TP. Hồ Chí Minh: Tiểu thương chợ An Đông nơm nớp nỗi lo hỏa hoạn Bình Dương: Mưa lớn làm sập chợ Cư xá Hưng Lợi, tiểu thương tháo chạy |
Sáng ngày 19/6, khi nghe thông tin lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh sẽ kiểm tra việc chấp hành kinh doanh, buôn bán tại chợ An Đông (Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông, quận 5, TP. Hồ Chí Minh), nhiều tiểu thương và người làm tại các quầy hàng đã đồng loạt đóng cửa.
Tiểu thương, người làm công đóng cửa sạp hàng, tập trung ở lối đi vào chợ An Đông (quận 5, TP. Hồ Chí Minh) khi có tin Quản lý thị trường kiểm tra sáng 19/6. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, đến trưa cùng ngày khoảng 30% tiểu thương thuộc ngành hàng may mặc và vàng bạc tại chợ An Đông đã đồng loạt đóng cửa. Trong đó, có gần 100% quầy hàng ở tầng 1 chợ An Đông cũng tạm ngưng hoạt động.
Chia sẻ với phóng viên, tiểu thương Trần Thị Hiệp - chủ sạp kinh doanh áo dài tại chợ An Đông cho biết, sáng nay khi tới chợ thấy nhiều quầy sạp đóng cửa nên cũng đóng theo. Lý giải về nguyên nhân đóng quầy sạp, tiểu thương Hiệp cho hay, do lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra khiến tiểu thương không dám mở cửa vì đa số quần áo ở chợ đều không có hóa đơn đầu vào. Đa số hàng hóa kinh doanh tại chợ được tiểu thương mua vải rồi thuê thợ may, sau đó mang tới bán.
Các sạp kinh doanh hàng may mặc tại chợ đồng loạt "sập cửa" (Ảnh: Thanh Minh). |
“Mặt hàng áo dài khá đặc thù, khi lên phom phải mua thêm phụ kiện như cườm, nút, dây kéo ở chợ Soái Kình Lâm (quận 6), cũng không có hóa đơn. Ngoài ra, áo dài còn có thêu, có vẽ mới bán được. Nên khi lực lượng Quản lý thị trường hỏi xuất xứ cườm, hóa đơn gia công, hóa đơn thuê, vẽ... thì tụi tui "chịu chết" chứ gia công số lượng ít, chỉ trả tiền/nhận hàng, đâu có hóa đơn chứng từ gì" - tiểu thương Hiệp nói.
Trong khi đó, tiểu thương Nguyễn Hữu Hùng (chủ sạp 27) - kinh doanh các mặt hàng vàng nữ trang tại chợ cũng cho biết, mặc dù sạp của ông chưa bị lực lượng quản lý thị trường lập biên bản xử phạt nhưng vẫn đóng cửa. Trước đây, những tiệm vàng trong chợ thoải mái trưng các mẫu để khách coi, giờ phải giảm bớt, không dám trưng nhiều. Do cửa hàng trưng ra nếu quản lý thị trường vào kiểm tra chắc chắn sẽ vi phạm.
“Đối với mặt hàng nữ trang, các cửa hàng chủ yếu mua lại từ khách vãng lai và có thể họ từ nước ngoài về hoặc từ những khách mua vàng mua từ 10 - 20 năm trước và bán lại cho cửa hàng, cửa hàng lại bán cho những cơ sở gia công mẫu mới. Như vậy, nếu cơ quan quản lý yêu cầu hóa đơn điện tử để chứng minh đầu vào thì tiểu thương khó có thể chứng minh được” - chủ sạp 27 nói.
Một quầy kinh doanh vàng tại chợ An Đông đóng cửa trong sáng 19/6 - (Ảnh: Thanh Minh). |
Về phía đơn vị quản lý chợ, ông Đinh Hồ Duy Ngọc - Trưởng Ban quản lý chợ An Đông cho biết, khoảng 30% quầy sạp tại chợ tạm đóng cửa trong sáng 19/6. Ngay khi xảy ra vụ việc, Ban quản lý chợ đã gặp gỡ, lắng nghe những bức xúc, khó khăn của tiểu thương.
Theo ông, các tiểu thương lo lắng nếu bị kiểm tra sẽ có những lỗi thuộc ngành dọc khó tránh khỏi như: Hóa đơn đầu vào, cách ghi hóa đơn… Hiện Ban quản lý chợ đã tập hợp những lỗi này lại và hướng dẫn cho bà con để đáp ứng. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ cũng sẽ có báo cáo lên cấp chính quyền địa phương.
Trưởng Ban quản lý chợ An Đông cũng thông tin thêm, liên tục từ tháng 5 đến nay, Đội Quản lý thị trường số 5 (thuộc Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh) thường xuyên đến chợ kiểm tra. Và gần đây nhất, ngày 13, 14 và 18/6, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra các hộ kinh doanh ngành hàng quần áo may sẵn. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ kinh doanh đều vi phạm về hóa đơn đầu vào, cách thức ghi hóa đơn… Ngoài ra, có những lỗi vi phạm thuộc về chuyên môn ngành dọc, tiểu thương không nắm bắt được.
Hiện Ban quản lý đang động viên bà con mở cửa kinh doanh trở lại bình thường. Đồng thời cho biết, trên cơ sở kiến nghị của các tiểu thương, Ban Quản lý chợ sẽ tổng hợp và kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho bà con kinh doanh đúng pháp luật.
Chợ An Đông có gần 4.000 tiểu thương và nhân viên làm việc, kinh doanh, bán hàng trong hơn 2.700 quầy sạp. Ngoài kinh doanh bỏ sỉ quần áo, phụ kiện ngành may mặc, chợ còn tập trung nhiều hàng hóa xuất xứ từ nhiều nước khác nhau như: Quảng Châu (Trung Quốc), Thái Lan hoặc Nhật Bản. |