Chủ nhật 22/12/2024 19:39

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm OCOP

Có chất lượng tốt, có câu chuyện văn hoá phía sau, song việc tiêu thụ sản phẩm OCOP trong thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Sản phẩm OCOP còn nhiều hạn chế

Thông tin đưa ra tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 5/12 cho thấy, theo thống kê mới nhất của Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, hiện cả nước có 67,3% sản phẩm OCOP 3 sao; 31,2% sản phẩm 4 sao và 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 42 sản phẩm 5 sao. Tổng số sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên là 10.881 sản phẩm.

Sản phẩm OCOP được nhiều người tiêu dùng quan tâm

Tổng số sản phẩm tuy nhiều, song số sản phẩm 5 sao thì nhiều năm nay vẫn dừng ở con số 42 sản phẩm” - ông Đặng Quý Nhân - Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ rõ.

So sánh với một nước đi đầu trong phát triển sản phẩm OCOP là Nhật Bản, ông Đặng Quý Nhân đặt vấn đề: “Tại sao bánh Mochi của Nhật Bản lại trở thành đặc sản và ngon, ngọt, mềm, thơm đến thế. Bánh vẫn được làm từ bột gạo nếp, tương tự như chiếc bánh dày của Việt Nam nhưng cách làm khác nhau tạo nên chất lượng, giá trị sản phẩm khác nhau”.

Câu trả lời là sản phẩm của Nhật Bản được quan tâm sản xuất từ những chi tiết nhỏ, không được phép có 1 sợi tóc hay một chút chất bẩn nào rơi vào để ảnh hưởng đến sản phẩm. Người đến thăm quan xưởng sản xuất bánh Mochi có khi chỉ mất vài chục phút để thăm quan hết xưởng nhưng mất đến hàng tiếng đồng hồ để chuẩn bị đầu tóc, giày dép chỉn chu trước khi vào thăm,

Một ví dụ khác là sản phẩm chè, cùng một loại chè nhưng chè Việt Nam uống có vị đắng rõ rệt hơn chè của Nhật Bản. “Cùng là thu hoạch từ tháng 7 hàng năm nhưng chè của Việt Nam hái 10 ngày 1 lứa nên rất đắng. Chè của Nhật đến khi được thu hoạch thì được che tối, 2 tháng mới hái một lần nên chè rất ngon. Điều đó cho thấy sản phẩm OCOP của Việt Nam phải cải tiến rất nhiều để cho chất lượng tốt hơn. Và người làm ra sản phẩm OCOP phải thực sự hiểu sản phẩm của mình để nâng cao chất lượng từng ngày. Không được phép dừng lại dù sản phẩm của mình đã đạt 5 sao” - ông Đặng Quý Nhân nói.

Hoặc cũng với sản phẩm chè, 20 năm trước, doanh nghiêp chè có thói quen đựng chè trong túi nilong trắng theo cân nhưng giờ họ đã thay bằng bao bì khác. Chè trong túi nilong trắng sẽ bị oxy hóa khi gặp ánh sáng nên phải bao bì tối, và không phải đóng theo 1 cân mà theo từng ấm. Đây là một tiến bộ của ngành chè mà các ngành khác cũng phải học.

Hoặc sản phẩm mì gạo, đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng, không thể chấp nhận bó mì OCOP buộc bằng dây lạt. “Người bán nói rằng do giá rẻ lắm nên không thể làm bao bì, đóng gói khác nhưng tôi không cho là vậy. OCOP là đặc sản địa phương, có thể là độc nhất vô nhị nhưng sản phẩm làm ra phải tinh túy” – ông Đặng Quý Nhân nói.

Việc thiếu đầu tư "trau chuốt" cho bao bì và nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất manh mún, thiếu các tiêu chí an toàn... là lý do khiến sản phẩm OCOP còn chiếm vị trí khiêm tốn trong các siêu thị, hệ thống phân phối.

Đối với công tác tiêu thụ sản phẩm, các diễn giả cho rằng, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc. Công tác quản lý, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận OCOP cần được quan tâm nhiều hơn.

“Tiếp sức” cho sản phẩm OCOP

Dù còn không ít hạn chế, song phải khẳng định sản phẩm OCOP là những sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng miền, có giá trị cao cả về kinh tế và văn hoá, mang lại giá trị cho các chủ thể sản phẩm. Do đó, các kênh phân phối, doanh nghiệp và cơ quan chức năng đều nỗ lực vào cuộc để tiêu thụ các sản phẩm này.

Đơn cử, ông Nguyễn Anh Phương - Trưởng Điều hành Vùng miền Bắc, Công ty MM Mega Market Việt Nam cho biết, MM Mega Market Việt Nam cam kết tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp và chủ thể OCOP tiêu thụ sản phẩm. Hiện công ty có số hot line để trên website của doanh nghiệp để ngay khi chủ thể có đủ điều kiện chứng nhận sản phẩm có thể ngay lập tức đưa hàng hoá vào 21 trung tâm của MM Mega Market trên toàn quốc.

“Trong 2-3 năm vừa rồi, chúng tôi đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội, Đà Nẵng tham gia các hội nghị kết nối cung cầu để có mối quan hệ với các chủ thể OCOP tiềm năng. Cuối năm và Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ tăng cường các sản phẩm OCOP đặc sản vùng miền dành cho các người tiêu dùng không thể về thăm quê, ví dụ như đưa giò chả Ước Lễ vào trung tâm MM Mega Market miền Nam để giúp người tiêu dùng miền Nam vẫn được sử dụng các sản phẩm truyền thống mang hương vị quê nhà” – ông Nguyễn Anh Phương chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Trung tâm kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (chủ đầu tư sàn Postmart) chia sẻ thêm, để bán sản phẩm trên nền tảng đa kênh, Postmart có nhiều thay đổi để hỗ trợ các chủ thể OCOP. Ví dụ như khi đóng gói là điểm yếu của các chủ thể OCOP thì sàn Postmart đã hỗ trợ đóng gói, gom đơn mua chung, tập hợp sản lượng lớn rồi vận chuyển đến khách hàng.

Trước Tết Nguyên đán, Postmart sẽ khai trương điểm bán nông sản tại 75 Đinh Tiên Hoàng – trụ sở của Bưu điện Hà Nội, là điểm đến hấp dẫn của du khách. Đồng thời, Bưu chính Việt Nam cũng sẽ hợp tác với Bưu chính Trung Quốc triển khai các hoạt động mang nông sản Việt Nam sang Trung Quốc bán.

Về phía Bộ Công Thương, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương khẳng định: “Bộ Công Thương xác định khâu tiêu thụ, tìm kiếm và phát triển thị trường là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích chủ thể chủ động, tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền và hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các kênh phân phối trong nước với thị trường tiêu thụ gần 100 triệu dân đóng vai trò hết sức quan trọng”.

Bộ Công Thương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về các sản phẩm OCOP và hệ thống các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước thông qua chuyên mục về Chương trình OCOP tại trang thông tin điện tử http://sanphamvungmien.vn; đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP và các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã xây dựng tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là căn cứ để địa phương xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Bộ Công Thương đã cấp kinh phí và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ 25 địa phương (21 địa phương trong giai đoạn 2019-2020 và 4 địa phương trong năm 2023) xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Một số địa phương bằng nguồn kinh phí của mình đã triển khai xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP theo tiêu chí của Bộ Công Thương và với bộ nhận diện điểm bán thống nhất như Hà Nội (hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã), Quảng Ninh (30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP), Bắc Kạn (10 điểm), Bến Tre (12 điểm), Thanh Hóa (05 điểm)….

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã triển khai một loạt các hoạt động kết nối thị trường, tổ chức các Hội nghị, hội thảo nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương, các đặc sản vùng miền.

Với sự kết nối của Bộ, trong thời gian qua, các Tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, AEON, Saigon Co.op cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương, đồng hành cùng các địa phương tổ chức các sự kiện kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại hệ thống siêu thị như: Tuần lễ OCOP tại Big C, Hội chợ kết nối sản phẩm OCOP tại hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, Tuần lễ Quảng bá nông sản hàng OCOP tại hệ thống Saigon Co.op…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cà Mau…). Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển kinh tế.

Trong khuôn khổ Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP”, các doanh nghiệp, HTX đã cùng ký thoả thuận hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP để đẩy mạnh đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian tới.

Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: sản phẩm OCOP

Tin cùng chuyên mục

Đà Nẵng: Sản phẩm OCOP đổi mới mẫu mã bao bì vào cao điểm mùa hàng Tết

Cà phê Bích Thao Sơn La tiếp tục đạt OCOP 5 sao

Hà Nội - Hà Giang kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản tiêu biểu

Sóc Trăng: Khai mạc Hội chợ OCOP và Liên hoan ẩm thực đường phố

Hàng trăm gian hàng sản phẩm OCOP vùng miền quy tụ tại TP. Hồ Chí Minh

Thị xã Quảng Yên: Hội đồng OCOP đánh giá kỹ lưỡng chất lượng 12 sản phẩm

Vĩnh Phúc có 141 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP

Sóc Trăng: 350 gian hàng sẽ quy tụ tại Hội chợ xúc tiến thương mại OCOP năm 2024

Đưa hàng Việt chất lượng cao đến với người tiêu dùng Nam Định

Bình Dương đẩy mạnh xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Tuyên Quang: Lần đầu xuất khẩu sản phẩm OCOP sang Vương quốc Anh

Bố Trạch- Quảng Bình: Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Trung tâm đặc sản Việt Nam: Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam

Thanh Hóa: Chủ thể OCOP cần sáng tạo để tăng khả năng cạnh tranh, đưa sản phẩm ra thị trường lớn

Tại sao sản phẩm OCOP Thanh Hóa chưa thể bứt phá?

''Bắt bệnh'' lý do sản phẩm OCOP vẫn còn vắng bóng tại các siêu thị

Đà Nẵng: Phiên chợ OCOP hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Mở 'cánh cửa' cho sản phẩm OCOP vào siêu thị, chuỗi bán lẻ, sàn thương mại điện tử

Kết nối giao thương sản phẩm OCOP Quảng Nam với các nhà cung cấp Đà Nẵng

Quảng Nam và Đà Nẵng 'bắt tay' quảng bá sản phẩm OCOP