Thứ bảy 23/11/2024 20:02

Tiêu thụ nông sản: Bài học từ Bắc Giang

Bắc Giang đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tiêu thụ nông sản và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này.

Nâng chất cho nông sản

Ông Phạm Công Toản - Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang chia sẻ, để nông sản Bắc Giang nói chung và trái vải thiều Lục Ngạn nói riêng có chỗ đứng trên thị trường, chúng tôi đã có sự có chuẩn bị từ nhiều năm đồng thời kiên định nâng cao chất lượng. Xác định thị trường do người tiêu dùng quyết định giá trị, thương hiệu sản phẩm nông sản Bắc Giang, cho nên tỉnh chỉ đạo sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường.

Năm 2017, tỉnh phê duyệt danh mục 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng để thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn (hình thành nhiều Hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất). Từ đó ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng diện tích vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhân rộng mô hình sản xuất vải hữu cơ, xây dựng và quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, tạo ra sản phẩm vải thiều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đồng đều và đảm bảo an toàn thực phẩm.Bên cạnh đó, tỉnh cũng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện, chuẩn hóa bao bì, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc (tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí bao bì, tem nhãn).

Nông sản Bắc Giang được người tiêu dùng ưa chuộng

“Ngoài ra chúng tôi cũng rà soát, kiểm tra, đánh giá, giám sát tất cả các mã số vùng trồng hiện có; cấp mã số vùng trồng mới và số hoá vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, cơ sở xông hơi khử trùng đã được cấp; từ đó đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, gia tăng giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế” – ông Phạm Công Toản nói.

Đáng chú ý, trong năm 2021, Bắc Giang đã hỗ trợ mở các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử và gặt hái thành công.

Bắc Giang cũng hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; kết nối doanh nghiệp phân phối với các nhà vườn, các hợp tác xã; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đa dạng hóa các kênh phân phối sản phẩm, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu…

Để giữ được giá trị cho nông sản, quy trình trồng trọt phải đảm bảo các tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP hoặc hữu cơ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Ông Phạm Công Toản nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng, cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện nay. “Khi chúng tôi hỗ trợ 1 doanh nghiệp mở gian hàng trên sàn Alibaba, mỗi ngày có hàng trăm đơn hàng, đến từ khắp nơi trên thế giới, bao giờ các đơn hàng cũng yêu cầu 2 nội dung: Sản phẩm hữu cơ và sản lượng phải đáp ứng chất lượng đơn hàng” – ông Phạm Công Toản nói.

Theo đó, mỗi mùa vụ kết thúc, tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đánh giá từng nội dung cụ thể, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế từng khâu.

Cụ thể, xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với tiêu thụ và xuất khẩu ngay từ đầu năm; trong đó, tập trung xây dựng vùng trồng nông sản an toàn; bố trí cán bộ chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các tổ liên kết, Hợp tác xã, nhà vườn trồng về quy trình chăm sóc; hướng dẫn ghi chép nhật ký chăm sóc, quy trình sản xuất, danh mục thuốc bảo vệ thực vật khuyến cáo cho nông sản xuất khẩu.

Trên cơ sở đó, quản lý nghiêm ngặt các mã số vùng trồng đã được cấp, đồng thời rà soát cấp mới mã số vùng trồng đạt yêu cầu; giám sát các hộ sản xuất và các mã số vùng trồng xuất khẩu; rà soát, hướng dẫn, quản lý các cơ sở sơ chế đóng gói và các biện pháp phòng dịch bệnh…

Bắc Giang còn thành lập tổ chỉ đạo sản xuất vải thiều xuất khẩu để hướng dẫn, giám sát nông dân thực hiện đúng quy trình và yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Thường xuyên khuyến cáo, thông tin về yêu cầu chất lượng của các thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng.

Trong năm 2022, tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tuyên truyền phổ biến Lệnh 248, 249 của Hải quan Trung Quốc đối với các doanh nghiệp, Hợp tác xã, chính sách quản lý, giám sát dịch bệnh của các nước…

Song song với đó, trong thời gian qua, tỉnh Bắc Giang rất quan tâm đến hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh khảo sát vùng nguyên liệu, môi trường đầu tư, để đầu tư các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 40 doanh nghiệp, Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm.

Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức hiệu quả các hoạt động kết nối cung cầu, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ giữa Hợp tác xã, hộ sản xuất, trồng trọt với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản, thực phẩm.

Hiện Bắc Giang đã có sản phẩm chế biến sâu đang được hỗ trợ khai thị trường Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, tới đây sẽ triển khai xúc tiến tại nhiều thị trường nước, cho nên chất lượng sản phẩm cũng như chế biến sâu cũng gây áp lực lớn cho vấn đề tiêu thụ.

Bên cạnh đó, hàng năm, bằng các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như khuyến công, tiết kiệm năng lượng, xúc tiến thương mại, tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương đầu tư mở rộng nhà xưởng, đổi mới công nghệ, trang bị máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh cung cấp thông tin cho người nông dân

Ông Phạm Công Toản chia sẻ, trong thời gian tới, đối với công tác tiêu thụ nông sản, tỉnh Bắc Giang xác định tiếp tục đa dạng hóa, linh hoạt thị trường tiêu thụ; trong đó coi trọng cả thị trường trong nước và xuất khẩu, có sự chủ động, linh hoạt điều phối cơ cấu, phân bổ thị trường tiêu thụ hợp lý.

Đối với thị trường trong nước, các ban, ngành trên địa bàn sẽ thường xuyên kết nối với các Tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, các doanh nghiệp, thương nhân trong cả nước để bao tiêu, tiêu thụ nông sản của tỉnh đến kỳ thu hoạch.

Đối với thị trường xuất khẩu, tỉnh thường xuyên phối hợp với Đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao, kinh tế, thương mại của Việt Nam tại các nước và của các nước tại Việt Nam để tổ chức tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản tại các thị trường, trong đó luôn coi trọng thị trường truyền thống như Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm khơi thông xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Singapore....; mở rộng thị trường xuất khẩu khác: Trung Đông, Thái Lan, Canada…

Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh, đa dạng hóa các kênh phân phối, hình thức trao đổi, mua bán nông sản cả phương thức truyền thống và hiện đại. Tỉnh xác định đẩy riêng với sản phẩm vải thiểu sẽ đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các nền tảng internet, giới thiệu, bán sản phẩm trên các mạng xã hội như facebook, zalo... giúp nông sản tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi.

Về vấn đề giảm nghèo thông tin cho bà con, trong thời gian tới, Sở Công Thương Bắc Giang sẽ tiếp tục bám sát các Hiệp định Thương mại tự do như Hiệp định EVFTA, các Hiệp định đối tác toàn diện như RCEP, CPTPP… mà Việt Nam là thành viên, thường xuyên cập nhật các chính sách về xuất nhập khẩu, các quy định tại các thị trường xuất khẩu để kịp thời phổ biến, hướng dẫn cho các địa phương và người dân và doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng, qua đó tiếp tục giữ vững ổn định tại thị trường xuất khẩu truyền thống; thúc đẩy tăng dần sản lượng xuất khẩu sang thị trường tiềm năng, thị trường mới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn các Hợp tác xã, người nông dân các kỹ năng giới thiệu, quảng bá, bán hàng trên mạng, trên các sàn thương mại điện tử để phát triển tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử và trên môi trường số, phù hợp theo xu hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát triển theo hướng kinh tế nông nghiệp và kinh tế số.

Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng, địa phương tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về công tác quản lý sản xuất, quy trình sản xuất vải VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các quy định của thị trường xuất khẩu; các biện pháp phòng chống sâu bệnh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả, giúp nông sản Bắc Giang nói chung, vải thiều nói riêng luôn có chất lượng cao, an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, tin dùng.

Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: thị trường nông sản

Tin cùng chuyên mục

Lai Châu: Tìm thị trường bền vững cho các sản phẩm chè

Chung tay xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi

Đưa nông sản chủ lực của Yên Bái lên sàn thương mại điện tử

Bắc Kạn: Đẩy mạnh phát triển thương mại, tạo cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng

Petrolimex Hà Giang: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu và lan toả nghĩa tình đồng bào

Longform | Xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị cà phê Sơn La

Quý IV, sẽ có khoảng 400 tấn nông sản được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử buudien.vn

Ca cao tăng giá, người trồng phấn khởi

Khẳng định giá trị thương hiệu ‘Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành’

Longform | 'Xanh hoá' sản phẩm, khẳng định thương hiệu nông sản trên thị trường

Hoà Bình: Gia tăng tiêu thụ cam Cao Phong trên sàn thương mại điện tử

Longform | Sàn thương mại điện tử Việt tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản miền núi

Sạt lở ở Hà Giang, hàng hóa thiết yếu vận chuyển ra sao?

Bắc Kạn tập trung phát triển và quản lý chợ

Quảng Ninh: Tăng cường quảng bá, nâng cao giá trị chè Hải Hà

Nông sản Bắc Kạn tham dự hội nghị kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành

Quảng Ngãi: Nâng tầm giá trị nông sản miền núi

Bưu điện tỉnh Điện Biên hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản Lai Châu trên sàn thương mại điện tử

Tăng cường tiêu thụ nông sản Đắk Nông trên nền tảng thương mại điện tử