Ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số
Đây là khẳng định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tại Kế hoạch thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Thời gian qua, với sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt nhiều kết quả. Đời sống văn hóa cơ sở đã được cải thiện rõ rệt. Các thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư. Một số di sản văn hóa được tôn vinh. Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức tầm quốc gia, liên vùng, đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Theo thống kê, hiện đã có 3 bảo tàng Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Giai đoạn 2016 – 2018, có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hóa – danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số được xếp hạng di tích quốc gia. Ngoài ra, đã có 407 dự án sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam, 145 di sản văn hóa văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau 2 đợt xét tặng (năm 2015 và 2019), đã có 559 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được Chủ tịch nước phong tặng/truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước.
Tuy nhiên, ghi nhận từ Bộ VHTT&DL, bảo tồn, phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số là nhiệm vụ không hề đơn giản, dễ dàng. Đặc biệt trong tình hình mới hiện nay, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể đảm bảo phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số.
Trước thực tế về công tác bảo tồn, phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số đặt ra, theo Kế hoạch, Bộ VHTT&DL sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch cho trưởng thôn/bản, nghệ nhân, người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành các chương trình, đề án cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao năng lực cho người tổ chức hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã và thôn, bản. Tăng cường các hoạt động thông tin về cơ sở; xây dựng và phát triển đội văn nghệ, câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ dân gian, tạo điều kiện để nhân dân tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
Đồng thời, sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện; ưu tiên bố trí các nguồn lực hỗ trợ phát triển mạng lưới thư viện, không gian đọc, phòng đọc cơ sở, nhà sách, tủ sách… tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường phát triển văn hóa đọc cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức và hướng dẫn triển khai xây dựng các bộ tài liệu phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích, hỗ trợ sưu tầm, lưu trữ, số hóa các xuất bản phẩm bằng tiếng dân tộc; tăng cường luân chuyển tài nguyên thông tin và phục vụ thư viện lưu động đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xây dựng, phát triển phong trào thể dục thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian, từ đó phát huy thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương; tổ chức hội thi, ngày hội thể thao ở các vùng miền, tạo sân chơi cho đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.Bố trí nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; tổ chức kiểm kê, lập danh mục kiểm kê và xây dựng hồ sơ di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, Bộ VHTT&DL sẽ tập trung phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái nhằm nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại các địa phương. Tổ chức tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi mê tín dị đoan trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTT&DL, các đơn vị trong ngành cần tăng cường xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình thí điểm đầu tư, hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số nhằm khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy giao Vụ Văn hoá dân tộc là đầu mối, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ và kết quả thực hiện các nội dung của Kế hoạch; định kỳ báo cáo kết quả và kiến nghị với Bộ trưởng về các biện pháp cần thiết, bảo đảm Kế hoạch được thực hiện hiệu quả và đồng bộ.