Việt Nam sẽ có thêm nhiều chuyên gia thiết kế vi mạch
Lễ khai giảng đánh dấu khởi đầu cho chương trình đào tạo quan trọng nhằm nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn - lĩnh vực đang thiếu hụt nguồn nhân lực tại Việt Nam. Tham gia chương trình đào tạo này gồm 40 học viên được tuyển chọn và cấp học bổng là giảng viên, sinh viên xuất sắc của các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Đại học Giao thông vận tải, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Qorvo cung cấp giảng viên, chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và chương trình đào tạo của tập đoàn, theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ; trong khi đó, Cadence hỗ trợ toàn bộ bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch phục vụ chương trình đào tạo. Các học viên tham gia học tập trung tại NIC cơ sở Hà Nội trong 3 tháng.
Quang cảnh lễ khai giảng chương trình đào tạo vi mạch |
Tham gia khóa học, học viên có cơ hội kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, được đào tạo bài bản về công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch Analog thông qua phần mềm tiêu chuẩn công nghiệp Cadence Virtuoso. Ngoài ra, khóa học giúp học viên nuôi dưỡng tư duy liên tục học hỏi sáng tạo và cập nhật các xu hướng của ngành thiết kế mạch Analog, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn trong nước và quốc tế.
Các học viên hoàn thành khóa học sẽ được ưu tiên cơ hội thực tập, việc làm từ Qorvo và các doanh nghiệp đối tác hàng đầu của NIC trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Việc tuyển dụng này cũng đang phù hợp với xu thế mở rộng kinh doanh, tăng cường đầu tư tại Việt Nam của Qorvo cũng như các doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu |
Phát biểu khai mạc tại Lễ khai giảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp với Tập đoàn Qorvo tổ chức lễ khai giảng này không chỉ đánh dấu sự bắt đầu chương trình đào tạo thiết kế vi mạch mà còn là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Bộ trưởng, đây là một giải pháp quan trọng để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Chia sẻ tại đây, ông Bob Gruggeworth, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Qorvo khẳng định mối hợp tác lâu dài với Việt Nam, đồng thời sẵn sàng đón nhận nhân lực cao của Việt Nam vào làm việc trong môi trường của Qorvo,
Trong khuôn khổ Lễ khai giảng, Lễ trao Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa NIC và Qorvo diễn ra dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch Qorvo Bob Bruggeworth. MOU thể hiện cam kết hợp tác chiến lược của hai bên trong việc thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam, đặc biệt trong nghiên cứu và phát triển, phát triển hệ sinh thái, đào tạo nhân lực chất lượng cao và cung cấp học bổng cho sinh viên, kỹ sư tài năng.
Trao thoả thuận hợp tác giữa NIC và Tập đoàn Qorvo |
Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, như vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động trẻ am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, đặc biệt là cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, môi trường đầu tư thuận lợi. Chính vì vậy, việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ nói chung và /chu-de/cong-nghiep-ban-dan.topic nói riêng sẽ tạo ra động lực to lớn, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.
Sự hợp tác giữa NIC và Tập đoàn Qorvo đánh dấu một bước tiến quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch cùng các hoạt động hợp tác khác được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực nguồn nhân lực, từng bước hiện thực hóa Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, đồng thời thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.