Thứ sáu 27/12/2024 00:33

Tuyên Quang: Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững

Định hướng phát triển của Tuyên Quang là thu hút đầu tư phát triển xanh, bền vững hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế

Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 sẽ là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tuyên Quang phấn đấu là điển hình về phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường

Về mục tiêu kinh tế, phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 phấn đấu đạt trên 9,5%. Cơ cấu kinh tế: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 42,8%; ngành dịch vụ chiếm 40,8%; ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 3,2%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/người/năm.

Định hướng đến năm 2050, Tuyên Quang là tỉnh phát triển, thu nhập cao của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, có môi trường xã hội văn minh, hiện đại, sáng tạo, dân chủ. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo định hướng, Tuyên Quang tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản và kinh tế lâm nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Hình thành bốn cực tăng trưởng bao gồm: Cực tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị tại TP. Tuyên Quang và phía Nam huyện Yên Sơn; cực tăng trưởng công nghiệp, đô thị, du lịch tại huyện Sơn Dương; cực tăng trưởng du lịch, nông nghiệp hàng hóa đặc sản, chất lượng cao tại huyện Na Hang và Lâm Bình; cực tăng trưởng công nghiệp và nông, lâm nghiệp tại khu vực huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa.

"Bứt phá", nỗ lực đổi mới để thu hút đầu tư

Thực hiện Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc thu hút các dự án đầu tư đang được tỉnh ưu tiên lựa chọn những dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Mục tiêu là để đón nhận những cơ hội đầu tư xanh vào các lĩnh vực mà tỉnh đang có lợi thế.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Tuyên Quang là địa phương phát triển về công nghiệp muộn hơn so với các tỉnh, thành khác trong nước nhưng luôn đặt mục tiêu thu hút các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Trong đó, với ưu thế về phát triển nông lâm nghiệp, ngành tham mưu tỉnh thu hút, mời gọi các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản, sử dụng nguyên liệu tái tạo, lắp ráp các mặt hàng công nghệ cao, thiết bị hiện đại; các dự án nông nghiệp hữu cơ, chế biến dược liệu... Đây là xu hướng bền vững, trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực giảm phát thải ròng bằng 0.

Dự án nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang vừa được chính thức động thổ tại Khu công nghiệp Long Bình An đầu tháng 3/2024

Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang được đầu tư xây dựng trên diện tích 3,3 ha tại Khu công nghiệp Long Bình An. Nhà máy có công suất thiết kế sản xuất viên nén sinh khối 150.000 tấn sản phẩm/năm, dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm, với tổng vốn đầu tư hơn 478,8 tỷ đồng (tương đương hơn 20,4 triệu USD). Dự kiến nhà máy sẽ vận hành vào năm 2025. Sản phẩm viên gỗ nén chất lượng cao của nhà máy được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: nguyên liệu đốt cho các nhà máy nhiệt điện, là chất đốt cho lò sưởi, thiết bị thiêu đốt công nghiệp, hệ thống xông hơi, sấy thực phẩm gia súc...

Hiện doanh nghiệp này cũng đang có kế hoạch mở rộng đầu tư sang lĩnh vực điện sinh khối, với mục tiêu là tận dụng các phụ phẩm trong chế biến nông lâm sản để sản xuất điện sinh khối. Khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ dẫn đầu xu hướng sản xuất xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu xanh hóa của thị trường và khách hàng.

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thực hiện Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư có tiềm năng vào đầu tư các dự án kinh doanh tại tỉnh như: Tập đoàn VinGroup; Tập đoàn Danko; Tập đoàn Flamingo,...

Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 75 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 31.000 tỷ đồng, bằng 62,3% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư tỉnh giai đoạn 2021-2025; đã phê duyệt chủ trương đầu tư 42 dự án sản xuất công nghiệp, với tổng mức đầu tư trên 6.269 tỷ đồng.

Trong đó, có nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn, dự kiến có giá trị sản xuất và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước như: Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang, tổng mức đầu tư trên 478 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất gỗ huyện Yên Sơn, tổng mức đầu tư trên 408 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế, huyện Sơn Dương, tổng mức đầu tư trên 965 tỷ đồng...

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã phê duyệt 20 hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư; quyết định chấp thuận nhà đầu tư 1 hồ sơ; chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 2 dự án với số vốn trên 82,7 tỷ đồng, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 1 dự án với số vốn trên 162 tỷ đồng.

Như vậy, trong 5 tháng qua, đã có 6 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, nâng tổng số dự án hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh lên 284 dự án, chiếm 72,2% tổng số dự án, với tổng mức đầu tư trên 26.800 tỷ đồng.

Tỉnh Tuyên Quang đang trong quá trình mời gọi các nhà đầu tư. Trong giai đoạn này, tỉnh chủ trương thu hút các dự án công nghệ sạch, công nghệ cao, ít sử dụng lao động và hạn chế tối đa các dự án công nghệ lạc hậu, có tác động đến môi trường.

Ngoài ra, trong dự thảo Tái cơ cấu ngành Công Thương cũng đặt mục tiêu duy trì ổn định đối với các dự án về giày da, may mặc mà tập trung vào nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Đối với các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến lâm sản, ngành Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp chế biến lâm sản sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC.

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng ở nhiều địa phương là bài học để Tuyên Quang “lọc” những dự án mới, đảm bảo tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững. Với quyết tâm ấy, tỉnh đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển trên nền tảng xanh, sinh thái, thân thiện với môi trường, là điểm dừng chân cho các doanh nghiệp xanh.

Đức Lâm
Bài viết cùng chủ đề: tăng trưởng kinh tế (GDP)

Tin cùng chuyên mục

Mật mía Thạch Thành, hương vị Tết cổ truyền ở xứ Thanh

Ngành Công Thương Cần Thơ 2024: Dấu ấn từ những con số biết nói

Ngành Công Thương Hải Phòng: Dấu ấn tăng trưởng trong năm nhiều biến động

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cơ chế đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân

Hợp tác xã Nấm Tam Đảo: Hỗ trợ người dân làng Nủ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng

Năm 2025, Tây Ninh thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 3- Những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP

Năm 2025, Đồng Nai ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Bài 2 - Nâng sao đếm số, nhiều OCOP đứng trước nguy cơ ''chết yểu''

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khởi động dự án khu công nghiệp thông minh, sinh thái

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Tuyên Quang: Sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vũng Tàu năm 2024