Thứ tư 04/12/2024 16:33

Tiêu tiền ''đi lạc'' vào tài khoản và những cái kết đắng

Bỗng dưng nhận được tiền “đi lạc” vào tài khoản, nhiều người nảy lòng tham, không trả lại mà cố tình chiếm giữ và phải đối diện với pháp luật.

Tài khoản “bỗng dưng” báo số dư thay đổi với vài triệu, vài chục triệu thậm chí là vài trăm triệu đồng, nhiều người từ ngỡ ngàng cho đến lúc “vội vàng” nảy lòng tham tiêu số tiền không phải của mình để rồi vướng vào vòng lao lý. Những câu chuyện này không mới, nhưng vẫn diễn ra khá thường xuyên trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến hiện nay.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Đại diện Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước thông tin thêm, 4 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57,11% về số lượng và 39,49% về giá trị so với cùng kỳ 2023. Điều này cho thấy thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng trưởng rất nhanh, và việc “bắn” tiền vào tài khoản thay vì trả tiền mặt đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Tiêu tiền ''đi lạ'' vào tài khoản và những cái kết đắng. Hình minh họa

Tiện lợi, an toàn, nhanh chóng là những ưu điểm dễ nhận thấy nhất của thanh toán không dùng tiền mặt. Người dân đã quen thuộc hơn với hình thức này, tuy nhiên, đâu đó, cũng có không ít người lại “quen” với việc tiêu tiền “lạc” vào tài khoản của mình để rồi phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngày 22/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Tiến Lực (sinh năm 1973; quê Quảng Ninh), để điều tra về hành vi "Chiếm giữ trái phép tài sản". Theo hồ sơ vụ án, ngày 21/10/2023, anh N.V.A (sinh năm 1986) đã 3 lần chuyển khoản đến tài khoản cá nhân của Nguyễn Tiến Lực, với tổng số tiền 484 triệu đồng. Phát hiện chuyển khoản nhầm, anh A đã tìm cách liên hệ với Lực để xin nhận lại tiền nhưng không được. Kể từ ngày 24/10/2023, dù biết số tiền này do người khác chuyển nhầm, nhưng Lực không liên hệ với ngân hàng hay cơ quan chức năng tại địa phương để trả lại, mà dùng hết số tiền đó để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Đến ngày 25/3/2024, sau thời gian dài liên hệ mà không được hồi đáp nên anh A đã tố giác đến cơ quan Công an về hành vi Lực chiếm giữ trái phép tài sản.

Trước đó, vào tháng 5/2024, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Khắc Dũng (sinh năm 1984, ở tại số 98/455 đường Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) về hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản. Dũng được xác định là đã tiêu số tiền 170,7 triệu đồng của chị H chuyển nhầm vào tài khoản của Dũng từ tháng 12/2022. Mặc dù đã cam kết với chị H tại cơ quan công an là mỗi tháng sẽ trả dần 5 triệu đồng (từ tháng 2/2023) tuy nhiên hơn một năm qua, Dũng không thực hiện như cam kết. Do đó, chị H tiếp tục yêu cầu cơ quan công an an xử lý theo quy định pháp luật. Căn cứ tài liệu, Công an huyện Thanh Trì đã quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Khắc Dũng về hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản.

Đây chỉ là 2 trong vô số vụ việc chủ tài khoản khi thấy bỗng dưng có tiền trong tài khoản mà không phải của mình nhưng không báo với ngân hàng và cơ quan chức năng, cố ý chiếm giữ để tiêu xài. Gõ từ khóa “Chuyển khoản nhầm không trả lại” trên công cụ tìm kiếm của google, trong vòng 0,28 giây đã cho ra hơn 5.400 kết quả có liên quan tới nội dung này, đa phần trong đó là thông tin bị bắt vì “chiếm đoạt tiền chuyển khoản nhầm”. Để thấy, cái gì không phải của mình thì không thể tham, và trong thời đại số hiện nay, mọi hành vi, nhất là những giao dịch thanh toán, rút hay chuyển tiền đều được lưu vết.

Nhiều người được nhận tiền chuyển nhầm về tài khoản nghĩ rằng không biết người chuyển là ai và “tiền vào tài khoản mình thì mình cứ tiêu”, hay “không trả lại cũng không làm gì được vì do gửi nhầm” là hoàn toàn không đúng. Hành vi nhận tiền chuyển nhầm vào tài khoản mà không trả là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi điểm d Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về Tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; Mức phạt cao nhất có thể lên đến 05 năm tù.

Gõ từ khóa “trả lại tiền người lạ chuyển nhầm vào tài khoản”, trong 0,28 giây có hơn 6.000 kết quả, trong đó chủ yếu là thông tin những người nhận được tiền chuyển nhầm đã tự giác liên hệ với ngân hàng, cơ quan công an hoặc người gửi để trả lại. Số tiền được trả lại từ vài chục triệu, hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng. Rõ ràng, cái kết “đắng” hay “ngọt” trong việc xử lý tài khoản được nhận nhầm tiền đều do chính mỗi chủ tài khoản quyết định. Và trong cuộc sống, hãy bớt lòng tham để nhân lên những hành động đẹp bởi ai cũng phải bình đẳng trước pháp luật.

Thuỳ Linh
Bài viết cùng chủ đề: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Lòng tham - mảnh đất nuôi dưỡng cho hình thức lừa đảo Ponzi

Luật Điện lực (sửa đổi): Giải quyết bất cập trong giao dịch mua bán điện

PGS.TS. Ngô Trí Long: Luật Điện lực (sửa đổi) tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho phát triển thị trường điện

Những ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Luật Điện lực (sửa đổi)

Chuyện ở huyện Sóc Sơn: Đấu giá đất hay cố tình phá đám?

Gian nan bài toán xử lý chợ tự phát ở Hà Nội

Tinh gọn bộ máy trong kỷ nguyên vươn mình: Thấy gì từ những cuộc cắt giảm lịch sử?

Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Chính sách cần gắn với thực tiễn

Từ ‘cơn sốt’ vé ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’: Âm nhạc chất lượng sẽ thắng trên ‘sân nhà’

Để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hòa vào 'dòng chảy' cung ứng toàn cầu

'Dẹp loạn' quảng cáo sai sự thật: 'Cuộc chiến' chưa hồi kết trên không gian mạng

Quản lý chợ khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Vẫn còn đó những trăn trở

Thành phố Hà Nội sẽ làm gì để chống “mùa” bụi mịn?

Xét tuyển đại học bằng học bạ khó phản ánh năng lực thực chất của học sinh, dễ nảy sinh tiêu cực

Lòng yêu nước 'cháy rực' trên sân trường: Hiệu ứng tích cực từ 'Anh trai vượt ngàn chông gai'

“Cấm” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Có khả thi?

Nhà giáo trong kỷ nguyên số cần biến thách thức thành cơ hội để ngành giáo dục vươn mình

Hàng Việt và giải pháp đối mặt với những ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử

Từ thông điệp chống lãng phí của Tổng Bí thư suy ngẫm về việc xử lý thành công các dự án tồn đọng

Tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh thực sự hay áp lực hình thức?