Vì sao nắng nóng tiêu thụ điện kỷ lục, điện mặt trời, điện gió dư thừa nhưng không là giải pháp?
Nắng nóng, nhu cầu điện phá kỷ lục
Bước sang năm 2024, nền kinh tế trong nước tiếp tục hồi phục tích cực, nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Thêm vào đó, thời tiết cực đoan, nắng nóng diễn ra trên diện rộng, nhiệt độ tăng cao… khiến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt. Công suất đỉnh của hệ thống điện và sản lượng điện cũng thiết lập kỷ lục mới.
Thống kê từ 15/4 đến nay, sản lượng điện tiêu thụ trung bình ngày không ngừng tăng lên. Trong tuần 17 năm 2024 sản lượng điện trung bình ngày là 946,6 tr.kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 65,4 tr.kWh (cao hơn so với phương thức tháng 4 khoảng 80,9 tr.kWh). Đặc biệt vào lúc 13h30 ngày 27/4, công suất cực đại toàn quốc đã lên tới 47.670 MW; sản lượng tiêu thụ toàn quốc đạt 993 triệu kWh.
Luỹ kế từ đầu năm đến nay, phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023 (miền Bắc tăng 11,3%, miền Trung 8,5%, miền Nam 11,7%).
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã phải huy động tất cả các nguồn điện hiện có, trong đó nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió và điện mặt trời). Theo đó, sản lượng trung bình ngày khoảng 105,5 tr.kWh, trong đó nguồn gió là 13,9 tr.kWh.
Đối với 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, theo báo cáo của EVN, đến nay mới có 81/85 nhà máy với tổng công suất 4.597,86 MW gửi hồ sơ để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó, 69 dự án với tổng công suất 3.927,41MW đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương.
Tính đến cuối năm 2023, EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 63/69 dự án. Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 62 dự án, tổng công suất 3.399,41MW. 24 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình, 30 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 40 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nỗ lực để tìm hướng giải quyết cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp và đã đạt được kết quả nhất định.
Điện gió, mặt trời chưa thể là giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn hiện nay và chưa thể thay thế nguồn nhiệt điện (Ảnh minh hoạ) |
Điện gió, mặt trời không phải là nguồn điện chính - Vì sao?
Dù có đóng góp quan trọng cho hệ thống điện song điện gió và mặt trời tại Việt Nam vẫn không phải là giải pháp trong hệ thống điện Việt Nam vì sao?
Thứ nhất, nếu nhìn vào sản lượng của điện gió và điện mặt trời thời gian qua chỉ chiếm khoảng 12% tổng sản lượng tiêu dùng của cả nước. Việc huy động điện gió-mặt trời đã được tính toán sao cho đảm bảo cung cầu điện và yếu tố an toàn kỹ thuật của hệ thống.
Thứ hai điện mặt trời và điện gió có tính bất định, phụ thuộc quá lớn vào thời tiết của điện gió và điện mặt trời. Măc dù, nguồn điện mặt trời, điện gió có lúc thừa công suất nhất là vào buổi trưa song lại không thể huy động vì liên quan đến khả năng truyền tải, khả năng hấp thụ của hệ thống điện. Nói dễ hiểu là tiêu thụ điện trong ngày là khác nhau. Vào đúng lúc điện mặt trời có thể phát cao (thừa) nhưng nhu cầu tiêu thụ lại thấp (cầu thấp) nên không thể huy động và ngược lại khi nhu cầu điện cao (cầu cao) thì điện mặt trời lại thiếu (cung điện mặt trời thấp).
Theo phân tích của ông Trần Việt Hoà – Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực, vào những thời điểm bức xạ mặt trời cao, gió tốt, nếu thời điểm này mà đơn vị điều độ hệ thống điện huy động hết nguồn năng lượng tái tạo thì sẽ phải cắt giảm công suất của các nhà máy điện truyền thống (nhiệt điện than, khí, thuỷ điện) nhưng hệ thống điện sẽ có nguy cơ sập, việc duy trì tính liên tục và chất lượng của nguồn điện là không thể kiểm soát vì tính bất ổn định của điện gió, mặt trời.
Nói thêm về chất lượng điện áp, ví dụ ngày xưa khi chất lượng điện yếu, mỗi gia đình cần phải có 1 chiếc sút von tơ để tăng điện áp lên cho đủ để đảm bảo đèn sáng, dùng được các thiết bị điện khác đỡ hỏng hóc hơn. Khi điện áp tăng quá mức, phải nhanh chóng điều chỉnh sút vôn tơ để không cháy bóng đèn hoặc hỏng thiết bị. Nếu chúng ta chỉ dùng điện mặt trời với điện áp trồi sụt, sản lượng trồi sụt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống điện quốc gia. Trong khi, yêu cầu về chất lượng điện càng cao, đặc biệt với khối doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp công nghệ cao, chỉ cần 1 tích tắc điện áp không ổn định hoặc mất nguồn thiệt hại vô cùng to lớn. Đây chính là lý do mà điện mặt trời không phải giữ vai trò là nguồn điện chính mà phải là nguồn điện than, khí, thuỷ điện hoặc điện hạt nhân.
Mặt khác, do tính bất định của điện mặt trời, điện gió nên buộc chúng ta phải duy trì hoạt động của nhiều tổ máy nhiệt điện, thuỷ điện để thực hiện nhiệm vụ điều tần, điều áp, đảm bảo việc cung cấp điện được liên tục, an toàn, chất lượng.
Chúng ta đều biết, điện mặt trời, điện gió hiện chỉ tập trung tại phía Nam trong khi nhu cầu điện ở miền Bắc cao hơn, năng lực truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc đang gặp nhiều khó khăn. (Hiện công suất đặt của năng lượng tái tạo của nhiều tỉnh phía Nam đã vượt quá nhu cầu công suất điện của địa phương).
Một lý do khác liên quan đến nguồn lực đầu tư và chi phí chung của hệ thống điện khi có quá nhiều nguồn năng lượng tái tạo. Như đã nói ở trên, chi phí chung xuất phát từ nhu cầu sẵn sàng của các nguồn điện truyền thống để đáp ứng tính bất định của các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, đơn vị điều độ sẽ phải duy trì một lượng nguồn điện truyền thống vận hành ở trạng thái chờ hoặc công suất thấp liên tục trong các giờ có điện năng lượng tái tạo. Do đó phải trả chi phí cho các nguồn điện duy trì ở trạng thái này thay vì trả cho điện năng phát ra (còn gọi là chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện).
Bên cạnh chi phí dịch vụ phụ trợ nêu trên, hệ thống điện còn bị ảnh hưởng đến chi phí cơ hội đối với nguồn điện và lưới điện. Cụ thể, nếu nguồn điện năng lượng tái tạo tăng lên thì sẽ giảm sản lượng của các nhà máy điện truyền thống. Bên cạnh đó, nhà nước vẫn phải đầu tư lưới điện cấp điện cho khách hàng liên tục vào ban đêm hoặc khi thời tiết thay đổi. Sản lượng điện từ nguồn truyền thống giảm, suất đầu tư lưới điện tăng lên thì chi phí sẽ phải tính cho khách hàng sử dụng điện (ảnh hưởng đến giá điện).
Những thông tin nêu trên sẽ giúp người dân phần nào hiểu được lý do tại sao, trong hiện tại, Việt Nam vẫn phải duy trì nguồn điện nền và huy động cao các nguồn điện than, khí mà không phải năng lượng tái tạo. Và trong ngắn hạn, chắc chắn điện năng lượng tái tạo không thể là nguồn điện chính, không thể là giải pháp tối ưu trong việc đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục và đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam. Trong tương lai, khi nguồn năng lượng tái tạo được đầu tư thiết bị dự trữ và cũng tham gia thị trường cạnh tranh mới có sự thay đổi.
Còn câu chuyện giá điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu "0 đồng" vẫn đang được lấy ý kiến. Mọi người đều có thể nêu ý kiến của mình song cần hiểu và phân biệt rõ ràng để không bị lẫn lộn.