Từ vụ cháy "chung cư mini" tới nỗi lo những "chuồng cọp" không lối thoát trên phố cổ
Sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), chính quyền Hà Nội đã ngay lập tức chỉ đạo tăng cường đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Theo đó, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố sẽ tổ chức tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn quản lý, đặc biệt là chung cư mini.
Việc chính quyền Hà Nội có chỉ đạo xử lý vấn đề “nóng” về phòng cháy chữa cháy là rất kịp thời. Việc này cần phải được chính quyền các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thực hiện nghiêm túc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bởi thực tế, hầu hết các chung cư mini, nhà thuê trọ trên địa bàn thành phố đều không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy.
Cùng với đó, trên địa bàn TP. Hà Nội còn nhiều nơi người dân sinh sống đang tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ. Đó là những khu chung cư cũ hay những nhà tập thể ở phố cổ. Theo khảo sát của phóng viên, đại đa số những như chung cư cũ, nhà tập thể đều xảy ra tình trạng người dân cơi nới, tự chế “chuồng cọp” và dường như những căn hộ này đều “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Những căn nhà tập thể biến thành "chuồng cọp" ở Hà Nội, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy |
Thậm chí, có những căn hộ chung cư cũ, hay nhà tập thể cũ diện tích sử dụng trên thực tế nhiều hơn gấp hai, gấp ba lần diện tích trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều tòa nhà nằm sâu trong ngõ hẹp, đường giao thông không thuận lợi khi có sự cố xảy ra, nhất là nhà tập thể ở phố cổ.
Điều đáng lo ngại, bên trong những tòa nhà đó đang có hàng chục, hàng trăm hộ sinh sống. Chưa nói đến việc chất lượng nhiêu công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng, vấn đề phòng cháy chữa cháy cũng không được đảm bảo. Nếu không may xảy ra cháy nổ, hậu quả sẽ rất khó lường.
Hơn thế nữa, với những căn hộ “chuồng cọp” như vậy, người dân và lực lượng chức năng cũng rất khó khăn khi tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn. Điều này có thể thấy rõ trong những vụ cháy xảy ra thời gian vừa qua. Khi hàng xóm đến ứng cứu và lực lượng phòng cháy chữa cháy tới hiện trường, họ không thể tiếp cận khi nạn nhân đang mắc kẹt bên trong căn nhà. Khi lực lượng chức năng tiếp cận được, mọi chuyện đã quá muộn, đã có những thiệt hại cả về con người và tài sản.
Nói như vậy để thấy, tính quan trọng của việc đảm bảo phòng cháy chữa cháy tại các chung cư cũ, nhà tập thể phố cổ… Bởi vậy, chính quyền địa phương không chỉ ở Hà Nội mà các tỉnh, thành phố khác trên cả nước cần tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo tính an toàn về phòng chống cháy nổ ở những công trình như trên. Chúng ta cần rút ra những bài học sâu sắc, trước những vụ việc đau lòng đã xảy ra khi công tác phòng cháy chữa cháy không được quan tâm.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra giải pháp căn cơ, lâu dài chứ không phải chỉ đối phó với tình thế và cần xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp không tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, tránh để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Bên cạnh đó, bản thân người dân đang sinh sống trong những tòa chung cư cũ, nhà tập thể ở khu dân cư, phố cổ cần ý thức được việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và không cơi nới, biến căn hộ thành những “chuồng cọp”. Có như vậy, cuộc sống của họ mới được đảm bảo an toàn và sẽ không phải hối hận khi tự “đóng sập” tương lai của chính mình khi có hỏa hoạn xảy ra.