Triển vọng thúc đẩy ngành Halal ở khu vực miền Trung Tây Nguyên

Thị trường Halal được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Đây là cơ hội cho Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp Halal.
Tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng chiến lược ngành Halal Việt Nam Tiêu chuẩn và chứng nhận: Chìa khóa để tham gia thị trường Halal Chứng nhận Halal và cơ hội cho sản phẩm Việt tại thị trường các quốc gia Hồi giáo

Cơ hội xuất khẩu sản phẩm chủ lực

Ngày 5/4, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai và Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Triển vọng và giải pháp thúc đẩy ngành Halal ở khu vực miền Trung Tây Nguyên”.

Triển vọng thúc đẩy ngành Halal ở khu vực miền Trung Tây Nguyên
Hội thảo Triển vọng và giải pháp thúc đẩy ngành Halal ở khu vực miền Trung Tây Nguyên

Hội nghị nhằm phân tích, đánh giá về tiềm năng thúc đẩy ngành Halal của khu vực miền Trung Tây Nguyên cũng như phổ biến yêu cầu pháp luật, tiêu chuẩn, chứng nhận trong ngành Halal của một số thị trường tiềm năng cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Thị trường Halal được đánh giá là một thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và là cơ hội cho Việt Nam. Theo phân tích của Trung tâm phát triển Halal (Malaysia), thị trường Halal toàn cầu ước tính đạt 5.000 tỷ USD năm 2030.

Trong khi đó, so với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…

Riêng với khu vực miền Trung Tây Nguyên, với đặc điểm lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, đã và đang trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn (cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả… là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo. Chính vì vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội để tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

PGS.TS Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi cho biết, quy mô thị trường Halal lớn, đạt 2.200 tỷ USD năm 2020, dự kiến đạt 3.200 tỷ USD năm 2025. Thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng hàng năm 6,2%. Dân số Hồi giáo lớn và đang phát triển: 2 tỷ (2023), 2,2 tỷ (2030) - chiếm 1/3 dân số thế giới. GDP bình quân đầu người Hồi giáo tăng 4,2% đến năm 2024.

Nhận định về cơ hội đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và của miền Trung Tây Nguyên, PGS.TS Đinh Công Hoàng thông tin, về vị trí địa lý, Việt Nam gần thị trường Halal, bởi 62% dân số theo đạo Hồi ở châu Á; về nguyên liệu có nhiều sản phẩm như gạo, cà phê, trà, gia vị, hồ tiêu, trầm hương, đậu, rau và trái cây…; về năng lực và thương hiệu sản xuất, Việt Nam vào top 20 nền ngoại thương lớn nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc tham gia các FTA “thế hệ mới”, chất lượng cao với các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe như EU, Mỹ, Nhật… là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp cận thị trường Halal.

Ông Đào Ngọc Cường, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho hay, diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 1.551.013 ha, đứng thứ 2 cả nước. Với đặc thù là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng, điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển nông, lâm nghiệp quy mô lớn và hội tụ được các yếu tố cần thiết để hình thành trung tâm cây ăn quả, rau, hoa, dược liệu, lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn. Nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh được xuất khẩu đi 185 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn các mặt hàng nông sản như: Rau quả, chè, cà phê, điều, tiêu, chanh leo... đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, được đánh giá là rất phù hợp với thị trường Halal và được cộng đồng người Hồi giáo ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng nông sản của tỉnh xuất khẩu vào thị trường Halal chủ yếu là thô và sơ chế.

Đáp ứng các tiêu chuẩn, mở cửa thị trường đầy tiềm năng

Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc QUACERT thừa nhận, trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal. Bên cạnh chi phí đầu tư dây chuyển sản xuất, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm Halal, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal, quy trình chứng nhận Halal và đặc biệt là việc đạt chứng nhận Halal đa dạng, phù hợp với yêu cầu riêng của từng thị trường.

Theo ông Đào Ngọc Cường, thị trường Halal toàn cầu rất rộng lớn, giàu tiềm năng với 57 quốc gia và tỷ lệ người theo đạo Hồi theo là gần 2 tỷ, chiếm 25% dân số thế giới; để đảm bảo tiêu chuẩn đạt chứng nhận Halal, việc thâm nhập vào thị trường này đòi hỏi từ khâu nuôi trồng cho đến khâu chế biến phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe của cộng đồng người Hồi giáo, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn để mở cửa vào thị trường đầy tiềm năng trong tương lai.

Thời gian tới, để đưa các sản phẩm đạt chứng nhận Halal vùng Tây Nguyên nói chung và của tỉnh Gia Lai nói riêng vào các thị trường Halal thế giới cần tập trung vào các định hướng cụ thể như: Tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ngành Halal, văn hóa của cộng đồng Hồi giáo cho người dân, doanh nghiệp, các ngành địa phương; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ Halal của Việt Nam với thị trường toàn cầu; xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp, từng bước hướng tới việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong chứng nhận, quản lý, phát triển tiêu chuẩn Halal.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai sẽ tích cực phối hợp với các Sở, ngành địa phương, các đơn vị của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp trong tỉnh áp dụng tiêu chuẩn, đánh giá, chứng nhận Halal, hỗ trợ triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn Halal, hỗ trợ thông tin về các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Halal.

Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính xác về yêu cầu của tiêu chuẩn Halal của các thị trường cũng như yêu cầu về chứng nhận Halal, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thừa ủy quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký quyết định số 689/QĐ-TĐC ngày 29/3/2024 về việc thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT), trực thuộc QUACERT.

Đây là cơ quan chứng nhận chính thức của Việt Nam cung cấp các dịch vụ Chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn Halal; tổ chức, đào tạo, tập huấn về các tiêu chuẩn, yêu cầu Halal cho các tổ chức/doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với thị trường xuất khẩu của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Halal nhằm đối thoại chính sách, tăng cường cung cấp các thông tin thị trường cho hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, trong năm nay, Trung tâm HALCERT sẽ tiến hành các thủ tục đăng ký để có thể triển khai hoạt động chứng nhận sản phẩm Halal, được thừa nhận tại các thị trường UAE, Ả Rập Xê Út, Qatar và Malaysia.

Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ Halal trên cơ sở hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước nhập khẩu. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thông tin, hiểu yêu cầu quy định đối với thị trường và sản phẩm, dịch vụ Halal.

Tới nay, Việt Nam đã ban hành 5 tiêu chuẩn quốc gia TCVN lĩnh vực Halal gồm: TCVN 12944:2020 Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung; TCVN 13708:2023 Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; TCVN 13709:2023 Thức ăn chăn nuôi Halal; TCVN 13710:2023 Thực phẩm halal - Yêu cầu đối với giết mổ động vật; TCVN 13888:2023 Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ Halal.
Quỳnh Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu hàng hóa

Tin cùng chuyên mục

Thương mại biên giới: Duy nhất xuất nhập khẩu qua Trung Quốc tăng trưởng dương

Thương mại biên giới: Duy nhất xuất nhập khẩu qua Trung Quốc tăng trưởng dương

Ứng dụng công nghệ trong hoạt động logistics: Giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí

Ứng dụng công nghệ trong hoạt động logistics: Giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí

Nghị định 33/2024/NĐ-CP sắp có hiệu lực: Đơn vị xuất, nhập khẩu hoá chất Bảng cần lưu ý gì?

Nghị định 33/2024/NĐ-CP sắp có hiệu lực: Đơn vị xuất, nhập khẩu hoá chất Bảng cần lưu ý gì?

Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU giảm 8,5% trong năm 2023

Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU giảm 8,5% trong năm 2023

Hỗ trợ doanh nghiệp nông sản Việt tiếp cận thị trường Hoa Kỳ

Hỗ trợ doanh nghiệp nông sản Việt tiếp cận thị trường Hoa Kỳ

Lo ngại tình hình thời tiết tại Brazil, giá cà phê xuất khẩu biến động

Lo ngại tình hình thời tiết tại Brazil, giá cà phê xuất khẩu biến động

Những địa phương có kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trở lên năm 2023

Những địa phương có kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trở lên năm 2023

Hội chợ Foodservice Australia 2024: Cơ hội đưa nông sản của Hà Nội vào Australia

Hội chợ Foodservice Australia 2024: Cơ hội đưa nông sản của Hà Nội vào Australia

Điểm tên những mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm vị trí cao nhất

Điểm tên những mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm vị trí cao nhất

Điểm tên 10 địa phương có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất năm 2023

Điểm tên 10 địa phương có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất năm 2023

Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023: Duy nhất khu vực thị trường châu Phi ghi nhận tăng trưởng dương

Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023: Duy nhất khu vực thị trường châu Phi ghi nhận tăng trưởng dương

Một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng tốt

Một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng tốt

Nhập khẩu hàng hóa: Điểm tên 3 mặt hàng tăng trưởng dương

Nhập khẩu hàng hóa: Điểm tên 3 mặt hàng tăng trưởng dương

Nhiều nội dung mới trong Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023

Nhiều nội dung mới trong Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023

Chuyển đổi số trong logistics - chìa khóa cho phát triển thương mại điện tử và nền kinh tế

Chuyển đổi số trong logistics - chìa khóa cho phát triển thương mại điện tử và nền kinh tế

Top 10 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất năm 2023

Top 10 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất năm 2023

Xuất khẩu hàng hóa 2023: Điểm sáng nhóm hàng nông sản, thủy sản

Xuất khẩu hàng hóa 2023: Điểm sáng nhóm hàng nông sản, thủy sản

Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Thương mại điện tử và Logistics hiện đại, bền vững

Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Thương mại điện tử và Logistics hiện đại, bền vững

Xuất khẩu than của Việt Nam tăng mạnh

Xuất khẩu than của Việt Nam tăng mạnh

Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam: Cầu nối thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả

Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam: Cầu nối thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả

Xem thêm