Ở thời điểm này, đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, vì cơ quan điều tra chưa có báo cáo cụ thể thì chưa biết khâu nào trong chuỗi mắt xích quản lý nhà nước "có vấn đề". Chuỗi mắt xích, theo ông Kiên, là các ngành, từ Tài nguyên - môi trường, Công Thương, Khoa học - công nghệ, Thuế, Công an...
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Nếu cơ quan quản lý đã kiểm tra định kỳ và đột xuất mà không phát hiện ra thì điều đó cho thấy thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi |
Tuy nhiên, ông Kiên cũng khẳng định, để bắt quả tang những vụ việc như vậy là rất khó và dư luận cũng nên thông cảm với những khó khăn mà cơ quan quản lý gặp phải. Tuy nhiên, khi đã bắt được rồi thì cần phải điều tra để xem “hổng” ở khâu nào. Hơn nữa, đây là vụ việc về kinh tế nên phải có các giải pháp đồng bộ về kinh tế, còn các giải pháp hành chính chỉ để hỗ trợ.
Về trách nhiệm của các bên liên quan, đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho biết, với tư cách cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương thì tỉnh đã nhận trách nhiệm trong công tác hậu kiểm, quản lý có vấn đề nên không phát hiện ra. Lúc này chúng ta phải xem lại, lắng nghe ý kiến cơ sở để đánh giá công tác hậu kiểm như hiện nay đã phù hợp chưa, có cần làm gì để nâng cao chất lượng hay không.
Ông Nguyễn Đức Kiên phân tích sâu hơn, theo quy định thì phụ gia để sản xuất xăng dầu không phải mặt hàng cấm, nên doanh nghiệp có yêu cầu nhập và nộp thuế đầy đủ là có quyền nhập. Như vậy, ở đây, trách nhiệm chính là của doanh nghiệp. Nếu xác định doanh nghiệp cố tình nhập khẩu phụ gia về mà không tuân thủ quy định của pháp luật thì đây là tình tiết tăng nặng khi xem xét tội danh.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, khâu hậu kiểm của chúng ta còn yếu vì chưa có bộ phận chuyên quản lý mặt hàng hóa chất.
Nói về vai trò của lực lượng quản lý thị trường trong vụ việc này, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cần căn cứ vào Pháp lệnh Quản lý thị trường đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2018, giúp tổ chức lực lượng theo chiều dọc từ Trung ương xuống địa phương, tránh "cắt khúc" trong quản lý. Theo Pháp lệnh này, quản lý thị trường không phải có toàn quyền vào khám xét doanh nghiệp mà phải có chứng cứ, phải phối hợp giữa bên thuế, cơ quan quản lý doanh nghiệp để nắm số hàng vào, hàng ra, phiếu nộp, phiếu xuất, có gì bất thường không.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu: Không chỉ riêng mặt hàng xăng dầu mà rất nhiều mặt hàng khác cần lực lượng quản lý thị trường kiểm soát, trong khi lực lượng này lại mỏng |
Cũng chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - muốn bắt và xử lý pháp luật hình sự thì phải bắt được quả tang, còn nếu bắt trên đường vận chuyển thì nếu có kiểm định cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh mặt hàng không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, để bắt quả tang những đối tượng như vậy, phải lập chuyên án đấu tranh, mất nhiều thời gian. Ngoài lực lượng công an, cần sự phối hợp rất tốt của ngành khoa học - công nghệ trong giám định chất lượng xăng và quản lý thị trường để bắt quả tang khi đối tượng phối trộn. Từ đó mới mở rộng, kiểm tra sổ sách giấy tờ mua bán hoá chất, xăng…
Cũng theo vị Giám đốc Công an Nghệ An, không phải chỉ riêng mặt hàng xăng dầu mà còn rất nhiều mặt hàng cần lực lượng quản lý thị trường kiểm soát, trong khi lực lượng này lại mỏng nên "phải hết sức thông cảm".
Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, khẳng định, với trách nhiệm và chức năng quản lý mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đang yêu cầu rà soát lại những vướng mắc về pháp lý, quản lý tại địa phương để xem trách nhiệm cụ thể, từ đó siết chặt, đảm bảo hiệu quả quản lý mặt hàng này.