Tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam gia tăng nhanh
Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống. Kết quả điều tra cho thấy, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường hay còn gọi đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng với 34% biến chứng tim mạch; 39,5% biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.
Có mối liên hệ giữa việc sử dụng đồ uống nhiều đường và vấn đề thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2 |
Bằng chứng từ các nghiên cứu cho thấy, mối liên hệ giữa việc sử dụng đồ uống có đường và vấn đề thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh răng miệng và một số loại ung thư. Những người tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên (1 lon/ngày) có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi sử dụng.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra tiêu thụ khoảng 1 lon nước ngọt/ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 lên 22% so với những người uống ít hơn 1 lon/tháng.
TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm - Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, đường thêm vào thực phẩm, đồ uống trong quá trình chế biến, sản xuất. Đường tự nhiên (đường có sẵn trong các loại trái cây, rau củ…) không tính là đường gây hại cho sức khỏe.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ. Giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25g tương đương với 5 thìa cà phê đường) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua. Trung bình mỗi người Việt uống hơn 50 lít đồ uống có đường mỗi năm.
Ở Việt Nam, vấn đề sử dụng đồ uống có đường trong nhóm thiếu niên, nhóm vị thành niên gia tăng, thiếu kiểm soát. Nếu không có giải pháp cấp bách, dự tính 5, 10 hoặc 15 năm nữa Việt Nam sẽ có một thế hệ thanh niên trong tình trạng thừa cân béo phì, với gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm, tim mạch, tiểu đường…
Trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ đối với đồ uống có đường, trong đó chủ yếu là: Ghi nhãn dinh dưỡng, cấm quảng cáo, giảm tính sẵn có, tăng cường truyền thông, áp dụng chính sách thuế và giá.
Hiện 121 quốc gia/ vùng lãnh thổ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường và việc này đã mang lại hiệu quả. Ví dụ tại Thái Lan, 2 năm sau khi thực hiện đánh thuế đồ uống có đường, lượng tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 2,8% trong đó tiêu thụ đồ uống có ga giảm nhiều nhất, với mức tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 17,7%.
Theo giới chuyên gia, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là việc cấp bách cần triển khai nhằm điều chỉnh thói quen tiêu thụ, nâng cao nhận thức về tiêu dùng đồ uống có đường; giảm thiểu tổn thất kinh tế do thừa cân và béo phì và mắc các bệnh không lây nhiễm có liên quan. Qua đó, giảm gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh, hài hòa, bền vững của các thế hệ tương lai của đất nước.
Đối với biện pháp áp dụng chính sách thuế và giá, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.
Giới chuyên gia khuyến cáo, thay thế khẩu phần đồ uống có đường hàng ngày bằng nước, cà phê hoặc trà không đường có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường từ 2-10%. |