Thứ tư 06/11/2024 06:26

Việt Nam - New Zealand hướng tới mục tiêu thương mại song phương 2 tỷ USD

Việt Nam - New Zealand đang hướng tới mục tiêu thương mại song phương 2 tỷ USD vào năm 2024.

Chiều 14/11, tại Trụ sở Chính phủ, sau khi hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chínhvà Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã dự Lễ ký kết văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước và gặp gỡ báo chí sau hội đàm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục New Zealand; Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải New Zealand về hợp tác hàng không dân dụng.

Phát biểu trước báo chí, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Jacinda Ardern cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ New Zealand thăm chính thức Việt Nam, tạo thêm khí thế mới, động lực mới cho quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với New Zealand, một Đối tác Chiến lược quan trọng của Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương, đồng thời cũng là một Đối tác Chiến lược của ASEAN.

Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng New Zealand gặp gỡ báo chí sau hội đàm

Tại cuộc hội đàm rất thành công, hai bên đã rà soát toàn diện các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước và vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand đang phát triển tốt đẹp và hiệu quả; đặc biệt, thương mại hai chiều liên tục tăng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc hai nước đã và sẽ công nhận thị trường đối với một số loại hoa quả của nhau; hoan nghênh việc ký các thỏa thuận hợp tác về giáo dục và hàng không, tổ chức tọa đàm về thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa các trường đại học nhân dịp này.

Hai Thủ tướng cũng đã đề ra các phương hướng để đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới, vì lợi ích của mỗi nước, góp phần vào hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Cụ thể, hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên các kênh; thúc đẩy giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương; đồng thời triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có và tiếp tục tìm các cơ chế mới để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí phối hợp chuẩn bị tốt cho chuyến thăm chính thức New Zealand tới đây của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng - an ninh nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang ngày càng gia tăng tại khu vực, trong đó có an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh… Đây là những vấn đề mang tính toàn cầu và tác động tới toàn dân, nên phải kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để cùng giải quyết.

Cùng với đó, phấn đấu đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 2 tỷ USD vào năm 2024, tiếp tục tạo điều kiện tiếp cận thị trường hơn nữa cho các mặt hàng nông sản của nhau; phối hợp triển khai hiệu quả các hiệp định như: Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia - New Zealand, Hiệp định CPTPP, Hiệp định RCEP mà hai bên là thành viên; đồng thời tạo điều kiện gia tăng hơn nữa đầu tư hai chiều.

Việt Nam hoan nghênh đầu tư từ New Zealand trong các lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu cao như giáo dục - đào tạo, công nghệ chế biến, chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, công nghệ thông tin…, nhất là công nghệ chế biến nông sản sau thu hoạch. Việt Nam cũng đánh giá cao New Zealand tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, phát triển nông thôn và các lĩnh vực khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chứng kiến lễ ký Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải New Zealand về hợp tác hàng không dân dụng

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống như giáo dục-đào tạo, lao động, nông-lâm-ngư nghiệp, giáo dục, văn hóa-thể thao-du lịch, giao thông vận tải… tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hai nước; đồng thời xúc tiến mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng khác phù hợp với xu thế hiện nay như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Thủ tướng New Zealand thông báo tăng gấp đôi hạn ngạch công dân Việt Nam tham gia chương trình lao động kỳ nghỉ và các hoạt động lao động khác.

Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác cùng có lợi, cùng nhau ứng phó hiệu quả các thách thức chung tại khu vực. Phối hợp thúc đẩy hợp tác tại tiểu vùng Mekong, nhất là trong các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp, ngư nghiệp thông minh, quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước, phát triển hạ tầng chất lượng cao, chuyển đổi số…

Hai bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả, thực chất và có lợi cho tất cả các bên.

Về phần mình, Thủ tướng New Zealand bày tỏ vinh dự được tới thăm Việt Nam để thảo luận tăng cường hợp tác với một đối tác quan trọng của New Zealand; bày tỏ cảm ơn sự đón tiếp rất nồng hậu của phía Việt Nam dành cho đoàn. Hai bên đã tái khẳng định cam kết hợp tác nhằm góp phần bảo đảm an ninh, an toàn và thịnh vượng của hai đất nước.

Thủ tướng New Zealand cho biết, hai bên đã chia sẻ niềm vui về kết quả kiểm soát đại dịch tại mỗi nước; thảo luận về các biện pháp hợp tác phòng chống dịch, thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao và giao lưu nhân dân, hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng New Zealand đánh giá quan hệ và các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng được tăng cường.

Việc hai bên ký kết các thỏa thuận về giáo dục- đào tạo và giao thông vận tải sẽ tăng cường cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống này. Hai bên cũng thảo luận về một lĩnh vực hợp tác truyền thống khác là hợp tác phát triển, với các giải pháp thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Trong đó, Thủ tướng New Zealand nhắc tới các dự án về an toàn đập, đê điều và cho biết New Zealand mong muốn tiếp tục mở rộng các dự án này tại nhiều tỉnh, thành phố để giúp Việt Nam nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó các thảm họa.

Đồng thời, Thủ tướng Jacinda Ardern nhấn mạnh nông nghiệp là điểm mạnh trong quan hệ hai nước. Hai bên đã có sáng kiến để thương mại hóa sản phẩm thanh long của Việt Nam và thảo luận vể tiềm năng tăng cường hoạt động thương mại với các sản phẩm khác như bí ngô, dâu tây của New Zealand và chanh, bưởi của Việt Nam. Hai bên đang hướng tới mục tiêu thương mại song phương 2 tỷ USD vào năm 2024 và Thủ tướng New Zealand tin rằng mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Hai bên cũng đã có quan hệ từ lâu trong lĩnh vực giảm phát thải và New Zealand sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm phát thải trên toàn cầu.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đến Hà Nội hôm nay (14/11), bắt đầu chuyến thăm Việt Nam 4 ngày theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Lễ đón chính thức Thủ tướng Ardern đã diễn ra trước đó tại Phủ Chủ tịch. Đây là lần thứ hai Thủ tướng New Zealand đến Việt Nam. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern từng đến Đà Nẵng để dự hội nghị APEC năm 2017.

Kể từ khi nâng cấp lên Đối tác chiến lược vào tháng 7/2020, quan hệ Việt Nam - New Zealand ghi nhận nhiều bước tiến với kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm 2020. New Zealand cam kết tiếp tục dành cho Việt Nam khoảng 16 triệu USD vốn ODA trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2024.

Trong tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - New Zealand lên Đối tác Chiến lược, hai bên quyết tâm nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực như giáo dục, khoa học - công nghệ, giao lưu nhân dân, nông nghiệp và hợp tác biển.

Hà Hương
Bài viết cùng chủ đề: tiểu thương

Tin cùng chuyên mục

Nga 'vung lưới sắt' bắt gọn 42 UAV và 4 tên lửa HIMARS chỉ trong một ngày

Xelex Việt Nam ra mắt mẫu laptop và máy tính bảng Latimer tại thị trường Hoa Kỳ

Mời tham dự Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam – Senegal

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump bất ngờ ám chỉ khả năng thua cuộc

Nga thu phục ‘mắt thần’ của Mỹ, bí mật công nghệ quan trọng bị lộ diện

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 5/11: Nga bắt giữ lính Ukraine ở Kursk; Ukraine bắn hạ 50 UAV của Nga

Bầu cử Mỹ 2024: Thông điệp khép lại chiến dịch tranh cử của ông Trump, bà Harris

Bầu cử Mỹ 2024: Cuộc thăm dò gây chấn động trước giờ G

Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris, ông Trump 'so găng' quyết liệt trong 48 giờ tranh cử cuối cùng

WTO kêu gọi tái thiết hệ thống thương mại toàn cầu trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng

Chiến sự Trung Đông: Israel tấn công bệnh viện ở Lebanon khiến căng thẳng 'leo thang'

‘Mũi kim thép’ của Nga vươn xa 30km, tái định nghĩa pháo binh hiện đại

Israel tấn công nhiều bệnh viện ở Gaza, bằng chứng về Hamas liệu có thuyết phục?

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay, ngày 4/11/2024: Công dân Mỹ giúp tình báo Nga hoạt động ở Ukraine như thế nào?

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cảnh báo rủi ro đối với nền kinh tế châu Á sẽ gia tăng

Kinh tế Hoa Kỳ được dự báo tỏa sáng trước thềm bầu cử Mỹ

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 4/11: Ukraine tung 'cú đấm thép' ở Kursk; Nga không kích xuyên đêm vào Kiev

Chiến sự Trung Đông: Rốc-két từ Lebanon tấn công dữ dội vào Israel

Iran tuyên bố đáp trả mạnh mẽ hành động quân sự của Israel

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 3/11/2024: Tổng tư lệnh Ukraine thừa nhận tình thế như 'cá nằm trên thớt'