị, giải pháp cụ thể trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng vào năm 2024.
Việt Nam đã mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài được 35 năm và một trong những chính sách thu hút đầu tư đó là dùng các biện pháp ưu đãi mà trong trường hợp này đó là ưu đãi dựa trên thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là biện pháp quan trọng, tuy nhiên bài toán đặt ra là điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư này như thế nào để đảm bảo tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu nhưng ít tác động nhất đối với các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam; đảm bảo nhất quán chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây là vấn đề đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam quan tâm.