Việt Nam đang sở hữu cơ hội vượt trội để trở thành trung tâm logistics của khu vực
Nhiều tiềm năng cho ngành logistics Việt Nam
Chia sẻ tại sự kiện về logistics diễn ra mới đây, TS Phạm Hoài Chung – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải cho biết: Quy mô thị trường logistics toàn cầu đạt khoảng 7.980 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến đạt khoảng 18.230 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10,7%/ năm.
Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong phát triển logistics |
Còn tại Việt Nam, quy mô /chu-de/trung-tam-logistics.topic khoảng 40-42 tỷ USD, logistics cũng được đánh giá là một trong những ngành tăng trưởng nhanh, ổn định nhất với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 14-16%/năm. Cùng với độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá, theo đó sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành logistics phát triển.
Việt Nam cũng được đánh giá đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (LPI – Logistics Performance Index), thuộc 5 nhóm nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Cũng theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Về tiêu chí và cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng thứ 4 và được đánh giá là quốc gia tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam cũng là quốc gia được đánh giá có hạ tầng giao thông vận tải gắn liền với logistics cùng hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường biển, đường hàng không. Trong đó, đường biển với 34 cảng biển có tổng số trên 100 km cầu cảng, hệ thống cảng biển được đầu tư xây dựng dọc theo hành lang Bắc – Nam, đội tàu biển Việt Nam gồm: 1015 tàu với tổng trọng tải 10,7 triệu tấn, đứng thứ 3 trong ASEAN và thứ 27 trên thế giới. Đặc biệt, 839 phương tiện vận tải ven biển (VR-SB) đã đảm nhận được 100% lượng hàng hoá vận tải biển và trong tương lai vẫn tiếp tục phát triển.
Về nhân lực cho ngành logistics, ông Phạm Hoài Chung cho rằng, những năm gần đây ngành logistics tại Việt Nam đã được đầu tư nhiều hơn vào đào tạo, phát triển đội ngũ nhân viên, tạo ra một lực lượng lao động chất lượng cao, có kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics, điều này giúp tăng tính chuyên nghiệp, cải thiện chất lượng dịch vụ của ngành.
Với những phân tích trên, ông Phạm Hoài Chung cho rằng, Việt Nam có lợi thế vượt trội so với khu vực để trở thành trung tâm logistics, trung chuyển hàng hoá khu vực và thế giới, bao gồm cả lĩnh vực vận chuyển và quá cảnh.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành logistics |
Cần cơ chế thuận lợi để biến tiềm năng thành hiện thực
Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng theo ông Phạm Hoài Chung, ngành logistics của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, do kết nối giữa các phương thức vận tải chưa hoàn thiện, còn tồn tại các điểm nghẽn về hạ tầng cần tháo gỡ. Vận tải đường bộ vẫn là phương thức chủ đạo, chiếm ưu thế trong bối cảnh chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của vận tải đường sắt, đường thủy nội địa,… Doanh nghiệp logistics Việt Nam còn chưa đông, quy mô vốn nhỏ, địa bàn hoạt động chủ yếu chỉ ở trong nước, các dịch vụ cung cấp còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ thấp, ít giá trị gia tăng, thiếu liên kết.
Ngoài ra, tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, phát sinh những vấn đề mới khó lường có khả năng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có logistics Việt Nam.
Để khắc phục những thách thức cho ngành logistics, ông Phạm Hoài Chung cho rằng, Việt Nam cần đầu tư lớn vào hạ tầng vận tải và kho bãi để tăng cường khả năng quản lý và lưu trữ hàng hóa. Đặc biệt, cần tập trung vào các khu vực đô thị lớn và các khu công nghiệp để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Các doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào các hoạt động đổi mới thủ tục hành chính liên quan đến logistics để giảm bớt thời gian và chi phí cho các hoạt động logistics. Phải nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh trên thị trường, bao gồm việc đào tạo nhân viên chuyên nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại để quản lý hàng hóa và cải thiện quy trình vận chuyển. Cùng với đó, phải chủ động tìm kiếm và tận dụng các cơ hội thị trường mới để mở rộng quy mô hoạt động và tăng doanh thu.
Cũng theo đại diện Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về phát triển logistics gắn với chuyển đổi số. Trong đó, cụ thể là Hoa Kỳ, với vai trò là nền kinh tế hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ có ngành logistics rất phát triển.
Đặc biệt hiện nay, với thói quen tiêu dùng, mua sắm phát triển, Hoa Kỳ đã đứng thứ hai thế giới về doanh số và số lượng người mua sắm trực tuyến qua các trang thương mại điện tử và các nền tảng mua sắm trực tuyến. Kéo theo đó, nhu cầu về dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành công nghiệp logistics dường như tăng lên trong những năm gần đây khi nhiều công ty bắt đầu triển khai các nguồn lực công nghệ thông tin trong hoạt động chuỗi cung ứng, logistics của họ.
Những ứng dụng công nghệ được áp dụng nhiều nhất trong ngành logistics tại Hoa Kỳ bao gồm dữ liệu lớn và công nghệ blockchain và các giải pháp về tự động hóa, kho hàng thông minh, hệ thống lập kế hoạch và quản lý và các dịch vụ đám mây để hiện đại hóa các quy trình cũ.
Trong khi đó, Trung Quốc là một trong những quốc gia có những bước tiến lớn trong hoạt động chuyển đổi số. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm với quan điểm phát triển chung là cải thiện mạng lưới logistics trên cả nước theo hướng hiện đại, xanh và hiệu quả hơn vào năm 2025. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về phát triển kinh tế số (2021 - 2025), Trung Quốc xác nhận sẽ nỗ lực thiết lập hệ thống logistics thông minh với các doanh nghiệp trong ngành có ảnh hưởng và lợi thế cạnh tranh quốc tế.
Các ứng dụng công nghệ được khuyến khích phát triển ở giai đoạn hiện tại trong ngành logistics Trung Quốc bao gồm dữ liệu lớn (big data), công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo, nhằm mục tiêu tạo nền tảng công nghệ vững chắc cho hoạt động logistics. Trong tương lai, chuyển đổi số trong ngành logistics Trung Quốc tập trung vào nhiệm vụ tạo lập trung tâm dữ liệu và giới thiệu tàu thông minh, phương tiện không người lái, xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng, sân bay thông minh cũng như sử dụng công nghệ blockchain để kiểm soát luồng chứng từ điện tử…