Đại biểu góp ý gì về Luật Hóa chất (sửa đổi)? Cơ hội nào để doanh nghiệp hóa chất giảm phụ thuộc nhập khẩu? |
Ngày 8/5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Huy đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Báo cáo cho thấy quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đã được thực hiện nghiêm túc, với trọng tâm là bảo đảm không chồng chéo pháp luật, đồng thời giữ nguyên các quy định bảo vệ an toàn hóa chất trong bối cảnh phát triển kinh tế xanh, công nghệ cao.
![]() |
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) |
Dự thảo Luật sau chỉnh lý đã rút gọn từ 89 điều còn 52 điều, gồm 8 chương, trong đó nội dung nổi bật là khái niệm “sản phẩm hóa dược” được xác định lại để tránh hiểu nhầm với thuốc và nguyên liệu làm thuốc theo Luật Dược. Khái niệm mới này giúp làm rõ phạm vi điều chỉnh, phân biệt với các sản phẩm thuộc Luật Dược, đồng thời tạo hành lang pháp lý để khuyến khích đầu tư phát triển ngành hóa dược lĩnh vực mang hàm lượng công nghệ cao.
Giữ nguyên quy định về tư vấn hóa chất để bảo đảm chất lượng và an toàn
Về điều kiện tư vấn chuyên ngành hóa chất, nhiều ý kiến đề nghị rà soát để phù hợp với định hướng chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, giảm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động hóa chất là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và môi trường. Do đó, tư vấn thiết kế công nghệ, lập kế hoạch phòng ngừa sự cố, lắp đặt thiết bị hóa chất đều đòi hỏi chuyên môn sâu.
![]() |
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH |
Báo cáo cho biết, để dung hòa giữa bảo đảm an toàn và cải cách thủ tục, dự thảo đã bổ sung quy định giao Chính phủ thiết kế quy trình cấp chứng chỉ tư vấn trực tuyến. Đây là điểm mới nhằm giảm chi phí thủ tục nhưng vẫn giữ vững chất lượng nhân lực tư vấn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: "Nếu không có điều kiện rõ ràng, hệ thống tư vấn hóa chất sẽ dễ dàng bị thương mại hóa, làm suy giảm chất lượng thẩm định công nghệ, từ đó gây hậu quả nặng nề nếu xảy ra sự cố."
Không tích hợp kế hoạch ứng phó sự cố môi trường vào Luật Hóa chất
Một trong những điểm tranh luận lớn là đề xuất tích hợp kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất và kế hoạch ứng phó sự cố môi trường. Tuy nhiên, theo Báo cáo, hai loại kế hoạch này khác nhau về đối tượng áp dụng, phạm vi, yêu cầu kỹ thuật và lĩnh vực chuyên môn. Việc tích hợp không chỉ gây khó khăn cho công tác chuyên môn mà còn làm giảm hiệu quả phòng ngừa.
Cụ thể, theo Luật Bảo vệ môi trường, tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải lập kế hoạch ứng phó môi trường. Trong khi đó, theo dự thảo Luật Hóa chất, chỉ các đối tượng tồn trữ hóa chất nguy hiểm vượt ngưỡng mới phải lập kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất. Ngoài ra, các yếu tố chuyên môn như phục hồi hệ sinh thái, kiểm soát khí thải, tiếng ồn, tác động lâu dài không thuộc phạm vi của kế hoạch hóa chất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ nguyên như dự thảo hiện tại để bảo đảm chuyên sâu, tách bạch chức năng giữa hai lĩnh vực môi trường và hóa chất, tránh “gom chung” gây nhiễu và chồng chéo trong thực thi.
Những điểm nổi bật trong dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi): Khái niệm “sản phẩm hóa dược” được chỉnh lý rõ ràng, tách biệt với “dược”; Giữ nguyên điều kiện tư vấn chuyên ngành hóa chất để đảm bảo chất lượng và an toàn; Không tích hợp kế hoạch ứng phó sự cố môi trường vào kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất; Dự thảo luật rút gọn còn 52 điều, giảm 37 điều so với bản Chính phủ trình; Giao Chính phủ thiết kế quy trình cấp chứng chỉ tư vấn trực tuyến. |