Đánh giá tác động môi trường là quá trình xác định, dự đoán, đánh giá và giảm thiểu những tác động liên quan sinh học, xã hội và các yếu tố khác của dự án phát triển trước khi những quyết định chính được thực hiện và cam kết được đưa ra.
Mục tiêu của đánh giá tác động môi trường:
- Đảm bảo rằng vấn đề môi trường được đề cập một cách công khai, giúp người quyết định có quyết định nên tiếp tục thực hiện hay không khi xem xét chính sách, hoạt động, dự án về mặt môi trường;
- Dự đoán, giảm thiểu các bất lợi của việc phát triển dự án đến môi trường và xã hội;
- Bảo vệ tự nhiên và hệ sinh thái
- Thúc đẩy sự phát triển bền vững, tối ưu hóa sử dụng và quản lý tài nguyên của dự án;
Hầu hết các quốc gia đều có những quy định yêu cầu các chủ dự án nhà máy điện hạt nhân cần xem xét và đánh giá tất cả các vấn đề được nêu ra bởi công chúng, đảm bảo cho công chúng hiểu được các tác động của dự án. Các bài học rút ra từ các nhà vận hành đã chỉ ra rằng cần cởi mở và minh bạch trong việc tìm cách chia sẻ các thông điệp phức tạp dưới một hình thức đơn giản. Việc xác định các bên liên quan chính từ khi bắt đầu quá trình và đảm bảo sự tham gia có hiệu quả, thường xuyên, nhất quán là rất quan trọng.
Quá trình này đòi hỏi nhiều nghiên cứu đa dạng về cả hai vấn đề bức xạ và phi bức xạ, chẳng hạn như khả năng phát tán phóng xạ ra ngoài môi trường và ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe con người, các khía cạnh phi bức xạ như lựa chọn địa điểm, hệ động vật và thực vật, môi trường biển, địa chất, thủy văn, khí tượng, chất lượng không khí, giao thông vận tải. Ngoài ra còn có các tác động kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng và tác động lên các di sản văn hóa. Vấn đề thách thức của quá trình đánh giá tác động môi trường là ở chỗ cần phải đạt được một mức độ độc lập chấp nhận được đối với công chúng trong các nghiên cứu. Phần lớn các quốc gia hiện đang xem xét về điện hạt nhân không có hoặc có rất ít kinh nghiệm trong các vấn đề môi trường cụ thể khi triển khai các chương trình điện hạt nhân.
Tài liệu “Các cột mốc quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia” của IAEA đã xác định rằng, một khi quốc gia thành viên quyết định tham gia chương trình điện hạt nhân thì cần có sự đánh giá đầy đủ về tác động môi trường của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đáp ứng theo các yêu cầu của quốc gia.
Chủ tịch Deidre Herbst nói chuyện với các đại biểu tại buổi họp kỹ thuật về quy trình đánh giá tác động môi trường cho các chương trình điện hạt nhân |
Vào tháng 6/2015, IAEA đã tổ chức cuộc họp kỹ thuật về Quy trình đánh giá tác động môi trường cho các chương trình điện hạt nhân tổ chức với sự tham gia của 61 đại biểu đến từ 32 quốc gia thành viên, đại diện cho cả các quốc gia mới phát triển điện hạt nhân hoặc đang vận hành nhà máy điện hạt nhân. Tại đây, các đại biểu đã thảo luận về các thách thức và giải pháp khả thi trong quá trình đánh giá tác động môi trường đối với nhà máy điện hạt nhân, các cơ sở lưu giữ và xử lý chất thải phóng xạ. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm về quản lý các hoạt động đánh giá tác động bức xạ và phi bức xạ.
“Việc tích hợp các khía cạnh quản lý môi trường vào các chương trình điện hạt nhân đã trở thành kinh nghiệm chuẩn mực trên thế giới” – Chủ tịch cuộc họp, Bà Deidre Herbst, Quản lý môi trường tại Eskom, Công ty điện lực Nam Phi phát biểu – “Sự hiểu biết về tính phức tạp và các yêu cầu – ví dụ như xem xét tác động của các cơ sở hạ tầng đi kèm với nhà máy điện hạt nhân như đường giao thông, nơi ở của công nhân và các đường dây truyền tải – đang tiếp tục mở rộng và thay đổi. Điều đó tạo nên các thách thức có thể tác động đến thành công của việc thực thi một chương trình hạt nhân.”
Các vấn đề khác được thảo luận trong buổi họp tập trung vào việc tích hợp quản lý môi trường trong suốt vòng đời của dự án và giải quyết những mối quan ngại xuyên biên giới từ các nước láng giềng. Các đại biểu đã nhất trí rằng các quốc gia cần xác định cơ quan chức năng nào sẽ có thẩm quyền đánh giá và kiểm định các vấn đề về bức xạ được nảy sinh trong quá trình đánh giá tác động môi trường của nhà máy điện hạt nhân. Trong trường hợp khi cơ quan quản lý môi trường có thẩm quyền để làm việc này thì điều tối quan trọng là cơ quan này phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan an toàn hạt nhân để bảo đảm tính nhất quán trong cách tiếp cận và phương pháp đánh giá tác động môi trường.