Siêu dự án điện khí LNG đầu tiên tại Việt Nam sắp 'nổi lửa' Ông Hà Đăng Sơn: Luật Điện lực (sửa đổi) tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện khí LNG |
Điện khí LNG – yêu cầu tất yếu
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển điện khí LNG. Để khai thác tiềm năng này, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các dự án điện khí LNG.
Cụ thể, Nghị quyết số 55-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí: “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng”; đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.
Còn Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) cũng đặt mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Như vậy, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện.
Điện khí LNG là nguồn điện nền, sạch (Ảnh minh hoạ) |
TS. Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài Chính) cho biết, theo tính toán, để tăng trưởng kinh tế năng lượng phải đi trước, năm 2025 chúng ta có thể tăng trưởng khoảng 7% và sau 2025 rất nhiều khả năng chúng ta đặt mục tiêu phát triển đến 2 chữ số thì sự tăng trưởng về năng lượng cũng phải đạt mục tiêu 12-13%...
Theo ông Ánh, việc phát triển điện khí là hoàn toàn đúng đắn vì đây là nguồn năng lượng sạch, điện nền vừa đáp ứng mục tiêu NetZero và mục tiêu phát triển tổng thể khác đến năm 2030. Đồng thời vừa có thể thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển điện khí hóa lỏng LNG, nhất là trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo vẫn chưa có tính ổn định cao, các nguồn điện khác đã tới hạn.
Cần nhanh chóng tháo gỡ
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, trong số 13 dự án điện khí đã được quy hoạch, đến nay mới có 01 dự án điện LNG duy nhất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam triển khai vì cần nhiều điều kiện hoàn thiện và rất nhiều điều kiện của nhà đầu tư đưa ra cần được đáp ứng... Do đó, với mục tiêu đưa vào hoạt động 13 dự án điện khí như kế hoạch sẽ gặp nhiều thách thức và để thực hiện được 50% trong số đó đã là một thành công…
Theo ông Nguyễn Quốc Thập, dự án điện khí LNG là một dự án theo chuỗi, từ việc nhập khẩu khí, hóa khí, chuyển đổi khí đến phát điện, đến đấu nối, truyền tải và đưa đến người dân tiêu thụ… Để ra được một quyết định đầu tư, phải biết dự án có hiệu quả hay không? Khi mà rủi ro còn nhiều, với giá đầu ra là bao nhiêu và với khung pháp lý hiện nay chưa thể cam kết được thì vẫn chưa thu hút được đầu tư. Hiện nay, hợp đồng mua bán điện có thể đàm phán nhưng chưa thống nhất được và đây là một sức ép, nhiệm vụ bất khả thi. Điều đó dẫn tới, EVN không thể ký kết hợp đồng, không đảm bảo đầu tư, không cam kết do Luật quản lý vốn…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duyên Hải - Giám đốc Dự án Nhiệt điện LNG Công Thanh cho biết, về mặt cơ chế pháp lý đã tương đối đủ, khi mà Quốc hội thông qua Luật Điện lực mới và trong đó đã có quan tâm đến điện khí hóa lỏng LNG (trong khoản 8 Điều 5 đã nêu rõ về điện khí LNG. Tuy nhiên, để triển khai được cần hoàn thiện nhiều văn bản dưới luật khác.
Chi phí đầu tư dự án LNG cao do còn phải xây dựng cụm cảng lớn để chuyển tải và hóa khí. Do đó, tổng mức đầu tư cao là một vướng mắc riêng nhưng chưa rõ phần công suất đối với nhà máy do có cụm cảng nhập khí không thể thấp hơn 1.500 MW. Điều đó dẫn tới, doanh nghiệp không thể áp dụng chuyển ngang 600MW từ nhiệt điện than sang điện khí. Hiện dự án của Nhiệt điện LNG Công Thanh có điều kiện thuận lợi về mặt bằng 65 ha đất sạch nên có thể triển khai ngay lập tức khi được phê duyệt và lợi thế nữa là Dự án ngay gần Cảng Nghi Sơn.
Chúng tôi kiến nghị cần xem xét ưu tiên nhà máy khí hóa lỏng trong nước và nâng công suất cho nhà máy từ 1.500 - 4.500MW; tạo thêm nhiều điều kiện để đạt được mục tiêu phát điện thương mại trước năm 2030, trong đó cần hợp đồng đầu tư dài hạn để có thể thu xếp nguồn lực đối với đầu tư dự án.
Các diễn giả tham gia toạ đàm tháo gỡ điểm nghẽ pháp lý để phát triển các dự án điện khí LNG |
Đánh giá cao về Luật Điện lực (sửa đổi) mới được thông qua tại 1 kỳ họp, trong đó có điện khí LNG, tuy nhiên TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, chúng ta cần điều chỉnh các cơ chế, hành lang pháp lý và tiến trình triển khai dự án để tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư.
Còn ông Thập cho rằng, mục tiêu phát triển điện khí có thể khả thi nếu có một Nghị quyết chuyên ngành của Quốc hội về pháp luật để tháo gỡ vướng mắc hiện tại. Trong đó, cần mở rộng đối tượng điện khí LNG cũng như nhà cung cấp khí và chúng ta cần cam kết về mức giá điện là thị trường và người mua quyết định.