Việt Nam – New Zealand tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại diễn đàn đa phương Việt Nam – New Zealand tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược |
Hai nền kinh tế tương đối có tính bổ trợ lẫn nhau
Kể từ khi Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2009 và tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do ASEAN- Australia- New Zealand (AANZFTA) năm 2010, quan hệ kinh tế hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc, thể hiện qua số liệu tăng trưởng thương mại song phương trong 10 năm vừa qua.
Máy móc, thiết bị điện tử là nhóm hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam sang thị trường New Zealand trong nhiều năm qua |
Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song trao đổi thương mại giữa Việt Nam và New Zealand đạt 1,93 tỷ NZD, tăng 6,9% so với năm 2019. Việt Nam là đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 16 của New Zealand.
Việt Nam và New Zealand là hai nền kinh tế tương đối có tính bổ trợ lẫn nhau. New Zealand có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm điện tử, sản phẩm may mặc, da giày, sản phẩm gỗ, nông sản nhiệt đới, thuỷ sản... trong khi Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ New Zealand các mặt hàng như sữa nguyên liệu và sản phẩm sữa, rượu vang, thịt cừu, trái cây, gỗ nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy. Mặc dù có tính bổ trợ, song kim ngạch thương mại song phương vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.
Hiện nay, với dân số chỉ khoảng 5 triệu người, thị trường New Zealand có dung lượng tương đối nhỏ; có nhu cầu xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Ngoài ra, 5 đối tác xuất khẩu lớn nhất vào New Zealand là Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức đã chiếm đến 54% tỷ trọng nhập khẩu của New Zealand trong năm 2019. Các nước này đều có thế mạnh đối với các sản phẩm nhập khẩu chính của New Zealand như máy móc, xe cộ, xăng dầu. Ngoài ra, do dân số nhỏ, vị trí địa lý xa xôi và yêu cầu cao về chất lượng, các đơn hàng từ New Zealand thường có số lượng nhỏ so với các nước khác. Hàng hóa cũng phải vận chuyển qua bên thứ ba. Australia thường được lựa chọn là đường vận chuyển quá cảnh cho các đơn hàng nhỏ. Tiền lương, tiền công cao cũng khiến giá bán hàng hóa tại thị trường cao, khiến sức cạnh tranh của sản phẩm giảm xuống… Đây chính là những thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào thị trường này.
Tuy nhiên, trong cái khó lại “ló” nhiều lợi thế. Theo bà Dương Phương Thảo – Tham tán thương mại Việt Nam tại New Zealand, Việt Nam và New Zealand cùng là thành viên của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang trong giai đoạn kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các hiệp định FTA này, cùng với Hiệp định AANZFTA, sẽ giúp nâng tầm quan hệ thương mại song phương trong tương lai gần.
Hai bên có thể tận dụng các lợi thế của nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối các chuỗi cung ứng trong các hiệp định FTA như: hỗ trợ xây dựng năng lực trong sản xuất nông nghiệp, an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển giao công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản… để xuất khẩu sang các thị trường của các đối tác có ký kết FTA cũng như các thị trường khác.
Dung lượng thị trường nhỏ, đòi hỏi tiêu chuẩn cao
Vị trí địa lý xa xôi, tách biệt với các nước khác (xung quanh là đại dương) khiến New Zealand dễ thực hiện các biện pháp bảo vệ nền nông nghiệp khỏi các nguy cơ dịch hại từ bên ngoài. Do vậy, New Zealand ban hành và áp dụng các quy định kiểm dịch động thực vật rất nghiêm ngặt để ngăn chặn và loại bỏ các rủi ro về an ninh sinh học, áp dụng đối với hàng loạt các sản phẩm và hàng hóa như thực vật và sản phẩm thực vật, động vật và sản phẩm động vật, các sản phẩm sinh học, thực phẩm… Nhiều sản phẩm có rủi ro dịch hại như động vật, thực vật tươi sống không được phép nhập khẩu vào thị trường, hoặc chỉ được phép với các điều kiện kiểm dịch nghiêm ngặt, tùy theo hàng hóa và thị trường xuất khẩu.
Theo Thương vụ Việt Nam tại New Zealand, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường này cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu để đảm bảo hàng hóa phù hợp với các tiêu chuẩn và quy định của thị trường.
Ngoài ra, để vào thị trường New Zealand, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tuân thủ các quy tắc xuất xứ để tận dụng cơ hội từ các FTA. Đối với hàng hóa có xuất xứ thuần túy (thu hoạch hoặc sản xuất hoàn toàn tại một quốc gia, không sử dụng bất kỳ nguyên liệu nhập khẩu nào), việc xác định nguồn gốc của hàng hóa đó tương đối đơn giản.
Tuy nhiên, khi hàng hóa được sản xuất tại nhiều quốc gia hoặc nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc từ nhiều quốc gia, Thương vụ Việt Nam tại New Zealand khuyến nghị, doanh nghiệp cần xác định xem liệu hàng hóa đó có trải qua các thay đổi hoặc chuyển đổi cần thiết để được coi là có xuất xứ tại quốc gia đề nghị ưu đãi thuế hay không. Bởi trong mỗi FTA mà New Zealand ký kết với các đối tác có quy định các phương pháp hoặc tiêu chí xuất xứ khác nhau. Hàng hóa đủ điều kiện xác định xuất xứ từ một quốc gia hoặc nhóm quốc gia cụ thể phải thuộc một trong các tiêu chí xuất xứ được quy định theo thỏa thuận thương mại hoặc chương trình ưu tiên cụ thể.
Hiện nay, các doanh nghiệp New Zealand cũng đang hướng tới Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung hàng hóa thay thế. Tuy nhiên, doanh nghiệp New Zealand đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thường thuê ngoài việc sản xuất hàng hóa. New Zealand có dung lượng thị trường nhỏ nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn cao. “Nếu có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của New Zealand, doanh nghiệp Việt Nam sẽ xây dựng được uy tín và thương hiệu khi xuất khẩu sang các thị trường khác.”- Thương vụ Việt Nam tại New Zealand nhấn mạnh.