Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Hàn Quốc Nông lâm thủy sản Việt chiếm chưa tới 5% thị phần nhập khẩu của thị trường Trung Quốc |
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại Diễn đàn Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức sáng ngày 8/3.
Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)” điểm cầu chính tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giai đoạn 2018 - 2022, thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính.
Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Trong đó, 7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất gồm tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Đáng chú ý, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với tỉ lệ 24% khối lượng, 41% giá trị. Sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị nhập khẩu.
Riêng về thương mại thủy sản Việt Nam - Quảng Tây, Nguyễn Hoài Nam cho biết, Quảng Tây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Cụ thể, Quảng Tây chiếm 6% khối lượng và 11% giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Trung Quốc. Năm 2022, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD. Việt Nam là nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây khi chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị của tỉnh bạn.
Từ những tiềm năng, thuận lợi đó, ông Nguyễn Hoàng Nam đã đưa ra đề xuất phía Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp với các địa phương Trung Quốc.
Đồng thời, cần hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam.
Vẫn còn những khó khăn nhất định khi xuất thủy sản tươi sống sang Trung Quốc. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Út - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến - cho biết: Chúng tôi đã và đang xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống, chủ yếu là qua cảng ICD Thành Đạt – Km3 + Km4, tại cặp chợ Biên Mậu Móng Cái – Đông Hưng, thủ tục xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thanh toán của khách hàng vì đây không phải hoạt động xuất khẩu chính ngạch nên không thể thanh toán qua hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc gặp khó khăn báo tài chính với cơ quan thuế.
Ông Trần Văn Út giải thích, theo yêu cầu của phía Hải Quan Trung Quốc thì cư dân biên giới phía Việt Nam khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc phải có chứng thư kiểm dịch do Cục quản lý chất lượng Thủy sản cấp, nhưng giấy chứng thư thì phải là doanh nghiệp có cơ sở đủ điều kiện được Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản cấp phép mới được sản xuất, sơ chế, chế biến hoặc bao gói.
Nhưng đối với hầu hết thủy sản sống thì phía Trung Quốc chưa cho nhập khẩu chính ngạch tại Đông Hưng, mà chỉ cho nhập khẩu tại cặp chợ Móng Cái - Đông Hưng dưới hình thức xuất khẩu cư dân biên giới. Mà doanh nghiệp lại không được trực tiếp xuất khẩu theo quy định của phía Trung Quốc và cũng không được ủy thác xuất khẩu cho cá nhân là cư dân biên giới cũng như không thể xuất hoá đơn kinh doanh điện tử cho cá nhân theo quy định của cơ quan thuế. Như vậy thì doanh nghiệp không thể làm báo cáo tài chính đối với cơ quan Thuế.
Do đó, đại diện doanh nghiệp đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới để tránh việc sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập, doanh nghiệp không thể giải trình được.
Dẫn chứng thêm về khó khăn doanh nghiệp gặp phải, ông Trần Văn Út cho hay, chúng tôi vẫn thường xuyên có hoạt động xuất khẩu thủy sản tươi sống bằng đường chính ngạch đi các thị trường tại các cửa khẩu quốc tế, doanh nghiệp chúng tôi chưa vi phạm về vấn đề thông quan hàng hóa, nhưng trong thời gian gần đây chúng tôi đăng ký thủ tục Hải quan điện tử cho các lô hàng xuất khẩu thì liên tiếp 11 lô hàng bị phân luồng đỏ tính đến ngày hôm qua (7/3/2023).
Vì đặc thù là hàng tươi sống nên việc khi các lô hang bị phân luồng đỏ sẽ dẫn tới việc kéo dài thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hàng hóa cũng như uy tín với khách hàng nước ngoài. Và thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và uy tín của ngành hàng thủy sản Việt Nam. "Đề xuất các bộ ngành có chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống", ông Trần Văn Út nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận Diễn đàn, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan của Trung Quốc phối hợp tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 nước giao thương. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo TP. Móng Cái phối hợp với các đơn vị bên phía Quảng Tây (Trung Quốc) để tổ chức 1 Diễn đàn xúc tiến thương mại ở TP. Đông Hưng trong thời gian sớm nhất, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 nước có thể thương thảo trực tiếp với nhau, xây dựng các chuỗi cung ứng, xuất khẩu nông sản 2 nước.
Thứ trưởng cũng đề nghị các hiệp hội ngành hàng có nhu cầu xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Móng Cái cần tập hợp lại các vướng mắc và gửi về Cục Chất lượng, Chế biến và Thị trường nông sản để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng 2 nước cũng cần phối hợp, tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về thủ tục hồ sơ cho các doanh nghiệp.