Viện Nghiên cứu Cơ khí: Những thành công mới trong nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) cho biết, với chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ lĩnh vực nhiệt điện, Viện đang xây dựng cơ chế chính sách để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị nhà máy điện khí được đầu tư trong nước. Dự kiến, Viện sẽ trình Bộ Công Thương để xem xét, thông qua trong năm 2025.
Dây chuyền cắt dán cao su tự động - Công ty Cao su Đà Nẵng do Viện Nghiên cứu Cơ khí thiết kế, chế tạo - Ảnh: Q.N |
Ngoài ra, Viện đang đầu tư các nguồn lực, tích cực tìm các đối tác nước ngoài để hợp tác nhằm tham gia được một phần vào việc thiết kế và cung cấp các thiết bị nhà máy nhiệt điện khí trong thời gian tới, trọng tâm là một số dự án được đầu tư tại Việt Nam như: Nhiệt điện Quảng Trạch 2, Ô Môn 3.
Bên cạnh đó, Viện cũng hợp tác với đối tác JFE - Nhật Bản tham gia vào công tác thiết kế, chế tạo và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cho một số dự án điện sinh khối tại Yên Bái và Tuyên Quang. Dự kiến, các dự án nay sẽ bắt đầu được thực hiện năm 2025.
Đối với chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Viện đã phối hợp với công ty nước ngoài để thực hiện một số dự án phát điện sử dụng nhiệt dư như tại các nhà máy xi măng trong nước gồm: Hoàng Mai, Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Nghi Sơn.
Việc tham gia làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo các dự án này sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho các dự án tương tự trong tương lai, tạo công ăn việc làm và tính chủ động khi thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa, tạo thêm mảng việc mới cho một bộ phận cán bộ viên chức của Viện trong ít nhất 10 năm tới.
Với chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo, Viện đã thu được những thành công ban đầu trong việc chế tạo hệ thống phao nổi, neo cho các dự án điện mặt trời như Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi với công suất 47,5MW…
Qua đó, mở ra triển vọng phát triển các sản phẩm thiết bị phục vụ ngành năng lượng tái tạo mang thương hiệu Việt Nam. Cùng với đó, Viện đang tập trung nguồn nhân lực để nghiên cứu các dự án điện gió ngoài khơi, đặc biệt, các công nghệ liên quan đến hệ thống phao, neo, công nghệ chế tạo các chi tiết lớn trong môi trường khắc nghiệt, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đối với chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực khai thác và chế biến bauxite, trong 2 năm qua, Viện đã triển khai một loạt các dự án mới theo quy hoạch phát triển của ngành như: Thiết kế cơ sở phần mỏ - tuyển dự án tổ hợp công nghiệp bauxite - alumin Dakchung công suất 1 triệu tấn alumin/năm; lập báo cáo nghiên cứu cơ hội đầu tư dự án Tổ hợp Bauxite nhôm Hòa Phát công suất thiết kế 2.000.000 tấn alumin/năm và 1.000.000 tấn nhôm/năm tại mỏ Bắc Gia Nghĩa và Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông; lập báo cáo nghiên cứu cơ hội đầu tư dự án Tổ hợp Bauxite alumin An Viên B.P công suất thiết kế 2.000.000 tấn alumin/năm Bình Phước…
Đáng chú ý, ở chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh xử lý rác, phát điện từ rác và sinh khối, robot công nghiệp, ứng dụng robot và các dây chuyền, sản phẩm công nghệ 4.0, Viện đã triển khai các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0 với trọng tâm là các dây chuyền sản xuất tự động, các kho chứa thông minh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số.
Chẳng hạn, Viện đã thiết kế, chế tạo, đưa vào vận hành thành công hệ thống phân loại sản phẩm tự động tại doanh nghiệp logistics. Theo tính toán, nếu hoạt động tối đa năng suất thì hệ thống có thể đáp ứng lên tới 70.000 sản phẩm/ngày…
Các kỹ sư của Viện Nghiên cứu Cơ khí đang tích cực phối hợp cùng với chủ đầu tư tại các dự án xi măng trong nước để làm chủ các công tác sửa chữa, thay thế và nâng cấp các thiết bị, dây chuyền thiết bị cho ngành xi măng, công việc mà trước đây vẫn là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài. |