Từ “Ngày Chiến thắng” đến “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”: Điều còn mãi Người Anh hùng trên lễ đài lịch sử rơi lệ khi nghe một câu hát Những người Công Thương viết tiếp câu chuyện hòa bình |
Những người trở lại để thay lời người đã ngã xuống
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đã khép lại nhưng dư âm của sự kiện vẫn lan tỏa trên các con phố rợp cờ hoa, trên mạng xã hội, trong ánh mắt của người xem và sâu thẳm trong lòng những ai từng trải qua cuộc chiến.
Những đoạn clip xúc động vẫn được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội, những bức ảnh cũ, mới đan xen vẫn lay động hàng triệu trái tim và những câu chuyện vẫn được kể lại bằng tất cả niềm tự hào.
Giữa muôn vàn khoảnh khắc ấy nổi bật lên hình ảnh những cựu chiến binh trở lại thành phố, nơi 50 năm trước họ đã bước vào không phải bằng bước chân du khách mà bằng máu xương và tuổi trẻ.
![]() |
Cựu chiến binh, thương binh hạng 3/4 Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1928), quê Hải Phòng. Dù tuổi đã cao, sức đã yếu, 2 năm trước từng bị ngã phải ngồi xe lăn nhưng ông vẫn kiên quyết vào TP. Hồ Chí Minh giữ lời hẹn với ngày 30/4 lịch sử. Ảnh: Hữu Chính |
Những người lính già tóc đã bạc, da đã mồi, mang theo huân chương bạc màu và những vết thương thời chiến để hòa vào dòng người trẻ trung, náo nhiệt. 50 năm trước họ từng băng qua lửa đạn, từng giẫm lên những xác pháo, vượt qua lằn ranh sinh tử để tiến vào Sài Gòn, viết nên trang sử vĩ đại nhất của dân tộc.
Trên chính mảnh đất này, chỉ cách vài giờ, vài phút trước khoảnh khắc lịch sử 30/4/1975, những người đồng đội của họ đã ngã xuống, ra đi mãi mãi khi chiến thắng chỉ còn cách gang tấc.
Hôm nay, họ trở lại như một cách để thay lời những người đã nằm lại, để chứng kiến thành phố đang vươn mình trong ánh sáng của hòa bình. Một hòa bình mà họ từng khát khao, từng mơ ước trong những đêm hành quân lửa đạn.
Thành phố hôm nay đã khác, từ một vùng đất bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nay đã trở thành đầu tàu kinh tế, nơi hội tụ của những ước mơ và khát vọng. Những con đường rợp bóng cây, những tòa cao ốc san sát, dòng người tấp nập bước đi với thiết bị công nghệ hiện đại trong tay...
Trong ánh nhìn của những cựu binh, tất cả điều đó không chỉ là biểu trưng của phát triển, bởi với họ, mỗi góc phố, mỗi mái nhà... vẫn còn in hằn ký ức rền vang tiếng súng, đẫm mồ hôi, máu và nước mắt... những điều mà thời gian không thể xóa nhòa.
Giữa dòng người trẻ nô nức xem diễu binh, có những ánh mắt chợt lặng đi khi nghe một cựu chiến binh ôm di ảnh đồng đội kể lại những ngày đánh giặc. Không màu mè, không có lời hoa mỹ, chỉ là những câu chuyện thật như vết đạn còn trong ngực, như bàn chân không còn nguyên vẹn. Và có lẽ đó mới là bài học lịch sử chân thực và thấm đẫm nhất, bài học mà không sách giáo khoa, không giáo trình nào có thể truyền tải.
"Chú từng mất đồng đội ở đây", một cựu chiến binh rưng rưng khi chỉ tay vào góc phố trung tâm, nơi hôm nay dòng người đang reo hò. Một cụ ông mặc quân phục, tay run run cầm lá cờ đỏ sao vàng nghẹn ngào kể lại ngày tiến vào nội đô; một người lính năm xưa đưa tay chỉ nơi từng là chiến hào, giờ đã là phố xá sầm uất.
"Ngày đó chúng tôi không nghĩ nhiều về ngày mai, chỉ biết còn sống là còn tiến lên phía trước", người lính già nói, bên cạnh ông là cháu nội đang học lớp 3 - lứa tuổi chưa từng biết đến một ngày thiếu cơm ăn, chưa từng nghe tiếng còi báo động. Một người từng đi qua lửa đạn, một đứa trẻ lớn lên trong hòa bình cùng nhau nhìn về nơi ghi dấu lịch sử, nơi sự sống và cái chết từng chỉ cách nhau trong gang tấc.
Những ký ức họ chia sẻ không phải để kể công, càng không phải để khơi lại nỗi đau mà để nhắc nhớ một điều giản dị mà thiêng liêng: Hòa bình không từ trên trời rơi xuống. Đó là đánh đổi bằng máu, nước mắt, là tuổi xuân vĩnh viễn nằm lại giữa chiến trường của hàng triệu con người.
![]() |
Ông Nguyễn Đăng Phạt - cựu chiến binh Quân khu 5 trò chuyện với các bạn trẻ trên vỉa hè. Đã 50 năm trôi qua, ký ức về một thời hoa lửa, về những năm tháng chiến đấu trong ông vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Ảnh: Hà Giang |
Viết tiếp lịch sử bằng trí tuệ, bản lĩnh
Khi lắng nghe tiếng nói từ những người đi qua chiến tranh, đi qua lằn ranh sinh tử, người trẻ hôm nay không chỉ "chạm" vào lịch sử mà đang nhìn vào tương lai - nơi họ phải tiếp nối bằng chính lòng tự hào và trách nhiệm.
Có người nói, thế hệ hôm nay là "thế hệ may mắn", không phải cúi mình giữa tiếng bom rơi, không phải băng qua dãy Trường Sơn trong mùa lũ rét căm, không phải nhịn đói chia nhau từng lon gạo giữa những ngày đất nước chia cắt. Thế hệ hôm nay không phải sống như những người đi trước nhưng nhất định phải sống sao cho xứng với họ.
"Thế hệ của ông là phải có Huân chương chiến đấu. Nhưng thế hệ các cháu, mong sao đừng bao giờ phải đeo Huân chương chiến đấu. Chỉ cần có Huân chương bảo vệ là đủ", câu nói giản dị từ người lính già từng đi qua "mưa bom, bão đạn" đã khiến trái tim của không ít người trẻ như chùng lại. Bởi đằng sau đó là cả một hành trình lịch sử, là sự trao gửi trách nhiệm từ quá khứ đến hiện tại, từ thế hệ đã sống chết vì Tổ quốc đến những ai đang lớn lên trong hòa bình.
Huân chương chiến đấu với ông là bằng chứng cho một thời không thể nào quên nhưng ông không muốn thế hệ sau phải nhận nó. Ông chỉ mong thế hệ hôm nay không cần cầm súng, không cần mặc áo ra trận nhưng hãy biết sống tử tế. Biết yêu đất nước, biết giữ gìn hòa bình, biết bảo vệ lẽ phải, biết bảo vệ bản sắc dân tộc, biết vững tin vào một đất nước kiên cường, nhân văn và giàu khát vọng.
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động, chiến tranh, xung đột vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi, văn hóa dân tộc vẫn bị thách thức bởi làn sóng toàn cầu hóa. Trong bối cảnh ấy, lễ kỷ niệm 50 năm không chỉ là một dấu mốc lịch sử, đó là lời nhắc rằng mỗi thế hệ cần có cách của mình để làm rạng rỡ non sông.
Thế hệ cha ông đã làm tròn nghĩa vụ trong chiến tranh bằng máu, nước mắt, bằng sự hy sinh không thể nào đong đếm. Họ đã giữ lấy từng tấc đất bằng cả tuổi trẻ, bằng niềm tin không lay chuyển vào một ngày mai non sông thống nhất. Thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình nhất định không thể sống như những người đứng bên lề lịch sử.
50 năm trước cha ông cầm súng để giành lấy độc lập. Hôm nay, chúng ta cần cầm bút, làm chủ công nghệ, mang theo tri thức, sáng tạo, khát vọng… để tiếp tục hành trình dựng xây, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Viết tiếp lịch sử hôm nay không nhất thiết phải bằng máu mà phải bằng bản lĩnh, trí tuệ, sự tử tế và lòng tự tôn của một dân tộc đã đứng lên từ đổ nát, đã từng chịu đựng đau thương nhưng chưa từng cúi đầu.
Trong bài viết "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" (ngày 27/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Độc lập và thống nhất không phải là cái đích cuối cùng mà là điểm khởi đầu cho một hành trình mới: Hành trình xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, giàu mạnh, văn minh, phát triển và trường tồn. Nếu như thế hệ cha anh đã khắc ghi chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" bằng những hy sinh mất mát, thì thế hệ hôm nay phải biến lý tưởng đó thành động lực phát triển, thành đôi cánh vươn lên trong thời đại mới". |