TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% năm 2024
Thông tin trên được ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại “Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024”, sáng ngày 6/1/2024.
Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024 |
4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 6,0%
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh -cho biết: Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, nhưng Thành phố thực hiện tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm (tăng từ 0,7% ở quý I lên 9,62 ở quý IV và cả năm 2023 đạt 5,81%). Trong đó, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, nhất là lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp, thu hút đầu tư.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt hơn 1.190.407 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt gần 698.000 tỷ đồng, chiếm 58,6% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 11,6% so với năm 2022.
Cùng với đó là tổng doanh thu du lịch trong năm 2023 đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 33,3% so với kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế đến Thành phố năm 2023 đạt 5.000.000 lượt, tăng 44,3% so cùng kỳ, đạt 100% so với kế hoạch. Còn khách du lịch nội địa đến Thành phố năm 2023 đạt 35.000.000 lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 100% so với kế hoạch.
“Nhằm kích cầu tiêu dùng, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình khuyến mại tập trung mùa mua sắm “Shopping Season” 2023 trong hai đợt (từ ngày 15/6 đến ngày 15/9/2023 và từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2023) nhằm tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng. Đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và những nền tảng mới để tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định” - ông Võ Văn Hoan thông tin.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh |
Bên cạnh sự tăng trưởng lĩnh vực thương mại dịch vụ, công nghiệp và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2023 tăng 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 6,0% so với cùng kỳ (ngành hóa dược tăng 19,4%; ngành cơ khí tăng 6,7%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 5,6%; ngành chế biến lương thực và thực phẩm giảm 6,4%).
“Nhìn chung, sản xuất công nghiệp suy giảm trong 3 tháng đầu năm 2023 nhưng bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại vào tháng 4 năm 2023 (tuy mức tăng chưa cao). Đặc biệt sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi từ một số động lực chính từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân của Chính phủ” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá.
Đáng chú ý, thu hút đầu tư nước ngoài cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023. Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, TP. Hồ Chí Minh thu hút được khoảng 5,85 tỷ USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ.
Mặc dù, đạt được nhiều kết quả tích cực trên các ngành, lĩnh vực kinh tế, quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tại các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với diễn biến bất lợi, khó lường của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Cụ thể, một số doanh nghiệp vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19 nay gặp khó khăn mới như: Đơn hàng giảm mạnh, tồn kho tăng, khó tiếp cận vốn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự...
Cùng với đó, các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống bị suy giảm hoặc tăng thấp; nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất đều giảm sâu. Do đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 43,48 tỷ USD, giảm 8,64% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 5,1%); kim ngạch nhập khẩu đạt 56,73 tỷ USD, giảm 9,81% so với năm 2022 (cùng kỳ tăng 4,4%).
Tập trung thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98
Dự báo về tình hình thế giới và trong nước, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2024 dự báo sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức bên cạnh những cơ hội mới. Trước tình hình đó, Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi - cho biết: Tập trung phát huy hiệu quả, hiệu lực hơn nữa những thuận lợi, thời cơ, nhất là đối với các cơ chế, chính sách Trung ương đã ban hành như: Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, triển khai chủ đề năm, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, quyết tâm thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023/QH15 với 18 chỉ tiêu và 10 nhóm nhiệm vụ, nhiệm vụ đột phá.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh |
Trong đó, xác định mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) năm 2024 từ 7,5-8%; tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phấn đấu kinh tế số đạt 22% tổng sản phẩm trên địa bàn; tập trung triển khai các dự án trọng điểm, gắn các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội thành phố và kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về Đông Nam Bộ và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về TP. Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số... Đồng thời theo dõi sát diễn biến tình hình trong và ngoài nước, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, thương mại, dịch vụ, đời sống nhân dân...
“Tăng cường kết nối cung - cầu hàng hóa, coi trọng phát triển các kênh phân phối hàng hóa sản xuất trong nước, xây dựng sàn giao dịch hàng hóa và các chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa quy mô lớn có sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối lớn, doanh nghiệp logistics, các trang trại và doanh nghiệp sản xuất trong nước… cũng như khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Song song đó, Thành phố cũng tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu. Nghiên cứu triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu gắn với dự báo tình hình thế giới, trong nước. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vận dụng thực hiện có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mở rộng xuất nhập khẩu…