Tính khoa học và phát triển của 5 thành tố trong tiêu đề Báo cáo Chính trị
Dự thảo xác định tiêu đề là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Như vậy, tiêu đề của Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này gồm 5 thành tố quan trọng. Trong bài viết này, xin được bàn thêm về tính khoa học và sự phát triển trong tư duy của từng thành tố, góp phần nhận thức đầy đủ hơn về tính đúng đắn của tiêu đề Dự thảo Báo cáo Chính trị do Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) chuẩn bị.
Thành tố thứ nhất trong tiêu đề là vấn đề về Đảng. Việc đặt thành tố này ở vị trí đầu tiên trong tiêu đề Dự thảo Báo cáo Chính trị cho thấy, Đảng ta nhận thức rõ vị trí đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay. Dự thảo nêu “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Đây là vấn đề rất lớn, thể hiện sự quan tâm đồng bộ đến công tác xây dựng Đảng nói chung của Trung ương; tức là Trung ương xác định sẽ tập trung lãnh đạo một cách đồng bộ đối với tất cả các nội dung, lĩnh vực, mặt công tác, các khâu, bước trong công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ sắp tới.
So với chủ đề Đại hội XI của Đảng, nội hàm thành tố này bao trùm hơn, lớn hơn, rộng hơn. Nếu Đại hội XI chỉ xác định “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, tức là chỉ tập trung vào một nội dung trong công tác xây dựng Đảng - vấn đề nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, thì lần này, thành tố này được quan tâm nhiều hơn, đầy đủ hơn; thể hiện bước phát triển mới trong tư duy và phương châm hành động, đặt ra những yêu cầu cao, toàn diện, đầy đủ hơn trong công tác xây dựng Đảng.
Tinh thần đó được “cụ thể hóa” ở việc Trung ương xác định mục phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2016-2020 là "xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức". Như vậy so với tư duy trước đây, lần này, nội hàm công tác xây dựng Đảng được Trung ương xác định thêm thành tố mới - thành tố "đạo đức". Tôi cho rằng, việc đặt vấn đề xây dựng đạo đức ngang tầm với xây dựng chính trị, tư tưởng và tổ chức là phù hợp, là phần việc cấp bách trong tình hình hiện nay. Sở dĩ Trung ương xác định như vậy là do hiệu quả công tác xây dựng Đảng những năm qua, tuy có chuyển biến tích cực, nhất là việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", nhưng trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, Trung ương cần tiếp tục quan tâm đồng bộ hơn, lãnh đạo chặt chẽ, hiệu quả hơn công tác xây dựng Đảng, nhất là những nội dung mới, vấn đề nảy sinh...
“Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa” là thành tố thứ hai trong tiêu đề Dự thảo Báo cáo Chính trị. So với chủ đề Đại hội XI của Đảng, lần này Trung ương thêm cụm từ “và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Đây là sự bổ sung kịp thời, hợp lý, bởi lẽ trong suốt tiến trình cách mạng, nhất là sau 30 năm đổi mới, Đảng ta tập trung lãnh đạo xây dựng "nền dân chủ xã hội chủ nghĩa" với quyết tâm và nỗ lực cao nhất. Đến cuối nhiệm kỳ này, nền dân chủ không còn đơn thuần được hiểu theo nghĩa là "mục tiêu” cần phấn đấu, mà trình độ của nền dân chủ ấy đã thực sự trở thành động lực của cách mạng, là nguồn sức mạnh nội sinh, cùng với thành tố “sức mạnh toàn dân tộc” trở thành lực đẩy cho sự nghiệp cách mạng. Do vậy, phát huy “dân chủ xã hội chủ nghĩa” là một chủ trương mới, sát đúng.
Trong tiêu đề Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định thành tố thứ ba là “Đổi mới toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”. So với chủ đề Đại hội XI của Đảng, Trung ương bổ sung cụm từ “đồng bộ”. Đây là sự bổ sung quan trọng. Bởi lẽ, trong quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Trung ương luôn chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, tính đồng bộ trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới chưa đạt như mong muốn; nhất là việc các lĩnh vực tuy đều có những chuyển biến tích cực, nhưng trình độ, tiến độ đổi mới, chất lượng đạt được giữa các lĩnh vực chưa ngang bằng nhau, chưa đồng đều nhau, gây cản trở đến tiến trình chung của quá trình đổi mới... Do vậy, việc nhấn mạnh “đổi mới đồng bộ” có ý nghĩa xác định lại nhiệm vụ trong tư duy lãnh đạo, trên cơ sở đó xây dựng những chủ trương, giải pháp trong việc ưu tiên đổi mới giữa các thành tố, các lĩnh vực trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo.
Đặc biệt, chủ đề Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này có thêm một thành tố hoàn toàn mới so với chủ đề Đại hội XI của Đảng là "bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định". Đây là thành tố quan trọng, nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí hết sức quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tiến trình sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung, quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược nói riêng. Thành tố này được nhấn mạnh là kết quả của những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn bảo vệ Tổ quốc và dự báo đúng, trúng đặc điểm tình hình của Trung ương; nhất là các yếu tố tiềm ẩn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời gian tới. Ở đây, cần thấy rõ hơn là Trung ương xác định rõ mục tiêu "bảo vệ Tổ quốc" gắn liền với "giữ vững môi trường hòa bình, ổn định". Bảo vệ Tổ quốc là mục tiêu cao nhất, nhưng đồng thời với đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải nhận thức và thấy rõ yêu cầu phải bảo vệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Bởi lẽ, có môi trường hòa bình, ổn định sẽ là tiền đề, nền tảng quan trọng cho việc xây dựng, phát triển đất nước; góp phần vào việc phát triển tiềm lực và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là phương cách bảo vệ Tổ quốc từ xa theo tinh thần của các Nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng trong thời gian gần đây.
Thành tố cuối cùng trong tiêu đề Dự thảo Báo cáo Chính trị là: "xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” . Đây là thành tố mục tiêu, thể hiện rõ tính chất mục tiêu cụ thể, gắn liền với phương hướng, đường lối phát triển của đất nước; vạch rõ trục hướng cho các bước phát tiển của đất nước trong giai đoạn mới.
Như vậy, nhìn một cách toàn diện, chủ đề Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thể hiện tính khoa học, cách mạng, toàn diện; đồng thời cũng toát lên những điểm mới; thể hiện tư duy chặt chẽ, lô-gích; vừa bảo đảm tính kế thừa, phát triển, vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu hướng thời đại và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.